28/11/2024

Lãnh đạo phường không làm được thì về làm việc khác

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã nói như vậy trong cuộc họp với lãnh đạo của 24 quận, huyện về công tác tái lập trật tự lòng, lề đường, vỉa hè trên địa bàn TP.

 

Lãnh đạo phường không làm được thì về làm việc khác

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã nói như vậy trong cuộc họp với lãnh đạo của 24 quận, huyện về công tác tái lập trật tự lòng, lề đường, vỉa hè trên địa bàn TP.



Lực lượng quản lý trật tự đô thị Q.3 ra quân dọn dẹp trật tự lòng lề đường ngày 1.3 	 /// Ảnh: Ngọc Dương

 

Lực lượng quản lý trật tự đô thị Q.3 ra quân dọn dẹp trật tự lòng lề đường ngày 1.3ẢNH: NGỌC DƯƠNG

 

Không làm theo phong trào, làm cho có
 
 
Nên nhắc nhở để người ta tự tháo dỡ
Tại buổi họp, ông Phong có nói về cách xử lý “như cơn lốc” của ông Đoàn Ngọc Hải (Phó chủ tịch UBND Q.1) vừa qua: “Nên nhắc nhở và để người ta tự tháo dỡ nếu vi phạm. Ví dụ chốt bảo vệ dân phòng, tôi có nhắc anh Hải nên nhắc nhở để người ta tự tháo dỡ; ý anh Hải là cơ quan nhà nước thì phải xử lý trước để làm gương. Tuy nhiên đó là nơi bảo vệ an toàn cho người dân, nên để họ tự tháo dỡ”
 

Ông Phong nhấn mạnh: “Chủ trương lập lại trật tự an toàn giao thông, đảm bảo trật tự lòng lề đường là xuyên suốt và nhất quán từ cấp T.Ư đến địa phương. Đến hôm nay, tôi đã nhận được rất nhiều cuộc điện thoại và tin nhắn của người dân bày tỏ ủng hộ việc làm này của TP. Như vậy, tức là chúng ta làm thuận ý Đảng, lòng dân. Cần phải có giải pháp khác để đạt hiệu quả, việc tái lập lại trật tự lòng lề đường chúng ta đã làm nhiều nhưng chưa đạt kết quả như mình mong muốn. Vì vậy tôi đề nghị phải chú ý đến sự bền vững, phải làm quyết liệt chứ không phải làm theo phong trào, không làm cho có, đã làm thì phải làm cho đàng hoàng. Du khách đến TP.HCM không muốn thấy cảnh nhếch nhác, việc vỉa hè bị lấn chiếm ảnh hưởng không tốt đến phát triển du lịch”.

Một số lãnh đạo các quận, huyện đã trình bày cách tái lập trật tự lòng, lề đường ở địa bàn của mình. Cụ thể, Chủ tịch UBND Q.Tân Phú, bà Hứa Thị Hồng Đang, cho biết đã có 1.405 hộ dân trên tuyến đường mẫu cam kết lập lại trật tự lòng, lề đường. Quận không đẩy đuổi người bán trên vỉa hè như dư luận phản ánh mà xử phạt đối với những hộ kinh doanh lấn chiếm vỉa hè đã bị nhắc nhở nhưng cố tình vi phạm.
Chủ tịch UBND Q.7, ông Lê Hòa Bình yêu cầu UBND TP xem xét lại việc kẻ vạch sơn trên vỉa hè vì hiện nay có những tuyến đường không đủ, quá nhỏ nhưng vẫn phải bố trí cho người dân sử dụng. “Tuyến đường Huỳnh Tấn Phát vỉa hè rất nhỏ, chúng tôi phải kẻ lại dành phần cho người đi bộ và phần còn lại để cho những hộ dân có mặt tiền sử dụng. Nếu không cho họ sử dụng thì họ cũng sẽ lấn chiếm khi lực lượng kiểm tra rút đi”, ông Bình nói.
Quyết liệt hơn, lãnh đạo H.Bình Chánh cho biết đã đặt chỉ tiêu giải quyết lòng lề đường cho lãnh đạo các xã, nếu không hoàn thành sẽ xem xét đánh giá hoàn thành nhiệm vụ trong thi đua cuối năm.
Xử lý chủ tịch quận, huyện nếu không làm được
Đề cập đến lý do tại sao một số quận, huyện ra quân xử lý lấn chiếm lòng, lề đường quyết liệt nhưng không hiệu quả, ông Nguyễn Ngọc Tường (Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP) cho rằng việc giải quyết trật tự lòng lề đường, vỉa hè tại một số quận, huyện như “bắt cóc bỏ đĩa”. Sự phối hợp giữa các địa phương chưa cao, đặc biệt là các khu vực giáp ranh của nhiều phường, quận như Bệnh viện Chợ Rẫy, đây là khu vực nóng nhất của TP, nhiều lần đoàn kiểm tra của Ban và Sở GTVT xuống ghi hình bị đối tượng hành hung. “Công tác xử lý các hành vi vi phạm chưa kiên quyết, nhất là ở cấp phường, xã do quen biết, người thân nên làm ngơ, bỏ qua, vì vậy dư luận cho rằng địa phương bao che, bảo kê”, ông Tường nói.
Ông Tường đề nghị các chủ tịch quận, huyện phải chịu trách nhiệm trước UBND TP. Nếu lòng, lề đường, vỉa hè tiếp tục bị lấn chiếm thì sẽ xử lý các chủ tịch phường, xã, thị trấn không hoàn thành trách nhiệm.
Tại buổi họp, các lãnh đạo quận, huyện còn đề xuất làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo phường, thị trấn trong việc để chợ tự phát tràn lan trên các khu vực, tuyến đường có mật độ lưu thông cao. Các lãnh đạo này đề xuất nên chuyển chợ tự phát thành cửa hàng hiện đại, tiện lợi hoặc có dự án như Q.1 làm chợ phiên ở công viên bến Bạch Đằng.
Đừng cam kết để thi đua
Ông Phong chỉ đạo 24 quận, huyện phải cùng nhau ra quân, để TP trở thành đô thị văn minh, hiện đại. “Danh sách 159 tuyến đường trọng điểm quận, huyện ký cam kết về giải quyết tình trạng lấn chiếm lòng lề đường đầu năm 2012 với UBND TP là chưa được, đừng xem đó là cam kết để thi đua với nhau. Bây giờ, tôi đề nghị lãnh đạo 24 quận, huyện cam kết với lãnh đạo TP phải tổ chức lại trật tự vỉa hè, lòng, lề đường trên tất cả các tuyến đường quận, huyện phụ trách; quận, huyện nào không làm được việc này là không hoàn thành nhiệm vụ… Ngoài ra, phải tập trung quyết liệt để giải quyết dứt điểm nạn bến cóc, xe dù, không để ảnh hưởng đến tình trạng an toàn giao thông của TP”, ông Phong nhấn mạnh.
“Các quận, huyện kiên quyết sau khi ra quân lấy lại lòng, lề đường thì đừng để bị tái chiếm lại. Các chủ tịch phường, nếu không làm được thì về làm việc khác”, ông Phong nói trước khi kết thúc buổi họp.
Phạm vi vỉa hè được sử dụng
– Vỉa hè có bề rộng trên 3 m, phạm vi cho phép sử dụng tạm thời ngoài mục đích giao thông có bề rộng lớn nhất là 1,5 m tính từ mép tiếp giáp nhà bên trong vỉa hè (hoặc từ mốc chỉ giới đường) trở ra hoặc từ mép bó vỉa trở vào. Việc xác định tiêu chí cho phép sử dụng tạm thời vỉa hè phải đảm bảo trật tự, ngăn nắp trên suốt chiều dài từng đoạn tuyến hoặc suốt tuyến đường.
 Trong trường hợp sử dụng vỉa hè để xây dựng, lắp đặt, sửa chữa các công trình ngầm và công trình bên trên, phạm vi vỉa hè được cấp phép sử dụng tạm thời phải đảm bảo bề rộng phần vỉa hè còn lại không nhỏ hơn 1 m để đảm bảo lưu thông cho người đi bộ.
– Vỉa hè có bề rộng nhỏ hơn 3 m, việc cấp phép sử dụng ngoài mục đích giao thông chỉ được xem xét đối với các hoạt động quy định tại khoản 1, 2, 5 thuộc điều 6 quy định này (tổ chức tiệc cưới, tang lễ; phục vụ thi công sửa chữa công trình; hoạt động xã hội), đồng thời phải đảm bảo lưu thông cho người đi bộ… (Trích Quyết định số 74/2008/QĐ-UBND ngày 23.10.2008 của UBND TP.HCM).
Thủ tướng hoan nghênh việc lập lại trật tự vỉa hè
Trả lời câu hỏi của báo chí tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 2 vào chiều 1.3, về quan điểm của Chính phủ trước những ý kiến trái chiều xung quanh việc lãnh đạo Q.1, TP.HCM lập lại trật tự vỉa hè, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng bày tỏ: Đây không phải là lần đầu các TP ra quân lập lại vỉa hè, như TP.HCM đã có chiến dịch từ năm 2011. Việc này sau cũng đã được các địa phương thường xuyên ra quân, xử lý, tuyên truyền nhưng không thành. “Cho nên nếu cứ nói phải ra thông báo xử phạt hành chính rồi đến ngày cưỡng chế thì không sai, nhưng để đúng với mong mỏi của người dân trong lúc này, nên ủng hộ quan điểm, cách làm của TP.HCM”, ông Dũng nói.
Ông Mai Tiến Dũng cũng thông tin, tại cuộc họp Chính phủ sáng cùng ngày, Thủ tướng đã hoan nghênh, đánh giá cao chỉ đạo của lãnh đạo TP.HCM cũng như sự vào cuộc, xuống đường, ra thực địa mà Bí thư lẫn Chủ tịch TP đã làm.
Theo ông Dũng, người dân mong muốn có vỉa hè để đi bộ và đây là điều thuộc phạm vi quản lý của nhà nước. “Cho nên, việc giải tỏa là cần thiết vì lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh dịch vụ, nếu không cẩn thận có lợi ích nhóm trong đó”, Bộ trưởng nhìn nhận.


 

Ngọc Lê – Nguyễn Lâm