29/11/2024

Phải có kế hoạch để giành lại vỉa hè, không thể kêu gọi suông

Theo KTS Nguyễn Ngọc Dũng, câu chuyện giành lại vỉa hè cho người đi bộ tuy là chuyện nhỏ trong đô thị nhưng chính quyền cần phải có kế hoạch lâu dài mới chấn chỉnh được.

 

Phải có kế hoạch để giành lại vỉa hè, không thể kêu gọi suông

Theo KTS Nguyễn Ngọc Dũng, câu chuyện giành lại vỉa hè cho người đi bộ tuy là chuyện nhỏ trong đô thị nhưng chính quyền cần phải có kế hoạch lâu dài mới chấn chỉnh được.

 

 

 

Phải có kế hoạch để giành lại vỉa hè, không thể kêu gọi suông
Lực lượng quản lý trật tự đô thị Q.1 (TP.HCM) yêu cầu một hộ kinh doanh dọn hàng, không được lấn chiếm vỉa hè – Ảnh: Hữu Khoa

“Nhà nước muốn khuyến khích người dân đi bộ trên vỉa hè nhưng vẫn duy trì việc kinh doanh mặt tiền đường như hiện nay là một điều nghịch lý. Kinh doanh mặt tiền và đi bộ không thể tồn tại cùng nhau được

KTS Nguyễn Ngọc Dũng

Ở một TP đáng sống thì việc đi lại thuận tiện được đặt lên hàng đầu. Việc đi lại (gồm đi bộ và đi bằng phương tiện công cộng) được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm phát triển.

Câu chuyện vỉa hè cần được chính quyền nghiêm túc nghiên cứu lại, giải quyết một cách căn cơ, có ngắn hạn, có kế hoạch lâu dài (cho 10 năm, 100 năm sau…) chứ không phải là những giải pháp vá víu, tạm bợ trong một chiến dịch, một cuộc vận động.

Tại các khu phố đi bộ ở Hong Kong, Singapore, Thái Lan… tất cả những nhà mặt tiền đều phải thụt vô một nhịp cột, hoặc khoảng 4m mặt tiền, tạo một hành lang che nắng che mưa cho người đi bộ, khách mua sắm.

Đối với những tuyến phố khác, người ta không cho xe máy chạy lên vỉa hè và đồng thời không cho người buôn bán tràn ra lề đường bằng cách làm hàng rào cao khoảng 1m chạy dọc đường ngăn giữa đường giao thông và vỉa hè. Đường lên xuống cho người khuyết tật bố trí ở các ngã tư.

Những ngã tư rộng thì có người trực, không cho xe đạp, xe máy chạy lên vỉa hè. Cách này vừa an toàn cho người đi bộ, ngăn được việc lấn chiếm lòng đường để kinh doanh.

Nếu dựng hàng rào như vậy thì bất lợi cho những người buôn bán mặt tiền và những người thích mua hàng dọc đường như hiện nay. Chắc chắn sẽ có bộ phận người dân phản ứng. Nếu chính quyền kiên quyết, những hộ kinh doanh ở nhà mặt tiền sẽ tự thay đổi phương án kinh doanh bằng cách dọn vào các khu buôn bán tập trung, trung tâm thương mại.

Khi đó, phố sẽ hình thành những phân khu rõ ràng: khu buôn bán tập trung, khu ở…, người mua cũng sẽ đến những nơi tập trung để mua bán. Đối với những khu phố cho kinh doanh mặt tiền, người dân muốn đến mua hàng phải gửi xe hoặc dắt bộ trên vỉa hè, không còn chuyện dừng xe ngay lòng đường để mua bán hoặc “phi” xe thẳng từ đường vô cửa hàng như hiện nay.

Ở những khu phố không rào chắn thì phải có “luật” rõ ràng: muốn kinh doanh phải có chỗ để xe. Nhà hàng có 100 ghế thì phải có 100 chỗ để xe máy và 20-30 chỗ để xe hơi. Nhiều nhà hàng phải dành một, hai tầng dưới làm chỗ để xe, những tầng trên mới là nơi ăn uống. Các công trình khác cũng tương tự.

Nếu như vẫn giữ nguyên thói quen buôn bán mặt tiền như hiện nay thì tương lai TP sẽ là một cái chợ khổng lồ vì bất cứ đâu, nơi nào, đường nào, nhà nào cũng buôn bán đủ thứ mặt hàng. Đồng ý là văn hoá của người Việt là thích thức ăn tươi, sống nên cộng đồng, khu dân cư nào cũng cần có chợ, nhưng chợ họp có nơi có chỗ chứ không phải khắp TP như hiện nay.

Việc kinh doanh mặt tiền đường cũng chỉ mới hình thành khoảng 40 năm nay, tức sau năm 1975 chứ trước đó thì chợ tập trung những nơi nhất định chứ không tràn lan như bây giờ.

Nếu sử dụng các phương pháp này, tôi biết sẽ đụng chạm rất nhiều đến các hộ kinh doanh mặt tiền đường. Phải có cách làm để vận động người dân từ từ. Có kế hoạch lâu dài để đi từng bước, từng khu vực. TP nên chọn một khu để thí điểm, có thể là một vài lô phố, sau đó sẽ vận động đến những khu khác. Hiệu quả của khu vực ban đầu sẽ hỗ trợ cho việc vận động những khu vực tiếp theo.

Ở TP.HCM, chỉ có 1/5 số dân sống ở mặt tiền đường, nếu vỉa hè dành cho hộ kinh doanh mặt tiền đường thì chỉ phục vụ cho chừng ấy người, số còn lại bị ảnh hưởng nhiều mặt. Việc này có công bằng hay không?

Đây là bài toán để chính quyền cân nhắc. Nếu lo người dân ở mặt tiền và người đi xe máy có thói quen mua hàng trên lề đường phản ứng thì chính quyền sẽ không làm được gì và sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề. Nhà nước phải đặt những lợi – hại lên bàn cân để hướng lợi ích lâu dài cho số đông, bỏ những lợi ích ngắn hạn của một bộ phận.

Câu chuyện vỉa hè và thói quen đi bộ còn liên quan đến thiết kế đô thị và những công trình phục vụ cho một cụm dân cư. Quy hoạch các đô thị, cụm dân cư mới cần lưu ý phải bố trí các trung tâm thương mại, chợ búa, công viên, khu giải trí, trường học… tất cả nhu cầu của người dân trong bán kính 15 phút đi bộ so với các khu dân cư tập trung. Khi đó, người dân không phải xách xe máy chạy lòng vòng mới tìm được các dịch vụ thiết yếu.

Ông Vũ Thanh Nghị (Q.Bình Thạnh):

Cần có chỗ gửi xe

Tôi nghĩ nên quy hoạch một số tuyến đường dành cho người đi bộ tại những khu trung tâm TP, hoàn toàn cấm các phương tiện cơ giới đi vào. Nhưng để người dân tham gia đi bộ thì xung quanh các tuyến đường này cần phát triển các bãi giữ xe để người dân thuận tiện hơn.

Nhiều khi tôi đến khu vực trung tâm nhưng không có chỗ gửi xe hoặc gặp các bãi giữ xe có giá cao, “chặt chém” thì bản thân tôi cũng ngại gửi xe để đi dạo mà cứ vậy ngồi trên xe chạy vòng vòng rồi về.

L.PHAN ghi

D.N.HÀ ghi