08/01/2025

Tranh cãi nảy lửa tại đối thoại về điều chuyển luồng xe khách

Cuộc đối thoại hơn 3 giờ thoại giữa lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, UBND và Sở Giao thông vận tải Hà Nội với các nhà xe phải điều chuyển luồng tuyến từ bến Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm đã diễn ra rất căng thẳng.

 

Tranh cãi nảy lửa tại đối thoại về điều chuyển luồng xe khách

Cuộc đối thoại hơn 3 giờ thoại giữa lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, UBND và Sở Giao thông vận tải Hà Nội với các nhà xe phải điều chuyển luồng tuyến từ bến Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm đã diễn ra rất căng thẳng.

 

 

 

 

 
 

Video clip ghi nhận phần tranh cãi gay gắt tại buổi đối thoại

 

Cuộc đối thoại giữa Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng và giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện diễn ra khá căng thẳng chiều 1-3 khi đại diện các doanh nghiệp xe khách đồng loạt bẻ ngang phần trình bày của giám đốc Sở Giao thông vận tải.

Lý do là các doanh nghiệp muốn các kiến nghị được giải đáp ngay tại chỗ, trả lời vào từng câu hỏi, chứ không muốn nhận câu trả lời theo từng nhóm vấn đề.

Vấn đề quan trọng nhất khiến các nhà xe muốn đưa xe trở lại bến Mỹ Đình hoạt động, thay vì chuyển về bến Nước Ngầm được các chủ doanh nghiệp vận tải đưa ra là không có khách đi xe khi về bến mới.  

Nguyên nhân: hành khách ngại di chuyển từ khu vực Mỹ Đình, phía tây Hà Nội ra bến Nước Ngầm ở phía nam Hà Nội vì quá xa.

Trong khi đó xe dù, bến cóc, loại xe 9 – 16 chỗ gắn nhãn Limousine hoạt động trá hình theo loại hình xe hợp đồng nở rộ, gom hết khách từ khu vực Mỹ Đình đi các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa…

Ông Nguyễn Văn Thạc - giám đốc Công ty vận tải Nam Trực, chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Nam Định – dẫn chứng: do xe xuất bến không có khách nên 10 xe khách của công ty ông đã bị lỗ 325 triệu đồng vào tháng đầu tiên thực hiện điều chuyển, tháng thứ hai lỗ 272 triệu đồng. Có nhiều doanh nghiệp đã phải dừng khai thác một nửa đầu xe để giảm lỗ.

Cũng theo các nhà xe, dù không có khách nhưng thời gian xếp khách trong bến Nước Ngầm chỉ được 9-10 phút rồi bị đuổi ra bến phụ cạnh đó và bị thu phí dịch vụ ở cả hai bến.

Nhất loạt các doanh nghiệp tham gia đối thoại đều đề nghị được quay về bến Mỹ Đình hoạt động để tránh nguy cơ phá sản. Đồng thời đề nghị có lộ trình đến năm 2020 chuyển tất cả xe khách khỏi bến Mỹ Đình cho công bằng như bến xe Miền Đông (TP.HCM) có lộ trình chuyển ra Suối Tiên.

Đồng thời, cơ quan chức năng phải dẹp bỏ xe dù để xe khách liên tỉnh hoạt động. 

Cũng theo các doanh nghiệp, quyết định điều chuyển, sắp xếp luồng tuyến xe khách của TP Hà Nội là quá đột ngột, khiến họ không kịp thay đổi kế hoạch kinh doanh…

Sau một loạt kiến nghị, ông Vũ Văn Viện lên bục phát biểu trả lời. Tuy nhiên sau khi ông Viện trình bày một lúc, đại diện các doanh nghiệp lại ồ lên phản đối vì cho rằng ông Viện đọc văn bản, chứ không phải trả lời từng câu hỏi.

Trước phản ứng trên, Thứ trưởng Trường đề nghị ông Nguyễn Văn Thanh, chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, có ý kiến thì các nhà xe cho rằng không cần nghe ý kiến của ông Thanh.

Ông Nguyễn Hồng Trường buộc phải trực tiếp giải thích với các doanh nghiệp trước khi lãnh đạo UBND TP Hà Nội có ý kiến.

Theo ông Trường, chủ trương sắp xếp luồng tuyến của Hà Nội đã được Bộ Giao thông vận tải thống nhất để hạn chế ùn tắc giao thông khu vực Mỹ Đình và trên trục đường vành đai 3, khi nhiều xe khách chạy theo trục đường này ra quốc lộ 1.  

Ông Trường cũng thừa nhận để xe dù, bến cóc hoạt động mạnh là do quản lý nhà nước chưa kiên quyết. Đồng thời đề nghị Cục Cảnh sát giao thông phối hợp với Công an Hà Nội xử lý kiên quyết xe dù, xe hợp đồng trá hình khu vực Mỹ Đình và đường vành đai 3.

Bên cạnh đó ông Trường đề nghị Hà Nội tổ chức xe buýt chở cả khách lẫn hành lý cho hành khách từ khu vực Mỹ Đình ra bến Nước Ngầm. Ông Nguyễn Thế Hùng đồng ý với giải pháp này và cho biết sẽ giao Tổng công ty Vận tải Hà Nội triển khai ngay.

TUẤN PHÙNG