Tham vọng siêu vũ khí sóng thần
Nhiều dự án tuyệt mật từng được tiến hành nhằm chế tạo một siêu vũ khí có uy lực không thể chống đỡ: sóng thần.
Tham vọng siêu vũ khí sóng thần
Nhiều dự án tuyệt mật từng được tiến hành nhằm chế tạo một siêu vũ khí có uy lực không thể chống đỡ: sóng thần.
Một trong những bài phát biểu của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu được thế giới bàn tán xôn xao nhất là lần phát biểu trước quốc hội Mỹ vào tháng 3.2015, khi nhà lãnh đạo này đưa ra lời cảnh báo về mối đe doạ hạt nhân từ Iran. Không có gì là quá khó hiểu, bởi quan hệ giữa hai quốc gia ở Trung Đông này đã trải qua một lịch sử dài cơm không lành, canh không ngọt.
Khi đó, trang DEBKAfile ở Israel đã đăng một bài viết dài về nguy cơ Iran thả một quả bom hạt nhân, nhưng không phải xuống một thành phố đông đúc như Jerusalem như viễn cảnh đáng sợ nhất mà người ta có thể nghĩ tới. Quả bom đó sẽ bị thả xuống bờ biển Địa Trung Hải và nhấn chìm cả đất nước Israel trong một đòn đánh duy nhất.
Dự án Hải cẩu
Viễn cảnh mà DEBKAfile vẽ ra khi đó là: “Một máy bay dân sự bình thường của Iran Air sẽ thả quả bom hoặc thiết bị hạt nhân xuống biển Địa Trung Hải, cách bờ biển Israel chừng 100 km. Quả bom sẽ phát nổ sâu dưới mặt nước, tạo thành một trận sóng thần khủng khiếp có thể xóa sổ cả đất nước Israel”. Một viễn cảnh kinh hoàng ngay cả trong trí tưởng tượng! Nhưng đây không phải là lần đầu tiên “bom sóng thần” được nhắc đến.
Sau trận sóng thần khủng khiếp hồi năm 2004 ở Ấn Độ Dương làm gần 230.000 người chết và mất tích, tờ Al Osboa của Ai Cập nêu ra thuyết âm mưu rằng chính một cuộc thử hạt nhân của Mỹ và Israel đã gây động đất cực mạnh dưới đáy biển sâu, tạo ra những cột sóng kinh hoàng tàn phá 14 quốc gia khu vực Nam Á. Những giả thuyết như thế mau chóng bị bác bỏ. Nhưng chúng không hoàn toàn là tác phẩm từ trí tưởng tượng.
“Bom sóng thần” là loại vũ khí tối thượng mà nhiều nước, nhất là Mỹ, từ lâu đã tìm mọi cách chế tạo.
Theo tờ The Telegraph, một trong những dự án bom sóng thần tuyệt mật và khét tiếng nhất từng được thử nghiệm từ thời Thế chiến 2, với hy vọng có thêm một lựa chọn huỷ diệt hàng loạt, có thể trong tích tắc tàn phá cả một thành phố của đối phương thay cho vũ khí hạt nhân. Đó là ý tưởng của E.A.Gibson, một sĩ quan hải quân Mỹ. Ông Gibson đã chú ý tới sức mạnh tiềm tàng của sóng biển trong lúc sử dụng chất nổ để phá huỷ các rạn san hô quanh các đảo ở Thái Bình Dương. Những con sóng lớn được tạo ra khiến ông nghĩ tới viễn cảnh biến chúng thành vũ khí.
Thế là dự án tuyệt mật mang tên Hải cẩu ra đời, với sự phối hợp giữa Mỹ và New Zealand. Các nhà nghiên cứu hy vọng có thể tạo thành những con sóng cao tới 10 m để huỷ diệt đối phương trên diện rộng. Sau một loạt cuộc thử nghiệm ở ngoài khơi Auckland (New Zealand), các nhà nghiên cứu phát hiện cách hiệu quả nhất là dùng một loạt quả bom với sức công phá chừng 2.200 tấn thuốc nổ được đặt thẳng hàng ở ngoài khơi, cách bờ biển chừng 8 km.
Tuy nhiên, không có một con sóng nào đủ mạnh mẽ để tạo thành cơn sóng thần vươn được tới bờ. Vì thế, dự án bị huỷ bỏ vào năm 1945, trước khi Thế chiến 2 kết thúc. Nhưng tới hơn nửa thế kỷ sau, khi tài liệu Hải cẩu tuyệt mật được giải mã, nó vẫn làm cả thế giới phải choáng váng.
Cuộc đua với tự nhiên
Những cuộc nghiên cứu sau này chủ yếu dựa vào công thức cho nổ bom ở đáy biển, với loại bom có sức công phá cực lớn như bom hạt nhân để tạo sóng thần. Theo Handbook of Explosion-Generated Water Waves, tài liệu tổng hợp các cuộc nghiên cứu của Lầu Năm Góc về đề tài nổ giữa đại dương, khao khát biến sóng thần thành vũ khí huỷ diệt hàng loạt trỗi dậy trở lại kể từ khi Mỹ bắt đầu chế tạo được bom nhiệt hạch.
Chiến dịch Hardtack I, một loạt 35 cuộc thử hạt nhân mà Mỹ tiến hành ở Thái Bình Dương hồi năm 1958, thể hiện rõ tham vọng đó. Dự án này quy tụ đến 19.100 nhân sự, cả quân sự và dân sự. Trong đó, Umbrella và Wahoo là giai đoạn thử nghiệm hạt nhân dưới nước, được thiết kế để đánh giá mức độ tàn phá của bom hạt nhân đối với tàu bè hải quân cũng như các thực thể khác trên biển.
Nhà quay phim tư liệu Pat Bradley, người đã ghi lại một số khoảnh khắc trong những vụ nổ nêu trên, kể lại giây phút kinh hoàng khi ông chứng kiến những cột nước khổng lồ hình vòm bỗng dưng “mọc” lên sừng sững giữa đại dương, kế đến là những con sóng rất lớn, có lần ập tới cả hòn đảo ông đang đứng quay phim ở xa tít.
Trong vụ thử Umbrella, sức công phá của cột nước khổng lồ đã nhấn chìm một con tàu vận tải to đùng ở cách đó 4 km trước khi sóng tiếp tục lan xa. Chỉ trong vòng 1/10 giây sau khi quả bom phát nổ sâu dưới đáy biển, cột bụi nước đã bắt đầu xuất hiện, cao dần lên. Đến 20 giây sau, nó đạt tới điểm cao nhất: hơn 1.500 m. Vụ nổ Umbrella đã tạo một cái hố có đường kính rộng đến hơn 900 m, sâu hơn 6 m dưới đáy biển.
Những con số kể trên chứng tỏ sức mạnh của “vũ khí sóng biển” thuộc loại đáng gờm. Nhưng chung quy lại, chẳng có bất kỳ một vụ thử nào trong dự án đồ sộ kể trên có thể tạo ra những con sóng ngang ngửa sóng thần, đủ mạnh để gây hủy diệt hàng loạt trên đất liền.
Cuộc đua sức mạnh giữa con người với tự nhiên để tạo những cơn địa chấn khủng khiếp đến nay vẫn cứ là cuộc đua không cân sức.
Cho đến thời điểm này, quả bom Sa hoàng do Liên Xô thử năm 1961 vẫn là quả bom nguyên tử mạnh nhất. Sức công phá của nó ngang ngửa 50 triệu tấn thuốc nổ, có thể huỷ hoại tất cả mọi thứ cách đó 35 km. Trong khi đó, trận động đất 9 độ Richter ở Nhật hồi năm 2011 mạnh tương đương 480 triệu tấn thuốc nổ cả thảy, tung sóng thần cao gần 10 m tàn phá khắp 3 tỉnh, làm hơn 22.000 người chết và mất tích theo số liệu từ Cơ quan kiểm soát hỏa hoạn và thiên tai Nhật. Rốt lại, quả bom mạnh nhất của con người vẫn không thể so sánh với những cơn cuồng nộ của thiên nhiên.
Bom nhảy là loại vũ khí chào đời hồi Thế chiến 2, cũng chuyên nổ dưới nước. Tuy nhiên, trước khi phát nổ, nó luôn… “khiêu vũ”: nhảy nhiều bước trên mặt nước một đoạn dài, vừa nhảy vừa quay tít trông rất ngoạn mục. Các con đập được gia cố cực kỳ chắc chắn của Đức Quốc xã là mục tiêu của loại bom nhảy. Nhờ cơ chế hoạt động kể trên mà nó né được mạng lưới ngư lôi bảo vệ đập trước khi chui sâu xuống mặt nước và phát nổ, làm vỡ các bờ đập bề thế và gây ngập lụt. Bom nhảy, hay còn được gọi là bom phá đập là “con đẻ” của một kỹ sư Anh tên Barnes Willis, từng phá thành công 3 con đập vào năm 1943.
Bom địa chấn là một ý tưởng khác của kỹ sư Willis vào đầu Thế chiến 2. Trong khi các loại bom truyền thống phát nổ sát mục tiêu để phá hủy trực tiếp thì bom địa chấn phá hủy trên diện rộng. Nó được thả từ độ cao hơn hẳn so với bom truyền thống, giúp chui sâu hơn xuống lòng đất, gây nên những chấn động mạnh hơn, từ đó tàn phá trên diện rộng hơn. Ngoài ra, nó còn được dùng cho những mục tiêu nhỏ khó có thể tấn công chính xác như các cây cầu. Bom địa chấn được dùng phổ biến hồi cuối Thế chiến 2.
|
Kiều Oanh