Thông tin một số tỉnh, thành, trong đó có Hà Nội bắt đầu triển khai việc xây dựng hồ sơ quản lý sức khoẻ cá nhân đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Người dân được lợi gì với hồ sơ quản lý sức khoẻ cá nhân?
Thông tin một số tỉnh, thành, trong đó có Hà Nội bắt đầu triển khai việc xây dựng hồ sơ quản lý sức khoẻ cá nhân đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Câu hỏi đặt ra là người dân được lợi gì từ việc lập hồ sơ này?
Trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên, PGS-TS Lương Ngọc Khuê (ảnh), Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết: Để thực hiện chăm sóc sức khoẻ ban đầu, phát hiện sớm bệnh tật thì việc thiết lập hệ thống quản lý sức khoẻ cá nhân gắn với mục tiêu bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân và chăm sóc sức khoẻ toàn dân là rất cần thiết. Việc lập hồ sơ và quản lý sức khoẻ cho mỗi người dân từng được thực hiện trước đây tại trạm y tế cấp xã, y tế cơ quan, xí nghiệp, trường học, đồng thời chúng ta đã có mạng lưới y tế học đường, mô hình phòng khám y tế tư nhân, y tế gia đình phát triển ở đô thị.
Cụ thể, việc lập hồ sơ sức khoẻ cá nhân sẽ đem lại những tác động tích cực nào cho cộng đồng?
Hồ sơ quản lý sức khoẻ bao gồm các thông tin chung về nhân thân và một số thông tin tiền sử sức khoẻ cơ bản (nhóm máu, chiều cao, cân nặng…), bệnh tật phù hợp nhóm đối tượng chia theo độ tuổi: Trẻ em dưới 5 tuổi; Độ tuổi học đường (6 – 18 tuổi); Người trưởng thành (18 – 59 tuổi); Người cao tuổi (từ 60 tuổi); Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15 – 49 tuổi). Để triển khai lâu dài, hồ sơ quản lý sức khoẻ dự kiến sẽ là một phần của gói dịch vụ y tế cơ bản do BHYT chi trả, với mong muốn mỗi năm người dân sẽ được kiểm tra sức khỏe một lần (trường hợp khỏe mạnh, không có bệnh).
Nếu thực hiện tốt, quản lý tốt các dữ liệu thì hồ sơ theo dõi sức khỏe không chỉ nâng cao chất lượng sống cho người dân mà còn là hiệu quả về kinh tế. Bởi vì, khi người dân được phát hiện sớm bệnh tật (nếu có) thì chi phí sẽ giảm vì bệnh ở giai đoạn sớm sẽ hạn chế sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn. Để phát huy hiệu quả cao nhất sự đóng góp của hồ sơ quản lý sức khoẻ, trong đợt điều trị cho người bệnh, các bác sĩ cũng cần tham khảo tối đa các kết quả về chẩn đoán, xét nghiệm đã lưu tại hồ sơ này.
Việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân bảo đảm mỗi người dân có một hồ sơ sức khoẻ và thống nhất lưu trữ trong hệ thống quản lý hồ sơ sức khoẻ điện tử quốc gia.
Với người dân, khi cần khám chữa bệnh (KCB) có thể dịch chuyển thông suốt trong hệ thống y tế, các thông tin về sức khoẻ người bệnh được cung cấp cho thầy thuốc nhanh chóng, chính xác, tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị người bệnh, giúp họ được chăm sóc sức khoẻ toàn diện, liên tục và phối hợp, phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời khi bệnh còn ở giai đoạn sớm, hiệu quả điều trị cao, giảm bớt chi phí của mỗi người dân cho việc KCB.
Với ngành y tế, qua hồ sơ quản lý sức khỏe giúp hầu hết các bệnh thông thường sẽ được phát hiện sớm và giải quyết sớm ngay tại tuyến KCB ban đầu, hạn chế biến chứng và diễn biến bệnh tật nặng, giúp giảm quá tải bệnh viện. Mặt khác, khi thông tin về sức khoẻ của người bệnh được thông suốt các tuyến sẽ giúp việc chẩn đoán chính xác, phối hợp điều trị thống nhất, hiệu quả điều trị sẽ cao hơn. Việc tổng hợp, phân tích dữ liệu thông tin quản lý sức khoẻ giúp việc hoạch định chính sách đối với ngành y tế cũng tốt hơn vì có những bằng chứng về thực tiễn.
Ngoài ra, với quỹ BHYT, khi việc chẩn đoán, điều trị bệnh sớm sẽ đơn giản hơn, nhờ đó hạn chế việc sử dụng kỹ thuật cao, do vậy giảm chi phí BHYT. Đồng thời, khi thông tin người bệnh thông suốt, việc quản lý chi phí bảo hiểm dễ dàng hơn, hạn chế việc gian lận.
Thưa ông, hiện số lượng bác sĩ tại cơ sở còn “mỏng” so với quy mô dân số tại địa phương, vậy có đủ điều kiện thực hiện hồ sơ quản lý sức khoẻ?
Để triển khai thành công thì nhân lực là yếu tố quan trọng và đã có bước chuẩn bị từ những năm trước. Cụ thể, y tế cấp xã đã trực thuộc y tế cấp huyện, tạo điều kiện nâng cao chất lượng KCB tại cấp xã. Ngành BHXH cơ bản đã tạo lập được cơ sở dữ liệu quốc gia hộ gia đình; gần 100% cơ sở KCB BHYT từ T.Ư đến địa phương, trong đó có trên 9.000 trạm y tế tuyến xã đã kết nối liên thông dữ liệu với cơ quan BHXH. Và luật BHYT khuyến khích người dân được KCB ở tuyến cơ sở.
Một vấn đề đáng lưu tâm khác là việc quản lý, khai thác thông tin sức khỏe cá nhân liệu có đảm bảo quyền riêng tư không?
Đây là một trong những việc được tính đến trước tiên khi lập hồ sơ sức khỏe cá nhân. Nếu lưu trên hệ thống mạng máy tính, mỗi người có mã riêng; có tài khoản riêng. Mạng này có phần lưu giữ thông tin, kiểm soát ngày giờ đăng nhập. Thông tin lưu trong hồ sơ phải được đảm bảo quyền riêng tư, tương tự như với bệnh án điều trị mà các bệnh viện đang thực hiện.
Với lượng thông tin được lưu lại, chúng sẽ thể hiện được mô hình bệnh tật của quốc gia, giữa các vùng miền; có thể biết được kết quả của các hoạt động can thiệp y tế, can thiêp giảm tác hại (ví dụ tỷ lệ hút/ bỏ thuốc lá…) từ đó nhà nước, ngành y tế và các bộ ngành liên quan có cơ sở đưa ra các giải pháp, chiến lược can thiệp. Nó gần như là một kênh dữ liệu điều tra quốc gia với các chỉ số tin cậy về tình trạng sức khoẻ người dân.
Ý kiến
Giúp giảm các tai biến, nâng cao chất lượng sống
Thực tế, các bác sĩ của Hội Thầy thuốc trẻ (Hội LHTN VN) từng có các đợt khám tình nguyện cho bà con các vùng khó khăn, qua đó, có địa phương, đoàn đã phát hiện khoảng 40% người dân trung, cao tuổi trong vùng có tăng huyết áp, nhưng hầu hết họ không biết mình cần điều trị, do hạn chế trong tiếp cận dịch vụ y tế. Trong khi đó, nếu được theo dõi sức khoẻ thường xuyên, các bệnh lý mãn tính đó sẽ được phát hiện kịp thời, cấp thuốc điều trị, giúp giảm các tai biến, nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Hay một số bệnh lý thường mà vừa qua nhiều người bị phát hiện muộn (như đái tháo đường), nếu được khám, quản lý sức khoẻ thì sẽ điều trị sớm, thậm chí được ngăn chặn ngay từ khi có các yếu tố nguy cơ. Do đó, hồ sơ theo dõi sức khoẻ giúp mỗi người được theo dõi, chăm sóc sức khỏe trọn đời từ khi lọt lòng đến lúc nhắm mắt, chất lượng sống được nâng lên nhờ được chăm sóc y tế kịp thời.
Ngoài những thông tin cơ bản về cá nhân, cập nhật diễn biến bệnh tật, hồ sơ còn có những ghi chú về: tình trạng dị ứng/mẫn cảm thuốc hay thực phẩm; bệnh lý bẩm sinh hay các yếu tố riêng khác giúp bác sĩ tiếp nhận đầy đủ, từ đó đảm bảo chính xác an toàn hơn khi đưa ra phác đồ điều trị.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế)
Quan trọng là tính liên thông và bảo mật
Muốn quản lý được hồ sơ sức khoẻ nhân dân thì phải hội tụ điều kiện cần và đủ: Thứ nhất là chất lượng thông tin, tức chất lượng của cơ sở khám, phương tiện, thiết bị khám… để thông tin của người dân lấy được chính xác và có giá trị để mọi người chấp nhận. Chất lượng nơi khám liên quan đến giá thành, tức chi phí để có chất lượng thông tin. Thứ hai là cập nhật thông tin vì sức khoẻ con người thay đổi theo thời gian. Dù người bệnh có đi cơ sở nào KCB cũng được cập nhật vào kho dữ liệu. Bài toán là làm sao để cập nhật toàn bộ quá trình KCB liên tục và luôn thay đổi của người bệnh. Thứ ba là kết nối và chia sẻ thông tin. Nhưng hiện nay mỗi cơ sở đang chạy một phần mềm khác nhau nên đòi hỏi sự kết nối, liên thông giữa các đơn vị y tế và các phầm mềm.
Thứ tư là bảo mật thông tin, vì hồ sơ sức khỏe con người không chỉ là cá nhân mà liên quan đến gia đình, xã hội. Thí dụ bà vợ đi khám mà chồng đến xin kết quả là không được. Thứ năm là năng lực của kho công nghệ thông tin từ bảo mật đến lưu trữ.
Cuối cùng là sử dụng thông tin bệnh nhân từ kho thông tin. Ai được phép sử dụng và sử dụng đến đâu?
Tất cả đều có sự liên quan cấu thành một hệ thống, do vậy giải pháp đặt ra là yêu cầu về sự quyết tâm, trình độ công nghệ thông tin cho cơ sở y tế, cho người bệnh để kết nối; luật pháp hỗ trợ cho chủ trương này và kinh phí thực hiện.
TS-BS Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM