29/11/2024

Nhìn lịch sử toàn vẹn để tránh khoảng trống tuỳ tiện

Tại buổi nói chuyện Thông tin khoa học Một số thành tựu mới trong nghiên cứu lịch sử VN diễn ra tại hội trường Ban Tuyên giáo T.Ư (Hà Nội) ngày 22.2, với sự tham dự của ông Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư; GS Phan Huy Lê cho rằng thời gian tới cần nhìn nhận lịch sử VN toàn vẹn, toàn diện hơn để tránh các khoảng trống có thể bị đánh giá tùy tiện.

 

Nhìn lịch sử toàn vẹn để tránh khoảng trống tuỳ tiện

Tại buổi nói chuyện Thông tin khoa học Một số thành tựu mới trong nghiên cứu lịch sử VN diễn ra tại hội trường Ban Tuyên giáo T.Ư (Hà Nội) ngày 22.2, với sự tham dự của ông Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư; GS Phan Huy Lê cho rằng thời gian tới cần nhìn nhận lịch sử VN toàn vẹn, toàn diện hơn để tránh các khoảng trống có thể bị đánh giá tùy tiện.



Châu bản triều Nguyễn là một di sản tư liệu cho thấy chủ quyền của VN ở Hoàng Sa, Trường SaẢNH: BÙI NGỌC LONG

Nhìn nhận lịch sử khách quan
Tại buổi nói chuyện, GS Phan Huy Lê, Chủ tịch danh dự Hội Sử học VN, đã tặng một bản chụp báo L’Humanité ngày 24.6.1922 cho ông Võ Văn Thưởng. Trên đó, có bài viết của Nguyễn Ái Quốc, sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bài viết một mặt lên án vua Khải Định, nhưng lại đề cao vua Gia Long. Ông Lê cũng đọc đoạn viết đó: “Với lòng quả cảm vô song và đức hạnh trong sáng không tì vết như vàng ròng như ngọc sau ngàn lần thử lửa, ông tổ của nhà ngươi, đức vua Gia Long tôn quý, sau bao thăng trầm và khổ đau vô bờ bến đã để lại cho ngươi một đất nước giàu có, một dân tộc độc lập, một quốc gia của kẻ mạnh, được kẻ mạnh vì nể, được kẻ yếu kính mến với một tương lai đầy sức sống và triển vọng”.
Nhìn nhận khách quan công – tội nhà Nguyễn là một trong những ví dụ được GS Phan Huy Lê đưa ra trong buổi nói chuyện, trong đó, ông cho rằng một trong những việc sử học cần làm hiện nay là nhìn nhận vấn đề toàn diện hơn. Trước đó, chúng ta từng có thời kỳ nhìn nhận nhà Nguyễn như một triều đại rất đáng lên án vì đã làm mất nước. Theo GS Lê, nhìn lại, đúng là triều Nguyễn còn có sự bảo thủ khiến đất nước không thể phát triển vào thế kỷ 19. Tuy nhiên, theo ông Lê, chính đây lại là một triều đại có công lao không thể phủ nhận trong việc khai phá Quảng Nam, Phú Yên, đồng bằng sông Cửu Long. Họ cũng xác lập không gian lãnh thổ từ giữa thế kỷ 18, và cơ bản hình thái đất nước ta từ đó không thay đổi.

Nhìn lịch sử toàn vẹn để tránh khoảng trống tùy tiện1

Ảnh: Tư liệu

Hơn cả, việc xác lập chủ quyền của nhà Nguyễn đặc biệt với Hoàng Sa, Trường Sa là một di sản. “Vua Gia Long là vị vua đầu tiên với tư cách hoàng đế, đại diện cho đất nước công bố chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa. Trước đây ta vẫn thực hiện chủ quyền, nhưng chưa tuyên bố chủ quyền… Vua trực tiếp quản lý Trường Sa, Hoàng Sa. Tất cả văn bản liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa đều phải trình lên đặc biệt là Gia Long, Minh Mạng. Từ đó ta có kho Châu bản như một căn cứ quý nhà Nguyễn để lại, là di sản chứng cứ lịch sử pháp lý, góp phần củng cố chủ quyền đất nước”, ông Lê nói.
 
 
Nhìn lịch sử toàn vẹn để tránh khoảng trống tùy tiện - ảnh 2

Chúng ta có nhiều năm đấu tranh bảo vệ chủ quyền, nhưng dù triền miên, quan trọng đến đâu, lịch sử VN không thể chỉ có chống ngoại xâm. Mảng xây dựng đất nước cần được chú trọng để phản ánh đúng thực tế lịch sử

Nhìn lịch sử toàn vẹn để tránh khoảng trống tùy tiện - ảnh 3
 

GS Phan Huy Lê

 

Chủ quyền, nhân dân là quan trọng

Những vấn đề lịch sử cần được nhìn lại toàn diện hơn như thế cũng được GS Phan Huy Lê nêu lên nhiều trong suốt phần trình bày về việc xây dựng nhận thức mới về lịch sử VN như thế nào. Theo đó, lịch sử VN, trong đó có bộ “quốc sử” (bộ Lịch sử Việt Nam 30 tập) đang được soạn thảo cần chú ý cách nhìn nhận vấn đề toàn diện. Điều đó có nghĩa là lịch sử không chỉ là lịch sử gắn với các triều đại mà phải là lịch sử gắn với nhân dân. Lịch sử cũng cần chú ý đến toàn bộ 54 dân tộc chứ không chỉ tôn vinh lịch sử dân tộc đa số là dân tộc Việt. Lịch sử chống ngoại xâm cũng cần được trình bày nhiều phía. Chẳng hạn, chúng ta cần trình bày cả việc trong vùng tạm chiếm thời kỳ chống Mỹ chứ không chỉ trình bày việc trong vùng kháng chiến của ta. “Có sự đấu tranh của chính nhân dân ta trong lòng địch, để lại cơ sở pháp lý cho chủ quyền… Như việc Pháp trả lại Nam bộ cho Bảo Đại chứ không cho Campuchia cũng là một chứng cứ chủ quyền. Hay vùng tạm chiếm ở Sài Gòn cũng cần trình bày. Việt Nam Cộng hòa cũng tạo một cơ sở pháp lý quan trọng vào năm 1974, khi đó, chính họ là người đã lên tiếng mạnh mẽ tại Liên Hiệp Quốc về việc Trung Quốc chiếm Hoàng Sa. Không nên vạch ranh giới địch ta, bỏ qua cơ sở pháp lý cực kỳ quan trọng khẳng định chủ quyền đất nước”, GS Lê nói.
Điều nguy hiểm, theo GS Phan Huy Lê, việc không nhìn lịch sử đầy đủ, toàn diện sẽ sinh ra những khoảng trống. Chẳng hạn, các nghiên cứu về nam Trung bộ mới chỉ từ đầu thế kỷ 16 trở lại, hay Nam bộ từ thế kỷ 17. Vậy trước đó Nam bộ như thế nào. “Đó là khoảng trống cực lớn. Nó gây ra việc nhận thức tuỳ tiện. Thậm chí người ta có thể đưa vào đó những luận điệu bất lợi liên quan đến chủ quyền VN”, GS Lê nói.
 
 
Đừng để sự việc bịa đặt được tin là thật
Hiện nay đang có hiện tượng nhà nhà viết sử, thuê nhà văn viết sử dưới dạng hồi ký, đề cao bản thân. Lại việc in dễ, nên rất nguy hại. Kiểu sử này con cháu đọc mùi mẫn lạ tai lâu thành phổ biến tri thức phi khoa học rất nguy hiểm. Thấy rõ hiện tượng đề cao dòng họ mình, gắn với những nhân vật cao quý. Việc bịa đặt đã dần được tin là thật. Chẳng hạn, vua Hùng Vương có thầy họ Vũ, là ông Vũ Thế Lang. Mà ông này còn được đặt tên đường, tên trường. Vì thế, thay vì đóng dấu chất lượng khi dự tôn vinh như vậy thì cần trao đổi trước với các nhà sử học.
GS Vũ Minh Giang
(nguyên Phó tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử VN)

 

“Chúng ta có nhiều năm đấu tranh bảo vệ chủ quyền, nhưng dù triền miên, quan trọng đến đâu, lịch sử VN không thể chỉ có chống ngoại xâm. Mảng xây dựng đất nước cần được chú trọng để phản ánh đúng thực tế lịch sử. Trước nhận thức lịch sử nặng về phương diện chính trị thì nay cần viết về văn hoá, cuộc sống cộng đồng cư dân. Trước trình bày nặng về thành công, chưa phản ánh sự hy sinh, thất bại… Bây giờ cần lấy con người làm trung tâm để làm lịch sử”, ông Lê nói.

GS Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ nhiệm Ban Soạn thảo bộ Lịch sử Việt Nam, cho rằng trước đây chúng ta quan niệm lịch sử VN là chỉ của Đại Việt, nếu thế thì chúng ta đã bỏ đi phần của Chăm Pa và Phù Nam. Ông bày tỏ quan điểm về bộ sử này: “Nói về VN mà lại thiếu các vương triều phía nam như vậy thì không bảo đảm tính toàn vẹn. Cho nên trong bộ sử đang xây dựng chúng tôi có quan điểm trình bày lịch sử VN một cách toàn diện, tổng thể tất cả những gì diễn ra trên cả đất nước chứ không phải dựa trên cơ sở cái này có lợi cho ta, mà cái ta lại rất chung chung. Vì thế, sẽ có những vấn đề lịch sử chúng tôi trình bày khác với quan niệm trước đây. Cần phải có những trao đổi, thảo luận rất nhiều nhưng mà nó phải gần với sự thật lịch sử nhất. Đánh giá vua Gia Long là vô cùng khó nhưng người đã đem lại sự thống nhất, sự toàn vẹn lãnh thổ chúng ta như ngày hôm nay thì tại sao lại không đưa ông ấy vào trong lịch sử hôm nay? Chúng ta xây dựng bộ sử về TP.HCM, trong khi đó tên lại không nhắc đến Sài Gòn. Mà Sài Gòn là cái đã tạo nên dáng vẻ của TP.HCM này. Tôi có tham gia viết phần về Sài Gòn trong đó. Vì sao lại bỏ chữ Sài Gòn đi. Ở Hà Nội, bộ sử tương tự cũng có tên là Lịch sử Thăng Long Hà Nội”.
Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng cũng cho rằng việc nhìn nhận lịch sử thế nào cũng là vấn đề trăn trở chung mà người làm công tác tuyên giáo phải đối mặt. Ông cũng mong rằng bộ Lịch sử Việt Nam 30 tập được thực hiện sớm hoàn thành, thể hiện quan điểm của nhà sử học, quan điểm của nhà nước với lịch sử, đánh giá khách quan công tâm trung thực tiến trình lịch sử cũng như nhân vật lịch sử.

 

Trinh Nguyễn