08/01/2025

Rượu chứa methanol có khắp nơi

Rượu chứa methanol nơi đâu cũng có. Vụ ngộ độc rượu tập thể nghiêm trọng ở Lai Châu vừa làm 9 người chết, trên 30 người phải nhập viện cấp cứu còn chưa nguôi thì hôm 28-2 lại có thêm vụ ngộ độc rượu methanol ở Hà Nội khiến 7 người nguy kịch.

 

Rượu chứa methanol có khắp nơi

Rượu chứa methanol nơi đâu cũng có. Vụ ngộ độc rượu tập thể nghiêm trọng ở Lai Châu vừa làm 9 người chết, trên 30 người phải nhập viện cấp cứu còn chưa nguôi thì hôm 28-2 lại có thêm vụ ngộ độc rượu methanol ở Hà Nội khiến 7 người nguy kịch.

 

 

 

Rượu chứa methanol có khắp nơi
Người bệnh ngộ độc rượu được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai – Ảnh: BVCC

“Không thể phân biệt đâu là rượu ethanol và đâu là rượu methanol nếu chỉ dựa vào cảm quan thông thường. Tuy nhiên, người dân cần cảnh giác với những loại rượu không nhãn mác, giá rẻ, thậm chí chỉ vài nghìn đồng/lít vì đó đích thị là methanol”

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên

Thông tin từ khoa chống độc Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội cho biết hiện có 3 người vẫn đang hôn mê trong số 7 người ngộ độc methanol.

Methanol chỉ đưa vào làm… sơn

Mới đây, Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức một buổi hội thảo về tác hại của rượu với sự tham gia của các chuyên gia về chống độc, tiêu hoá… Các chuyên gia cho rằng rượu nào cũng có hại, chỉ có thể hạn chế tác hại của rượu bia, uống làm sao cho an toàn.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, cần phân biệt rượu chứa ethanol – thu từ quá trình lên men hoa quả, ngũ cốc và methanol bản chất là cồn công nghiệp, chỉ được sử dụng vào công nghệ làm sơn, đun nấu… không được uống do độc tính rất mạnh.

Rượu giá rẻ trôi nổi hiện nay bán khá nhiều, người tiêu dùng không thể tránh khỏi rượu có chứa methanol. Đã có hiện tượng pha chế methanol thành rượu bán cho người tiêu dùng để rồi sau đó dẫn đến những vụ ngộ độc methanol nghiêm trọng, hầu như là ngộ độc tập thể.

Rượu methanol nguy hiểm ở chỗ phải mất từ 12 tiếng hoặc có người sau khi uống 1-2 ngày mới có biểu hiện ngộ độc. Khi đó thì tình trạng ngộ độc đã rất nguy kịch, khó cứu chữa mà nếu sống cũng để lại di chứng nặng nề, đặc biệt ở não và mắt.

Ethanol nguy hiểm không kém

Bác sĩ Nguyên cho biết cách nấu rượu truyền thống chủ yếu thu được ethanol, tuy có thể xuất hiện methanol nhưng hàm lượng ít. Methanol cũng thường tìm thấy trong nước rượu cốt, khi chưa pha loãng, nếu uống loại rượu cốt này rất có thể gây ngộ độc. Nếu quy trình nấu rượu không loại bỏ được các tạp chất như andehit, methanol (số lượng ít) cũng có thể làm người uống bị đau đầu, chóng mặt, buồn nôn…

Theo các bác sĩ, nếu như methanol gây ngộ độc cấp, hậu quả nhìn thấy ngay thì rượu ethanol cũng rất nguy hại đối với sức khoẻ của con người mang tính chất lâu dài. Rượu ethanol có thể gây nghiện, lâu dài tác động vào hệ thần kinh, tổn thương não, gây xơ gan, viêm tuỵ, ung thư…

Ông Mai Trọng Khoa – phó giám đốc bệnh viện, giám đốc Trung tâm ung bướu Bệnh viện Bạch Mai – cho hay cứ 10 người đàn ông bị ung thư điều trị tại khoa thì cả 10 người đều nghiện rượu. Chuyên gia về ung thư cũng cảnh báo rượu có thể dẫn đến các loại ung thư vòm họng, thực quản, dạ dày, gan… đặc biệt là đối với bệnh nhân vừa nghiện rượu vừa nghiện thuốc lá thì gần như 100% là ung thư vòm họng.

TS Vũ Trường Khanh, trưởng khoa tiêu hoá Bệnh viện Bạch Mai, cho biết riêng khoa tiêu hoá bệnh viện này mỗi năm tiếp nhận từ 2.500 – 2.700 người bị xơ gan, viêm tụy liên quan đến rượu. Số này chiếm đến trên 50% số người bệnh xơ gan, viêm tuỵ từ các nguyên nhân khác.

Thống kê từ Viện sức khoẻ tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai, hằng năm viện này cũng tiếp nhận trên dưới 300 người bệnh liên quan đến rượu ở tình trạng loạn thần, hoang tưởng, ảo giác…

Các cách xử lý khi bị ngộ độc

Giống như những chất hoá học công nghiệp khác, methanol có độc tính và không dành cho việc tiêu thụ của con người. Nó có thể gây ra những ảnh hưởng có hại về sức khoẻ , thậm chí gây tử vong. Sau khi dùng ngâm thuốc hay uống phải, methanol được chuyển hoá thành formaldehyde và sau đó thành axit phomic, nó sẽ khiến máu bị nhiễm axit.

Khi bị ngộ độc biểu hiện ngoài tình trạng say xỉn còn có các triệu chứng như đau bụng, đi ngoài, nôn ói hoặc mửa. Chóng mặt, đau đầu hoặc thấy yếu đi. Khó thở hoặc thở rút. Gây mù, mờ mắt, hoặc đồng tử giãn hay co giật.

Trước tình trạng có dấu hiệu ngộ độc rượu, đặc biệt là rượu có chứa methanol thì các biện pháp sơ cứu như không nên cố gắng ép nôn ói.

Trong những trường hợp nghi ngờ hoặc thực sự uống phải methanol, cần đưa ngay đến cơ sở y tế. Nếu là hít thở phải cần tách hẳn ra khỏi khu vực bị phơi nhiễm, chuyển ngay sang khu vực không khí sạch.

Nếu đã ngừng thở, cần thực hiện hô hấp nhân tạo. Giữ cho người ấm và được nghỉ ngơi. Điều trị về triệu chứng và tích cực. Cần chăm sóc y tế ngay lập tức.

Nếu tiếp xúc với mắt, ngay lập tức thực hiện rửa mắt dưới vòi nước sạch trong vòng ít nhất 15 phút, liên tục nâng mở mí mắt khi rửa. Nếu dùng kính áp tròng, cần tháo bỏ ngay. Cần có chăm sóc y tế ngay. Khi tiếp xúc ngoài da phải cởi bỏ ngay quần áo bị dính nhiễm. Rửa sạch phần bị nhiễm bằng xà phòng và nước dưới vòi tắm trong vòng tối thiểu 15 phút.

Cần tham khảo ý kiến bác sĩ nếu vẫn thấy khó chịu. Giặt sạch quần áo trước khi sử dụng lại. Tiếp xúc thời gian dài với methanol có thể phá huỷ các tế bào da gây ra tình trạng khô da và nứt nẻ da.

BS Hoàng Xuân Đại

QUỲNH LIÊN