Đó là khẳng định của Bộ VH-TT-DL sau khi có thông tin cho rằng đã phát hiện mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tại vườn một hộ dân ở H.Vĩnh Bảo, TP.Hải Phòng.
Chưa đủ cơ sở khoa học để xác định mộ Trạng Trình
Đó là khẳng định của Bộ VH-TT-DL sau khi có thông tin cho rằng đã phát hiện mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tại vườn một hộ dân ở H.Vĩnh Bảo, TP.Hải Phòng.
Cụ thể, trong Công văn số 704 ký ngày 27.2 gửi UBND TP.Hải Phòng về việc nghiên cứu ngôi mộ mới phát tích tại H.Vĩnh Bảo, Bộ VH-TT-DL cho biết theo thông tin mà Bộ có được đến thời điểm hiện nay, từ năm 2014 người dân H.Vĩnh Bảo, TP.Hải Phòng phát hiện trong vườn nhà hiện vật được một số nhà nghiên cứu cùng Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người cho là có liên quan đến danh nhân văn hoá Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Hiện vật đã lưu lạc cho đến tháng 12.2016 mới được Bảo tàng Hải Phòng tiếp nhận và bảo vệ theo quy định của pháp luật về di sản văn hoá. Theo Bộ VH-TT-DL, những thông tin có được trong quá trình phát hiện cũng như việc tổ chức bảo vệ, nghiên cứu hiện vật cho thấy chưa đủ cơ sở khoa học để đưa ra kết luận nguồn gốc, chủ nhân của hiện vật. Vì vậy, Bộ đề nghị UBND TP.Hải Phòng chỉ đạo Sở VH-TT phối hợp cơ quan chức năng tiếp tục thu thập thông tin về quá trình phát hiện hiện vật và xây dựng kế hoạch mời các nhà khoa học, các tổ chức có đủ chức năng để tiến hành nghiên cứu (nếu cần thiết có thể tiến hành thăm dò, khai quật khảo cổ học theo quy định), bảo vệ hiện vật một cách bài bản đảm bảo tuân thủ nguyên tắc khoa học trước khi báo cáo UBND TP.Hải Phòng và Bộ VH-TT-DL xem xét, quyết định.
Ảnh chụp để nghiên cứu hiện vật được một số người coi là chiếc thẻ treẢNH: VIÊN NGHIÊN CỨU HÁN NÔM CUNG CẤP
Thông tin trái chiều Quanh “thẻ tre”
Trong một diễn tiến khác, theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ do Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người về hiện vật là “chiếc thẻ tre của mộ Trạng Trình” (trên đó được cho là có khắc chữ để khẳng định mộ Trạng Trình – PV), Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã yêu cầu được tiếp cận trực tiếp hiện vật này. “Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người có đề nghị Viện Nghiên cứu Hán Nôm đọc, dịch các chữ trên thẻ trong ván hậu của tấm quách gỗ cổ tìm thấy ngày 7.1.2017 và xác nhận kết quả một số nhà Hán Nôm đã dịch. Tuy nhiên, chúng tôi yêu cầu tiếp cận trực tiếp hiện vật chứ không phải chỉ qua tư liệu họ chuyển”, PGS-TS Nguyễn Công Việt, Phó chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu Hán Nôm, người chủ trì công việc nghiên cứu này, cho biết.
Ông Nguyễn Văn Phương, Giám đốc Bảo tàng Hải Phòng, cho biết hiện Bảo tàng Hải Phòng được Sở VH-TT TP.Hải Phòng giao giải quyết sự việc. “Sắp tới chúng tôi sẽ có công văn chính thức khẳng định không đủ căn cứ nói đây là mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, không cho phép tiếp tục nghiên cứu, khai quật mộ ở vườn nhà bà Hiền. Đồng thời đề nghị UBND H.Vĩnh Bảo dẹp ngay các hoạt động mê tín dị đoan ở nhà bà Hiền”, ông Phương nói.
Việc tiếp cận hiện vật sau đó đã diễn ra ngày 4.2 tại số 14 Phan Kế Bính, Hà Nội. Nhóm 5 nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã ghi hình và phóng to để quan sát hiện vật, sau đó cùng thảo luận về hiện vật này vào ngày 8.2. Hiện vật các nhà nghiên cứu tiếp cận có màu đen (được gọi là thẻ tre) dài 265 mm, rộng 9,76 mm, khi đó “được ngâm trong chai nước mưa” theo lời của ông Nguyễn Ngọc Lâm, Phó viện trưởng của Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người.
Tại cuộc họp hội đồng thẩm định, các hình ảnh mẫu vật từ nhiều nguồn đã được đưa ra để thẩm định (ảnh do Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người chụp và cung cấp; ảnh do PGS-TS Đinh Khắc Thuân (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) chụp và ảnh do đoàn công tác của Viện Nghiên cứu Hán Nôm chụp). Cuối cùng, hội đồng thẩm định nhận xét: “Có dấu vết vật chất bám trên bề mặt mẫu vật; không tìm thấy dấu vết chữ Hán, chữ Nôm trên bề mặt mẫu vật”. Biên bản này sau đó đã được gửi tới Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người vào ngày 10.2.
Trước đó, tại hội thảo khoa học về ngôi mộ cổ phát hiện tại Vĩnh Bảo, do Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng của con người và Hội Khảo cổ học VN tổ chức ngày 16.1 ở Hà Nội, các nhà tổ chức cho biết đã nhờ những người thông thạo Hán Nôm đọc “thẻ tre”, và họ đã đọc được đoạn thơ Giá độc tất đạt/Trạng Trình khiếu phong/Tâm dĩ nhật chính/Tầm tự quang long/Trùng mộc chủ tôn/Trung sinh nam cự. Bốn chữ cuối có ghi: “đạt – phong – long – tôn”. Đoạn thơ khiến những người tham gia phát hiện ngôi mộ và đọc chữ “linh cảm” đây là mộ của một nhân vật đặc biệt.
Hiện tại, ông Nguyễn Lân Cường, Tổng thư ký Hội Khảo cổ học, vẫn khẳng định trên “thẻ tre” có chữ với lập luận: “Vì nét thẻ tre là nét dọc. Cái thớ là dọc. Có nét ngang thì phải là chữ chứ… Nó có nét cả ngang cả dọc cùng kích thước với nhau khi phóng to lên. Nhìn cái thẻ bằng 1 cm mà lại viết bằng kim không phải dễ dàng đọc đâu. Viết bằng bút viết thế nào được. Mà trong đó rất nhiều chữ thì viết thế nào được, cho nên là cái đó chắc chắn viết bằng kim!”.
Trong khi đó, chứng kiến hôm lấy thẻ tre ra khỏi quách gỗ, nhà sử học Ngô Đăng Lợi (TP.Hải Phòng) cho biết: “Hôm ấy tôi nhìn đi nhìn lại không thấy chữ nào trên đó cả”. Cũng có mặt trong hôm lấy thẻ tre ra khỏi quách và tận mắt quan sát thẻ tre, ông Nguyễn Bá Thanh Long, Phó chủ tịch Hội Cổ vật Hải Phòng, khẳng định trên thẻ tre không có một chữ nào. Tương tự, ông Nguyễn Văn Phương, Giám đốc Bảo tàng Hải Phòng, nói: “Để khách quan, khi tiến hành mở chiếc quách tôi đã mời rất nhiều người có uy tín, chuyên môn đến quan sát và đều khẳng định thẻ tre không có chữ gì”.
Hội khảo cổ không tham gia tổ chức hội thảo
Đáng lưu ý, khi phóng viên trao đổi với PGS-TS Nguyễn Lân Cường về hội thảo ngày 16.1 liên quan đến kết quả nghiên cứu ngôi mộ này, ông Cường xác nhận hội thảo đó do Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người và Hội Khảo cổ học đứng ra tổ chức. “Cái đó là chắc chắn hai bên thống nhất với nhau”, vị Tổng thư ký Hội Khảo cổ này nói chắc.
Tuy nhiên, ông Cường không cung cấp được văn bản nào chứng minh được rằng Hội Khảo cổ đồng ý cùng Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người tổ chức hội thảo trên. Ông cũng không nêu được tên lãnh đạo nào của Hội Khảo cổ cho phép hội phối hợp tổ chức hội thảo đó. “Không phải công văn, mà bọn tôi thống nhất với nhau. Khi nó xảy ra thì thời gian rất gấp. Tôi là tổng thư ký (Hội Khảo cổ học), tôi làm hết. Tất cả chỉ có 3 ngày thì mọi việc bên kia (Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người – NV) họ làm”, ông Cường nói.
Trước những thông tin này, PGS-TS Bùi Văn Liêm, Phó chủ tịch Hội Khảo cổ, khẳng định hội hoàn toàn không liên quan đến việc tổ chức hội thảo hôm 16.1.