08/01/2025

‘Vương quốc hang động’ bao giờ thức giấc?

Tỉnh Quảng Bình may mắn sở hữu hệ thống hang động kỳ vĩ nằm trong khối núi đá vôi khổng lồ được mệnh danh là “kinh đô hang động”, “vương quốc hang động”. Thế nhưng, “mỏ vàng” du lịch này vẫn chưa được khai quật, thậm chí có dấu hiệu lãng phí, dù tỉnh xác định đây là ngành kinh tế trọng điểm.

 

‘Vương quốc hang động’ bao giờ thức giấc?

Tỉnh Quảng Bình may mắn sở hữu hệ thống hang động kỳ vĩ nằm trong khối núi đá vôi khổng lồ được mệnh danh là “kinh đô hang động”, “vương quốc hang động”. Thế nhưng, “mỏ vàng” du lịch này vẫn chưa được khai quật, thậm chí có dấu hiệu lãng phí, dù tỉnh xác định đây là ngành kinh tế trọng điểm.



Cảnh đẹp trong động Thiên Đường
 /// Ảnh: T.Q.N

Cảnh đẹp trong động Thiên ĐườngẢNH: T.Q.N

Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (PN-KB) đã 2 lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, với các tiêu chí về địa chất địa mạo, hệ sinh thái, đa dạng sinh học. Đây là những giá trị mà không nhiều nơi trên thế giới có được. Khu vực này là một trong 2 khu vực đá vôi lớn nhất thế giới, có niên đại trên dưới 400 triệu năm, đã tạo nên hệ thống hang động độc đáo.
Lịch sử phát hiện, khám phá hang động ở PN-KB có từ thời Champa, và người Pháp cũng từng giới thiệu du lịch về động Phong Nha. Cuối thế kỷ 19, một linh mục người Pháp đã suy tôn Phong Nha là “Đông Dương đệ nhất động”. Nhưng thực sự mọi cánh cửa bắt đầu phát lộ kể từ năm 1990, khi có bàn chân khám phá của nhóm chuyên gia hang động thuộc Hiệp hội Hang động Anh, dẫn đầu nhóm là ông Howard Limbert. Từ đó đến nay, cùng với các đối tác tại VN, nhóm đã thực hiện 17 chuyến khám phá, công bố được 311 hang động. Những tên tuổi như động lớn nhất thế giới Sơn Đoòng đã khiến PN-KB nổi danh hơn. Riêng năm 2016, nhóm ghi nhận thêm 57 hang động, trong đó có hang Hòa Hương rất độc đáo bởi hình thành dưới dòng nước. Dù vậy, ông Howard Limbert khẳng định mới chỉ khám phá 30% hệ thống hang động ở PN-KB.
Doanh thu du lịch quá “khiêm tốn”
 
 
'Vương quốc hang động' bao giờ thức giấc? - ảnh 1
Du lịch hang động thực sự chưa phát huy được thế mạnh, chưa tương xứng với tiềm năng. Thu rất ít, nếu không muốn nói là không đáng bao nhiêu

'Vương quốc hang động' bao giờ thức giấc? - ảnh 2
 
Ông Đặng Đông Hà, Phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình
 

Tuy nhiên, trên thực tế, đóng góp của “kinh tế hang động” cho ngân sách địa phương lại rất hạn hẹp. Chỉ tính từ năm 1995 (thời điểm đưa động Phong Nha vào khai thác) đến nay, hoạt động du lịch ở PN-KB cũng trải qua ngót 22 năm nhưng số lượng hang động được đưa vào khai thác và đang thử nghiệm chỉ đếm trên đầu ngón tay, như Phong Nha, Tiên Sơn, Thiên Đường, Sơn Đoòng, hang Én, hang Va – Nước Nứt, hang Tối, Thuỷ Cung, Trạ Ang. Hiện chỉ có 3 đơn vị đang khai thác, cùng với 1 công ty đang thử nghiệm. Năm 2016, tổng lượt khách đến PN-KB hơn 705.000; tổng doanh thu tại các khu, tuyến, điểm trong vườn đạt hơn 117 tỉ đồng (chưa bao gồm doanh thu dịch vụ du lịch của Công ty Oxalis và Công ty Jungle Boss trên địa bàn vườn quốc gia đạt hơn 41 tỉ đồng). Đây là con số quá khiêm tốn nếu so với các điểm du lịch khác ở VN như quần thể danh thắng Tràng An, vịnh Hạ Long, phố cổ Hội An (được tính bằng con số triệu lượt khách). Doanh thu thấp, nên khoản thu nộp ngân sách cũng chẳng thể khá được: 2 động Phong Nha, Tiên Sơn đóng khoảng 22,5 tỉ đồng/năm, còn Sơn Đoòng, hang Én, hang Va khoảng hơn 9 tỉ đồng/năm, theo số liệu năm 2016.

Ông Đặng Đông Hà, Phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, cũng nhìn nhận: “Du lịch hang động thực sự chưa phát huy được thế mạnh, chưa tương xứng với tiềm năng. Thu rất ít, nếu không muốn nói là không đáng bao nhiêu”. Trong khi đó, một số nhà đầu tư du lịch lại lý giải theo hướng khác. Họ chỉ ra rằng hoạt động du lịch ở PN-KB đang “vướng” mức phí cao. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đơn vị khai thác tour sẽ phải “trích phần trăm” cho Ban Quản lý Vườn quốc gia PN-KB liên quan đến tiền vé, phí kiểm lâm, phí môi trường rừng. Ví dụ, với hang Én, đơn vị khai thác phải nộp trên 1 đầu khách gồm 400.000 đồng tiền vé, 600.000 đồng tiền môi trường rừng, 100.000 đồng tiền giám sát của kiểm lâm. Tương tự, tại hang Va phải nộp 1 triệu đồng tiền phí và vé, 200.000 đồng tiền giám sát kiểm lâm; với Sơn Đoòng phải nộp 660 USD. Vì thế, giá tour đội lên khiến khách chê đắt.
Thiếu môi trường ổn định
Đáng lưu ý, khai thác du lịch PN-KB đang có dấu hiệu không ổn định. Hiện tại, Sơn Đoòng và hang Én được ký hợp đồng khai thác hằng năm, hang Va thì 5 năm. Lý giải vấn đề này, ông Đặng Đông Hà cho rằng: “Vì đó là những tour mới nên tỉnh cần cân nhắc, xem xét cặn kẽ và có thời gian thử nghiệm để tìm ra phương án khai thác hiệu quả nhất”. Tuy nhiên, doanh nghiệp lữ hành lại cần có sự ổn định, lâu dài để tính toán chiến lược kinh doanh, vốn đầu tư.
Trong những năm gần đây, việc áp giá, phí tham quan tại PN-KB không đồng nhất, tăng một cách… bất ngờ khiến hoạt động kinh doanh du lịch hang động rơi vào tình cảnh bất ổn. Mới đây, ngày 24.1, Công ty Oxalis có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Bình và các đơn vị liên quan về việc xin chấm dứt khai thác tuyến du lịch “Hang Va, hang Nước Nứt – Những trải nghiệm khác biệt” kể từ tháng 5.2017. Thông tin trên gây không ít ngạc nhiên cho nhiều người, nhất là trong giới kinh doanh du lịch, bởi Oxalis là đơn vị tiên phong trong khai thác tour mạo hiểm và tour này hoạt động chưa đầy 2 năm. Nguyên nhân được cho là xuất phát từ thông báo của Ban Quản lý Vườn quốc gia PN-KB gửi ngày 24.1, trong đó yêu cầu Oxalis thực hiện phụ lục hợp đồng thu thêm các khoản phí tham quan và phí dịch vụ môi trường rừng. Mức thu mới phải nộp trên mỗi đầu khách là 1,8 triệu đồng, bao gồm phí tham quan, phí dịch vụ môi trường rừng, phí giám sát của kiểm lâm. So với mức cũ, tổng mức thu mới tăng đến 600.000 đồng/khách.
Trước tình hình này, UBND tỉnh Quảng Bình phải tổ chức cuộc họp và quyết định giữ nguyên mức nộp cũ. Tuy nhiên, trả lời PV Thanh Niên, lãnh đạo ban quản lý cho hay vẫn đang chờ hướng dẫn cụ thể về mức giá, phí này. Trước đó, cuối năm 2014, UBND tỉnh Quảng Bình cũng gây bất ngờ khi quyết định tăng giá vé tham quan các hang động Thiên Đường, Phong Nha, Tiên Sơn kể từ ngày 1.1.2015. Thời điểm thông báo đến thời điểm tăng rất ngắn khiến các công ty du lịch gặp khó khăn vì đã bán tour. Khi nhận sự phản ứng, UBND tỉnh cũng quyết định tạm dừng việc tăng giá.
Trong nhiều lần tiếp xúc với PV Thanh Niên, chuyên gia Howard Limbert luôn trăn trở việc phát triển kinh tế du lịch và bảo tồn ở PN-KB. Theo ông, tài nguyên hang động ở Quảng Bình đã bị lãng phí, khi số lượng hang động đưa vào khai thác quá ít, lại vướng các khoản về phí và cả vấn đề quản lý. “Cần phải đa dạng các loại hình du lịch (nghỉ dưỡng, thể thao, giải trí…) dựa trên “nền tảng” các hang động, mới hy vọng đánh thức tiềm năng to lớn ở “vương quốc” độc đáo này”, chuyên gia Howard Limbert nói.

 

Trương Quang Nam