29/11/2024

Để dân TP.HCM ngồi nhà làm thủ tục, đến bao giờ?

Năm 2017, TP.HCM tiếp tục đặt mục tiêu cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính để tổ chức vận hành bộ máy hiệu quả, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

 

Để dân TP.HCM ngồi nhà làm thủ tục, đến bao giờ?

Năm 2017, TP.HCM tiếp tục đặt mục tiêu cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính để tổ chức vận hành bộ máy hiệu quả, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

 

 

 

Để dân TP.HCM ngồi nhà làm thủ tục, đến bao giờ?

Ông Lê Hoài Trung – Ảnh: TỰ TRUNG

Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hoài Trung, phó giám đốc thường trực Sở Nội vụ TP, về nội dung này.

* Theo đánh giá của Chính phủ, hiện nay số thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4 (cấp độ cao nhất) chưa đáng là bao. Tình hình này ở TP.HCM hiện ra sao, 
thưa ông?

– TP.HCM đang tiếp tục đẩy mạnh rà soát và thực hiện ứng dụng các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và mức độ 4 (người dân không phải đi đến tận nơi nộp, nhận kết quả – không có bất kỳ giấy tờ gì phải sao nộp. Tất cả được làm qua mạng Internet). Hiện đã cung cấp 46 dịch vụ mức độ 4; có 426 dịch vụ mức độ 3; có 1.700 dịch vụ mức độ 2 và không có dịch vụ mức độ 1.

Điển hình như Sở Kế hoạch và đầu tư TP triển khai hệ thống phục vụ đăng ký doanh nghiệp tại nhà: người dân được hướng dẫn chi tiết để soạn thảo và hoàn chỉnh hồ sơ qua mạng; được nộp hồ sơ và nhận kết quả tại nhà. Sở Kế hoạch và đầu tư TP đã thực hiện gần 42.000 hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng.

Ngoài ra, một số dịch vụ mức độ 4 do Sở Thông tin – truyền thông TP cung cấp như xác nhận đủ điều kiện kinh doanh trò chơi điện tử, cấp phép trang thông tin điện tử, cấp phép họp báo, hội thảo có yếu tố nước ngoài, cấp phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh… với số lượng giải quyết lên đến hàng ngàn hồ sơ.

* Trong số hơn 2.000 thủ tục hành chính của TP, con số 46 thủ tục mức độ 4 có vẻ còn quá ít ỏi. Vì sao lại như vậy?

– Theo chỉ đạo của UBND TP, trong năm 2017 yêu cầu các đơn vị phải có 30-50% số thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, nhưng phải đảm bảo tính pháp lý. Không phải ý chí cứ muốn có nhiều dịch vụ cấp độ 4 là được ngay. Nhiều quy định pháp lý hiện hành chưa cho phép. Ví dụ đăng ký hộ tịch (khai sinh, kết hôn…), theo quy định, đương sự phải nộp hồ sơ và nhận kết quả trực tiếp (người dân phải ký tên vào sổ bộ).

Vậy làm sao ngồi nhà làm thủ tục được? Ngoài ra, có những loại thủ tục có thu phí, lệ phí. Hiện vấn đề này được tạm thời giải quyết bằng cách cho bưu điện thu hộ. Do đó, đối với các dịch vụ mức độ 4 có thu phí, xét theo tiêu chuẩn chung về dịch vụ mức độ 4 thì chúng ta vẫn chưa đạt được đúng chuẩn hoàn toàn (do chưa thể cho người dân đóng phí trực tuyến mà còn phải thông qua bưu điện).

Tuy nhiên, cũng có những loại thủ tục bưu điện không thể thu hộ như các thủ tục liên quan đến yếu tố nước ngoài. Trước đây, người Việt Nam ở nước ngoài phải về nước làm thủ tục yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp thì nay có thể nộp hồ sơ qua mạng, nhận kết quả qua bưu điện, nhưng phải nhờ người nhà đến sở tư pháp nộp tiền.

Do đó, để các địa phương có thể cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho cá nhân, tổ chức được đầy đủ, trọn vẹn và đúng pháp luật, yêu cầu phải có sự điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung về thể chế quy định các thủ tục hành chính từ cơ quan lập pháp và Chính phủ.

* Liệu có tình trạng thủ tục hành chính có thể triển khai lên mức độ 3, 4 nhưng cơ quan chức năng của TP trì hoãn không thực hiện không, thưa ông?

– Trên thực tế, các sở ngành, đơn vị đã cố gắng chọn những thủ tục đơn giản để giải quyết qua mạng hoàn toàn. Tuy nhiên, số thủ tục có thể đáp ứng tiêu chí nâng lên mức độ 3, 4 còn ít trong điều kiện quy định chung của trung ương còn ràng buộc, tính pháp lý của thủ tục chưa đảm bảo. Việc này không nằm trong ý muốn chủ quan của cơ quan, đơn vị được.

Nếu thủ tục nào cũng muốn làm trực tuyến trong khi chưa đảm bảo tính pháp lý, chưa kiểm soát được tính xác thực của giấy tờ nộp qua mạng thì rất dễ gây ra hậu quả pháp lý nghiêm trọng. Chẳng hạn như giấy tờ nhà đất mà cấp sai thì người liên quan có thể bị đi tù. Do vậy, các thủ tục hành chính có tính phức tạp, liên quan đến quyền lợi của công dân, tổ chức, đơn vị… hiện đa số vẫn chưa được nâng lên cấp độ 3, 4.

Ngoài ra, khi nâng lên mức độ 3, 4 thì không còn văn bản giấy nữa, nghĩa là phải sử dụng chữ ký số. Về pháp lý của chữ ký số, Bộ Thông tin – truyền thông cũng chưa thông qua. TP.HCM chỉ mới thí điểm ở mức độ nội bộ trong các cơ quan hành chính sở ngành, quận huyện với nhau. Sở Thông tin – truyền thông TP cũng chỉ mới cấp chữ ký số cho các giám đốc sở. Chữ ký số đó khi đưa ra giao dịch ngoài xã hội thì chưa được công nhận.

Để dân TP.HCM ngồi nhà làm thủ tục, đến bao giờ?
Mục tiêu cải cách hành chính của TP là nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân. Trong ảnh: người dân làm thủ tục nhà đất tại UBND H.Bình Chánh (TP.HCM) – Ảnh: TỰ TRUNG

* Hiện nay người dân có thể scan giấy tờ hoặc chụp thành file điện tử để gửi không, thưa ông?

– Giấy tờ gửi qua mạng muốn được công nhận thì phải được pháp lý hóa. Chẳng hạn bản vẽ xây dựng gửi qua mạng: tính xác thực ra sao, khuôn khổ thế nào, cơ chế nào để biết đó không phải là giấy tờ giả mạo? Chúng ta vẫn chưa có cơ sở dữ liệu nền để kiểm chứng hoặc phối hợp kiểm tra thông tin đối với các loại giấy tờ đó.

Ngoài ra, chúng ta xây dựng chính quyền điện tử nhưng công dân điện tử chưa có. Người dân không phải ai cũng có điều kiện sử dụng mạng Internet. Một phần nữa cũng còn do tâm lý, thói quen của người dân, muốn trực tiếp đến nộp và nhận hồ sơ.

* Việc xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung của TP đã được đề cập khá lâu nhưng đến nay điểm nghẽn này vẫn chưa được tháo gỡ. Nguyên nhân vì sao?

– Cơ sở dữ liệu tại các cơ quan nhà nước hiện có rất nhiều nhưng để trích xuất thông tin, chia sẻ thông tin như thế nào thì TP đang nghiên cứu thực hiện. Có nhiều dữ liệu của TP nhưng do các bộ, ngành trung ương trực tiếp quản lý. Các cơ quan của TP trực tiếp nhập dữ liệu và chỉ được trích xuất, sử dụng.

Hiện nay, TP đang xây dựng “Đề án xây dựng TP.HCM thành TP thông minh”, bước đầu triển khai kế hoạch liên thông hệ thống thông tin về thuế, doanh nghiệp; hệ thống thông tin đất đai – xây dựng. Sau đó sẽ tiến hành nhân rộng ra các lĩnh vực khác.

TP phấn đấu làm sao để người dân, tổ chức có thể ngồi nhà yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính càng nhiều càng tốt. Thế nhưng đó là cả một quá trình, kể cả khâu chuẩn bị tâm lý, tạo sự yên tâm, tin tưởng cho người dân, tổ chức chứ không chỉ đơn thuần là ý muốn chủ quan của nhà quản lý.

Dịch vụ công trực tuyến có 4 mức độ

Mức độ 1 là bảo đảm cung cấp đầy đủ thông tin về các thủ tục hành chính. Mức độ 2 là dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 và cho phép người dân tải các mẫu văn bản và khai báo hoàn thiện hồ sơ để gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện. Mức độ 3 là dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 và cho phép người dân gửi trực tuyến hồ sơ.

Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả trực tiếp. Mức độ 4 là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và cho phép người dân thanh toán lệ phí (nếu có) trực tuyến. Người dân nhận kết quả trực tuyến, trực tiếp hoặc qua bưu điện.

MAI HƯƠNG thực hiện