09/01/2025

Mua bán ‘xác vé’ phí đường bộ để trục lợi

Nhiều lái xe làm việc tại cơ quan, doanh nghiệp… mua lại những vé qua trạm thu phí đã sử dụng để về thanh toán nhằm trục lợi. Vì nhu cầu này nên tại nhiều trạm thu phí xuất hiện các “đội quân” chuyên thu gom vé thu phí cũ để bán lại.

 

Mua bán ‘xác vé’ phí đường bộ để trục lợi

Nhiều lái xe làm việc tại cơ quan, doanh nghiệp… mua lại những vé qua trạm thu phí đã sử dụng để về thanh toán nhằm trục lợi. Vì nhu cầu này nên tại nhiều trạm thu phí xuất hiện các “đội quân” chuyên thu gom vé thu phí cũ để bán lại.



Một tài xế ghé mua vé thu cước đã sử dụng ở Trạm thu phí An Sương - An Lạc (Q.Bình Tân, TP.HCM)

Một tài xế ghé mua vé thu cước đã sử dụng ở Trạm thu phí An Sương – An Lạc (Q.Bình Tân, TP.HCM)

Từ phản ánh của bạn đọc, PV Thanh Niên đã tìm hiểu và thấy hằng ngày có một nhóm người tụ tập quanh Trạm thu phí An Sương – An Lạc trên QL1A (P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân, TP.HCM) để thu gom vé đã sử dụng rồi bán lại cho giới tài xế. Nhóm này có khoảng 10 người, thâm niên “hành nghề” phải kể đến ông L., bà H.
Theo đó, “xác” vé ghi mệnh giá từ 20.000 – 40.000 đồng được bán 1.000 đồng; mệnh giá 80.000 đồng bán lại 4.000 đồng. Khi PV tới hỏi mua vé đã qua sử dụng, bà H. đon đả: “Mua nhiều sẽ được giảm giá. Mua 100 tờ trở lên sẽ giảm còn 3.000 đồng/vé mệnh giá 80.000 đồng. Yên tâm đi, số lượng bao nhiêu cũng có hết…”.
Tương tự, tại Trạm thu phí xa lộ Hà Nội (Q.9, TP.HCM), cũng có một số người “cắm chốt” hai bên đầu trạm để “hành nghề” mua bán “xác vé”. Theo chỉ dẫn của cánh lái xe, PV Thanh Niên tìm gặp bà N. – người có thâm niên mua bán vé thu cước trên xa lộ Hà Nội. Bà N. cho biết đứng ra thu mua vé của những người khác rồi cung cấp cho nhiều mối.
“Xác vé” mệnh giá 15.000 đồng bà bán 1.000 đồng; loại 20.000 đồng bán 2.000 đồng/vé; loại 40.000 đồng bán 3.000 đồng/vé và loại 80.000 đồng bán 5.000 đồng/vé. “Nếu mua số lượng nhiều sẽ giảm giá 20 – 30%”, bà N. rao.
Tại khu vực Trạm thu phí xa lộ Hà Nội, ngoài bà N. còn có 3 – 4 người cũng đứng ra thu mua vé đã sử dụng để bán lại.
Mua bán 'xác vé' phí đường bộ để trục lợi - ảnh 2

Ra giữa QL1A để nhặt vé thu cước, rất nguy hiểm cho tính mạng người nhặtẢNH: TRÁC RIN CHỤP TỪ CLIP

Có thể bị xử lý hình sự
Theo giới tài xế, họ mua lại “xác vé” phí đường bộ để về thanh toán với cơ quan. Tuyên, tài xế container thường xuyên chạy tuyến tỉnh Bình Dương – cảng Cái Lái (Q.2, TP.HCM), cho biết vì có nhiều cửa ngõ ra vào trên địa bàn TP.HCM nên nếu rành rẽ đường đi, giới tài xế có thể đi các con đường khác, tránh đi qua trạm thu phí. Sau đó, tài xế sẽ mua lại “xác vé” thu phí đường bộ về thanh toán với công ty để “tăng thu nhập”.
“Thường các cơ quan, đơn vị ít ai để ý chuyện này. Tài xế đưa vé về kẹp vào thanh toán thì chi thôi”, Tuyên nói.
Ông N.V.T, giám đốc một công ty vận tải ở tỉnh Bình Dương, nhìn nhận chuyện thanh toán phí đường bộ, nếu đơn vị, doanh nghiệp không quản chặt thì rất dễ bị tài xế “qua mặt” và số tiền thất thoát là không nhỏ.
“Bình thường khi đi lấy hàng, chỉ mất 2 lượt qua trạm thu phí. Nhưng có khi tài xế viện cớ công hàng bị đóng chậm, hay vướng công hàng khác nên phải chạy xe không về và mất 4 lượt qua trạm thu phí… thế là công ty bị gian lận tiền qua trạm 2 lượt. Tiền cước phí đường bộ chúng tôi chi hằng tháng có khi cả trăm triệu đồng”, ông T. cho biết.
Mua bán 'xác vé' phí đường bộ để trục lợi - ảnh 4

Người bán vé phí đường bộ chào hàng

Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn luật sư TP.HCM, vé cước phí đường bộ được ghi rõ là đã bao gồm thuế GTGT, là hóa đơn đặc thù, chứng từ để kê khai, khấu trừ thuế GTGT và tính vào chi phí nếu đảm bảo các điều kiện theo quy định. Vì vậy, việc mua bán trái phép vé cước phí đường bộ được coi là hành vi mua bán hoá đơn trái phép.
“Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi mà có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định 109/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hoá đơn. Hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép hóa đơn”, luật sư Chánh khuyến cáo.
Hành hung cả nhân viên trạm thu phí
Một số nhân viên bảo vệ ở Trạm thu phí An Sương – An Lạc cho biết họ rất bức xúc trước tình trạng nhiều người “vây” trạm thu phí để thu gom vé và hành xử rất manh động. “Thậm chí, họ còn kéo người thân ra đánh bảo vệ khi bị cản trở”, một nhân viên nói.
Ông Khương Quốc Bình, Phó giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng IDICO (chủ đầu tư Trạm thu phí đường bộ An Sương – An Lạc), xác nhận trước đây từng xảy ra va chạm giữa bảo vệ và nhóm người thu gom vé cũ. “Chúng tôi rất mong chính quyền có những giải pháp để chấm dứt việc này vì nó vừa gây cản trở giao thông, vừa nguy hiểm đến cả tính mạng của những người nhặt vé”, ông Bình nhấn mạnh.
Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Phước Bình, Phó chủ tịch UBND P.Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân), thừa nhận tình trạng trên tồn tại nhiều năm qua. “Sắp tới chúng tôi sẽ thành lập tổ công tác gồm công an phường, trật tự đô thị, khu phố… để tiến hành tuần tra, dẹp bỏ tình trạng này”, ông Bình khẳng định.

Trác Rin – Công Nguyên