28/11/2024

Vinh danh những người tận tụy vì dân

Với những hành động thiết thực mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, nhiều cán bộ công chức, viên chức đã được tuyên dương tại Hội nghị tổng kết phong trào thi đua yêu nước năm 2016.

 

Vinh danh những người tận tụy vì dân

Với những hành động thiết thực mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, nhiều cán bộ công chức, viên chức đã được tuyên dương tại Hội nghị tổng kết phong trào thi đua yêu nước năm 2016.

 

 

 

Vinh danh những người tận tụy vì dân
Các tập thể, cá nhân điển hình giao lưu tại Hội nghị tổng kết phong trào thi đua yêu nước, công tác khen thưởng năm 2016 và phát động phong trào thi đua yêu nước năm 2017 – Ảnh: Hữu Khoa

Hội nghị tổng kết phong trào thi đua yêu nước năm 2016 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2017 do UBND TP.HCM tổ chức ngày 25-2.

Đến dự có Bí thư Thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, Thứ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Trưởng Ban Thi đua – khen thưởng trung ương Trần Thị Hà.

Chia sẻ với khó khăn 
của bệnh nhân

Câu chuyện về quá trình “thai nghén” rồi cho ra đời quyết định đột phá: mở cửa khám bệnh từ 5h sáng mỗi ngày tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM do ông Phạm Xuân Dũng, giám đốc bệnh viện, chia sẻ nhận được nhiều đồng cảm của người tham dự 
chương trình.

Giữa năm 2016, dù y bác sĩ đã làm việc hết công suất nhưng vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu khi mỗi năm, lượng người đến khám chữa bệnh tăng trung bình 10%.

“Bệnh viện không thể cơi nới thêm diện tích, số bàn khám không thể tăng thêm, lượng y bác sĩ, nhân viên cũng chỉ có vậy. Làm sao để người dân đỡ cực bây giờ? Chúng tôi tính nát nước và cuối cùng thấy chỉ còn cách “cơi nới” giờ làm việc” – ông Dũng kể.

Rất nhiều người bệnh từ các tỉnh có thói quen cứ 9-10h tối là bắt chuyến xe khách cuối cùng trong ngày lên TP.HCM. Họ có mặt ở cổng bệnh viện lúc 3-4h và ngồi chờ tới sáng. Vậy là bộ phận phát số thứ tự của bệnh viện cũng bắt đầu hoạt động từ lúc này, chuẩn bị ca khám bệnh đầu tiên trong ngày lúc 5h sáng.

Với cách làm này, trong khoảng thời gian 5-7h sáng, bệnh viện tiếp nhận khám cho 400-500 bệnh nhân. Những bệnh nhân ở xa sau khi khám xong có thể về ngay trong ngày, đỡ được chi phí lưu trú tại TP.HCM.

Mở cửa sớm đón người bệnh cũng giúp giảm áp lực lên ca khám trong ngày, thời gian dành cho mỗi bệnh nhân tăng lên, bác sĩ có thêm thời gian tư vấn cho bệnh nhân. “Cò” bệnh viện từ đó cũng giảm, tình hình an ninh trật tự xung quanh khu vực bệnh viện bớt phức tạp hơn.

Làm việc từ 5h nghĩa là đội ngũ y bác sĩ phải chuẩn bị từ sớm hơn nữa, mọi sinh hoạt của cả gia đình họ cũng bị xáo trộn.

“Rất hay là chủ trương này nhận được sự chia sẻ, đồng cảm rất cao của mọi người. Con số đăng ký đi làm sớm vượt cả số lượng cần mỗi ngày. Nói vậy để thấy phần lớn cán bộ ngành y tế đâu vô cảm trước nỗi đau của người bệnh” – ông Dũng chia sẻ.

Giảm gánh nặng cho doanh nghiệp

Cùng chung suy nghĩ hết lòng lo cho người dân, bà Trần Thị Bình Minh, phó giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư, cũng sẻ chia:

“Suốt quá trình giải quyết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, chúng tôi đã đồng hành và cảm nhận được rất nhiều khó khăn của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Việc mất nhiều thời gian cho thủ tục hành chính khiến doanh nghiệp tăng gánh nặng chi phí, mất cơ hội kinh doanh”.

Từ sự đồng cảm đó, hàng loạt cải cách thủ tục, hỗ trợ doanh nghiệp từ sở này cũng bắt nguồn từ mong muốn giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp, người dân.

Cụ thể như mô hình hướng dẫn đăng ký doanh nghiệp qua mạng: cá nhân, tổ chức chỉ cần ngồi nhà điền thông tin đăng ký qua mạng; sở sẽ phản hồi, hướng dẫn để hoàn chỉnh hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trong ngày.

Nhiều thủ tục cũng được rút ngắn thời gian giải quyết như kết hợp ba thủ tục: đăng ký thành lập doanh nghiệp, thủ tục thông báo mẫu con dấu, thủ tục thông báo tài khoản ngân hàng trong một lần nộp – trả hồ sơ, giúp giảm thời gian thực hiện từ 9 ngày còn 4 ngày; cung cấp dịch vụ hẹn giờ đăng ký doanh nghiệp qua tổng đài 1080.

Ngoài ra, theo bà Minh, sở cũng đang phối hợp với Bảo hiểm xã hội xây dựng chương trình cấp mã số đơn vị để doanh nghiệp khai bảo hiểm xã hội ngay khi được cấp đăng ký doanh nghiệp.

Vì bình yên 
cho nhân dân

“Có một dạo, người dân quận Tân Bình và các quận lân cận báo tin thường xuyên có những vụ cướp tài sản táo tợn vào ban đêm nhắm vào phụ nữ đi xe tay ga một mình. Dư luận rất hoang mang. Vậy là chúng tôi lập tức vào cuộc” – đội trưởng đội cảnh sát hình sự Công an quận Tân Bình Nguyễn Văn Bắc kể.

Suốt một tháng nắm tin tức, anh em trong đội khoanh vùng, xác định được phương thức gây án của băng cướp là đeo bám nạn nhân, chặn xe, xịt hơi cay vào mặt, vờ giúp dựng xe nạn nhân rồi cướp xe. Bốn đối tượng gây ra trên 10 vụ cướp cuối cùng đã sa lưới.

Anh Bắc chia sẻ phần thưởng lớn nhất dành cho anh và đồng đội không phải là giấy khen, bằng khen hay thành tích, mà chính là những tin nhắn, lá thư cảm ơn của nạn nhân được trao trả tài sản.

Trong số những cá nhân được tuyên dương đợt này còn có trung úy Nguyễn Minh Khoa, cán bộ đội cảnh sát giao thông Bến Thành thuộc Phòng cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt Công an TP.HCM.

Vào tháng 8-2016, khi đang làm nhiệm vụ tại giao lộ Võ Văn Kiệt – Ký Con, anh Khoa cùng người dân đuổi bắt được đối tượng cướp giật. Nhưng người này nhiễm HIV. Trong lúc bắt giữ đối tượng, anh Khoa bị thương và hiện đang phải điều trị phơi nhiễm HIV tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.

Anh Khoa đã được tặng bằng khen của UBND TP.HCM, giấy khen của Công an TP.HCM vì thành tích xuất sắc trong đấu tranh phòng chống tội phạm, góp phần gìn giữ an ninh trật tự và sự bình yên cho TP.HCM.

51% khen thưởng người lao động trực tiếp

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, trong năm 2016 kết quả khen thưởng cấp TP cho thấy: tỉ lệ khen thưởng theo công trạng, thành tích chiếm 69%, khen thưởng theo chuyên đề đột xuất chiếm 21%. Khen thưởng cho cán bộ lãnh đạo từ cấp phòng trở lên chiếm 49% và cho người lao động trực tiếp là 51%.

Trong khi đó, kết quả khen thưởng cấp nhà nước, cán bộ cấp phòng trở lên chiếm 74%, người lao động trực tiếp chiếm 26%.

Dịp này, UBND TP.HCM đã tặng bằng khen cho 117 tập thể, công nhận điển hình tiên tiến cho 96 tập thể và 91 cá nhân, tặng cờ thi đua cho 28 tập thể. Có 14 tập thể được nhận cờ thi đua của Chính phủ.

Quan tâm khen thưởng ở những vùng khó khăn, nguy hiểm

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ – Trưởng Ban Thi đua – khen thưởng trung ương Trần Thị Hà lưu ý TP.HCM cần tiếp tục biểu dương, tôn vinh kịp thời và có biện pháp nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt”.

Trong công tác khen thưởng cần tập trung việc phát hiện các điển hình, nhân tố mới, quan tâm nhiều hơn cho công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo các sở ngành, quận huyện, đơn vị phải quan tâm đến việc khen thưởng cho các tập thể, cá nhân lập được thành tích đột xuất đặc biệt xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ ở những nơi khó khăn, nguy hiểm, ở vùng sâu vùng xa và người lao động trực tiếp.

Tránh tình trạng khen thưởng tràn lan, cào bằng và không đúng thành tích, đối tượng.

MAI HƯƠNG ([email protected])