TP.HCM muốn cơ chế đặc thù không phải để thành vương quốc riêng
Bí thư Thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng đã nhấn mạnh điều này tại cuộc họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự thảo Nghị định quy định một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với TP.HCM, ngày 20-2.
TP.HCM muốn cơ chế đặc thù không phải để thành vương quốc riêng
Bí thư Thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng đã nhấn mạnh điều này tại cuộc họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự thảo Nghị định quy định một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với TP.HCM, ngày 20-2.
TP.HCM luôn là đầu tàu, đi trước và đột phá của cả nước – Ảnh: HỮU KHOA |
Muốn tăng thuế, phí phải xin Quốc hội
Trình bày báo cáo thẩm tra tờ trình của Chính phủ về dự thảo nghị định, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – ngân sách Nguyễn Đức Hải đồng ý với đề nghị của TP là trung ương cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hơn nữa cho địa phương được coi là đầu tàu kinh tế này.
Theo ông Hải, TP cần được phân cấp mạnh hơn về: thẩm quyền tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng khoán chi hành chính; thẩm quyền về nhân sự theo hướng lựa chọn nhân tài; cần tăng thêm cơ chế phụ thu đối với một số ngành, lĩnh vực kinh doanh trên địa bàn thành phố…
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng cho rằng chỉ khi TP được phân cấp triệt để, chủ động khai thác, sử dụng nguồn lực theo thẩm quyền của mình thì mới tạo được cơ chế đặc thù, thúc đẩy TP phát triển, đặc biệt là trong đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Chính vì vậy, một trong các kiến nghị là được phân cấp nguồn thu, TP tự quyết định phụ thu một số khoản.
Tuy nhiên, phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển trả lời rằng những chính sách thuế, phí được quy định chặt chẽ trong các luật về thuế, phí và thuộc thẩm quyền của Quốc hội được Hiến pháp quy định, các chủ thể khác không được ban hành quy định về thuế và lệ phí.
“Việc đề xuất cho TP thu thêm một số khoản, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, đề xuất một số khoản thu, phụ thu của Hà Nội, TP.HCM để trình Quốc hội xem xét, quyết định” – ông Hiển kết luận.
Tranh luận về tỷ lệ thưởng vượt thu ngân sách
Về mức thưởng vượt thu, Chính phủ đề nghị trong trường hợp tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia trên địa bàn, TP được thưởng một phần nhưng không quá 30% số tăng thu. TP được bổ sung một phần có mục tiêu từ tăng thu ngân sách trung ương không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia…”.
Không đồng tình với quan điểm của Chính phủ, UBND TP.HCM đề nghị bỏ từ “một phần” trong các quy định trên, cần quy định rõ là TP được thưởng 30% số tăng thu và được bổ sung có mục tiêu từ tăng thu ngân sách trung ương tương ứng 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia.
Giải thích cho quan điểm của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu: Nhất trí là thưởng 30% nhưng phải có điều kiện. Ví dụ năm 2016 thì cân đối trung ương hụt thu, trong khi Hà Nội và TP.HCM vượt thu, nếu không cân đối thì ngân sách trung ương lại phải vay các khoản khác để bù chi, điều này có thể gia tăng sức ép ngân sách nhà nước và đẩy nợ công cao lên.
“Chính vì vậy chúng tôi mới đề nghị quy định điều kiện là thưởng 30% khi ngân sách trung ương không hụt thu” - ông Dũng nói.
Lên tiếng về vấn đề này, Bí thư thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng cho rằng đã quy định thưởng 30% số vượt thu thì không nên kèm điều kiện là phụ thuộc vào số thu cả nước. “Nếu TP phấn đấu thu vượt mà cả nước hụt thu thì TP lại không được thưởng, như vậy là không mang tính động viên” - ông Thăng nói.
Bí thư Thành ủy “rất mong muốn làm thế nào thu vượt ngân sách, đóng góp nhiều cho ngân sách trung ương. TP càng tăng thu thì ngân sách trung ương càng được hưởng lợi bởi TP chỉ có 30 thôi, trung ương được 70%”.
Ông Đinh La Thăng cho biết thêm: “TP.HCM đang chuẩn bị một đề án để TP.HCM không chỉ tăng trưởng một con số, mà sẽ tăng trưởng kinh tế hai con số, nhưng muốn vậy TP phải được chủ động hơn về nhiều mặt, trong đó cả về tài chính, về tổ chức và cả về biên chế”.
“Phải có sự tự chủ lớn nhất cho TP, không phải TP muốn cơ chế đặc thù để thành vương quốc riêng đâu mà mong muốn tự chủ nhiều hơn, làm ra nhiều tiền hơn, đóng góp cho đất nước nhiều hơn” – ông Thăng nhấn mạnh.
Đa số thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ đề xuất của TP.HCM về các tỷ lệ phân chia nêu trên. Đề nghị Chính phủ phối hợp với TP.HCM chuẩn bị nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc thù khác để trình Quốc hội xem xét.