06/01/2025

Cách chức lãnh đạo phường nếu vỉa hè bị tái chiếm

Đó là đề xuất của ông Nguyễn Ngọc Tường, phó ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM, khi đề cập việc cần phải làm để giữ vỉa hè cho người đi bộ sau khi đã ra quân chấn chỉnh.

 

Cách chức lãnh đạo phường nếu vỉa hè bị tái chiếm

Đó là đề xuất của ông Nguyễn Ngọc Tường, phó ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM, khi đề cập việc cần phải làm để giữ vỉa hè cho người đi bộ sau khi đã ra quân chấn chỉnh.

 

 

 

Cách chức lãnh đạo phường nếu vỉa hè bị tái chiếm
Ông Nguyễn Ngọc Tường, phó ban chuyên trách Ban an toàn giao thông TP, đề xuất như trên khi đề cập đến việc cần phải làm để giữ vỉa hè cho người đi bộ sau khi đã ra quân chấn chỉnh. Trong ảnh: lực lượng chức năng quận 1 tháo dỡ trụ sở khu phố lấn chiếm vỉa hè trên đường Nguyễn Trung Trực (Q.1, TP.HCM) chiều 24-2 – Ảnh: LÊ PHAN

Ông Tường cho biết sẽ nêu đề xuất trên với lãnh đạo TP.HCM trong cuộc họp về trật tự lòng lề đường với 24 quận huyện trong tuần tới.

Theo Ban An toàn giao thông TP, việc lập lại trật tự lòng lề đường là nền tảng để thực hiện chủ trương kêu gọi cán bộ công chức, người dân trên địa bàn TP đi bộ mà Ban An toàn giao thông đang xây dựng kế hoạch sẽ trình UBND TP trong tháng 3 này.

Vỉa hè nhếch nhác

Trong khi UBND Q.1 “rầm rập” ra quân xử lý tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè với quyết tâm giành lại vỉa hè cho người đi bộ thì ở nhiều quận huyện khác việc này còn khá im hơi lặng tiếng.

Đường Trường Sa, Hoàng Sa dọc kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè kéo dài từ Q.1 đi qua các quận 3, Phú Nhuận, Tân Bình được xem là một trong những tuyến đường đẹp nhất tại TP.HCM hiện nay. Tuy vậy tình trạng lấn chiếm lề đường để buôn bán, đặc biệt vào ban đêm, vẫn xảy ra.

Ngày 22-2, trên đường Trường Sa khu vực phường 13, quận 3, khi trời về chiều, nhiều hàng quán đã bày biện la liệt bàn ghế từ trong nhà ra đến vỉa hè.

Tại quán nhậu Tèo, phía trong quán chủ yếu bày biện bàn ghế nên tất cả xe của khách đến đều để hết lên phần vỉa hè. Có những lúc khách đông xe máy xếp thành nhiều hàng trên vỉa hè phía trước khiến người đi bộ không còn chỗ để đi.

Cách đó không xa, quán cơm tấm 932 gần như chiếm trọn vỉa hè để bày bàn ghế và giữ xe cho khách. Cả hai quán này đều đông khách cho đến khuya nên vỉa hè trước mặt tiền hai quán hầu như ken đặc xe, người ra vào.

Nhiều thực khách vô tư ngồi ăn trên vỉa hè, vứt khăn giấy, thức ăn thừa xuống ngay chỗ mình ngồi.

Dù sau khi kết thúc “đêm buôn bán trên lề đường”, quán này cũng thu dọn vệ sinh nhưng sáng hôm sau quay lại chúng tôi thấy vẫn còn loang lổ dầu mỡ, thậm chí những mảng giấy vệ sinh thấm dầu mỡ bám chặt dưới nền gạch vỉa hè.

Ở bên đường Hoàng Sa đi qua các phường Đa Kao, Tân Định (Q.1) và các phường 7, 8 (Q.3) cũng trong tình trạng tương tự. Nhiều quán nhậu, quán nước mở cửa nhộn nhịp, lấn chiếm gần hết vỉa hè để buôn bán và làm nơi đậu xe cho khách.

Hàng loạt quán nhậu ở các địa chỉ 169, 273, 293, 331 P.Tân Định; các quán nhậu, hàng ăn địa chỉ 105, 107, 115 P.Đa Kao, Q.1 từ sẩm tối đã mở cửa buôn bán, bàn ghế để tràn ra đường, xe máy của khách đều được dựng ngay trên vỉa hè chiếm toàn bộ diện tích dành cho người đi bộ.

Để tránh người ngồi nhậu và hàng xe dựng trên lề, nhiều người đi bộ đành phải đi dưới lòng đường.

Một số khác phải khó khăn len lỏi qua từng chiếc xe, bàn ghế mới có thể đi được trên vỉa hè nhưng cũng chỉ đi được một vài đoạn ngắn rồi phải xuống lòng đường vì đa số các cửa hàng, quán nhậu đều bày bán, để xe tràn hết vỉa hè và san sát nhau.

Vô tư lấn chiếm, chính quyền nhắc nhở

Nhận được tin báo tình trạng lấn chiếm trên đường Hoàng Sa, ngay trong tối 22-2, lực lượng trật tự đô thị P.Tân Định đã có mặt tại “điểm nóng” trên tuyến đường này nhưng chủ yếu nhắc nhở các hàng quán và cho rằng sẽ xử phạt, tịch thu các vật dụng, phương tiện nếu còn vi phạm sau này.

Khác với đường Hoàng Sa, Trường Sa bị lấn chiếm nhiều nhất vào buổi tối, hàng loạt tuyến đường khác thuộc các quận 3, 5, 6… tình trạng lấn chiếm xảy ra phổ biến vào ban ngày.

Tuyến đường Thuận Kiều, Nguyễn Chí Thanh là hai trong mười tuyến đường được UBND Q.5 đăng ký là tuyến đường kiểu mẫu cấp TP từ năm 2012.

Đây cũng là hai “điểm nóng” về tình trạng mua bán lấn chiếm lòng lề đường. Đến nay, việc buôn bán lấn chiếm cũng không có thay đổi nhiều so với trước đó.

Để hạn chế tình trạng buôn bán, chạy xe trên vỉa hè, cơ quan chức năng đã cho gắn lan can sắt cao hơn 1m dọc vỉa hè của đường Thuận Kiều và đường Nguyễn Chí Thanh (đoạn trước Bệnh viện Chợ Rẫy) nhưng cũng không ngăn được nhiều trường hợp chen vào bên trong mua bán đủ thứ hàng hóa từ thức ăn, nước uống hay các đồ đạc phục vụ thân nhân và bệnh nhân.

Tại Q.5 còn một tuyến đường kiểu mẫu khác là đường Nguyễn Trãi đoạn qua các phường 2, 3, 7, 8. Đây là khu vực tập trung nhiều cửa hàng thời trang.

Hầu như trước cửa hàng nào cũng bày các manơcanh tràn ra cả vỉa hè, chưa kể việc khách hàng vào mua đậu xe lấn ra khỏi phần vạch kẻ mà cơ quan chức năng quy định.

Đến khi chiều tối, khu vực này chẳng còn vỉa hè, bởi nó đã bị người buôn bán quần áo nhỏ lẻ, mũ bảo hiểm, bao da, ốp điện thoại chiếm dụng toàn bộ.

Đủ lý do để thanh minh

Trao đổi với chúng tôi về tình trạng lấn chiếm vỉa hè trên đường Thuận Kiều và Nguyễn Chí Thanh, ông Lâm Tắc Trung – phó chủ tịch UBND P.12, Q.5 – cho biết dù phường đã ra quân liên tục nhưng nhiều người từ nơi khác đến mua bán nên rất khó xử phạt.

Khi phường cho kiểm tra bên này họ chạy sang phường khác, rồi quay lại khi lực lượng kiểm tra đi khỏi.

Mặt khác, do Bệnh viện Chợ Rẫy quá đông, không đáp ứng được các nhu cầu của thân nhân và người bệnh nên họ ra ngoài mua, có cầu ắt sẽ có cung. Sắp tới, phường sẽ phối hợp với P.4 và P.7 thuộc Q.11 ra quân kiểm tra một lúc để các hộ dân này không còn cách đối phó nữa.

Còn ông Phạm Nguyễn Hải Âu – phó chủ tịch UBND P.2, Q.5 – cho biết khu vực đường Nguyễn Trãi đang có đề án xây dựng khu phố thời trang, sắp tới phường sẽ cho kẻ vạch lại quy định rõ ràng khu vực nào được phép để xe và bày biện hàng hóa. UBND Q.5 cũng đã chỉ đạo 4 phường 2, 3, 7, 8 ra quân thường xuyên để giành lại vỉa hè cho người đi bộ.

Vì sao nhiều phường ở Q.1 xử lý vấn đề lòng lề đường đã có hiệu quả trong khi nhiều địa phương khác còn trì trệ? Lãnh đạo cả hai phường trên cho rằng Q.1 là trung tâm TP có nền tảng từ trước và đời sống người dân cũng cao hơn.

Đối với các quận khác thì người dân lao động lại tập trung nhiều, trong đó có nhiều hộ dân là hộ nghèo, chính sách, nếu muốn dẹp hẳn phải có biện pháp giải quyết việc làm, an sinh cho họ thì mới là biện pháp căn cơ, lâu dài.

Về hướng xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè tại tuyến đường Hoàng Sa, ông Lê Tiến Sĩ, chủ tịch UBND P.Tân Định, cho biết giải pháp trước mắt phường chấp nhận cho người dân để một hàng xe ở những vỉa hè rộng 3m trở lên.

Đồng thời kiến nghị TP ra quyết định áp dụng kế hoạch lập lại trật tự vỉa hè ở toàn TP và đảm bảo được nhu cầu dân sinh cho những cá nhân, thành phần buôn bán hàng rong dưới lòng đường, vỉa hè.

Ông Võ Khắc Thái, chủ tịch UBND Q.3, cho rằng việc xử lý vấn đề lấn chiếm lòng lề đường không phải ngày một ngày hai. Tuy nhiên Q.3 đang tập trung giải quyết cho 12 tuyến đường trọng điểm trên địa bàn như Nguyễn Thị Minh Khai, Điện Biên Phủ, Hai Bà Trưng…

“Q.3 đặc thù cũng khác Q.1 nên cách làm cũng sẽ khác, trong đó sẽ phát huy cách trồng mảng xanh trên vỉa hè phía trong và phía ngoài, chừa lối người đi bộ ở giữa; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu để có sự chuyển biến thật sự” – ông Thái cho biết.

Trong khi đó, trước phản ảnh tình trạng nhiều quán nhậu, hàng ăn trên đường Hoàng Sa, Trường Sa thuộc phường Tân Định, Đa Kao lấn chiếm lề đường, ông Đoàn Ngọc Hải, phó chủ tịch UBND Q.1, cho biết sẽ yêu cầu lãnh đạo hai địa phương trên xử lý ngay.

Trường hợp quận tái kiểm tra phát hiện vẫn còn lấn chiếm thì lãnh đạo các phường trên chịu trách nhiệm trước UBND Q.1.

* Bà Nguyễn Thị Ơi, buôn bán nhỏ: “Tôi không phản đối việc xử lý của lực lượng chức năng. Nếu thành phố đã ra quyết định thì tôi sẽ chấp hành, dọn dẹp hàng bán vô phía trong và không mang ra ngoài nữa. Thà chấp hành luôn chứ bày ra rồi nơm nớp dọn đồ chạy thì mất công quá”.

* Chủ một quán ăn trên đường Hoàng Sa: “Phường làm căng việc dọn dẹp vỉa hè chắc chắn việc kinh doanh của tôi sẽ bị thất thu. Nhưng tôi sẽ chấp nhận nếu xử lý đồng loạt, như nhau để tạo sự công bằng, tránh việc chỗ làm chỗ không”.

L.PHAN – T.ĐỨC – Q.KHẢI