Dạy trẻ sống tử tế, dễ hay khó?
Place2Be, một trung tâm từ thiện về sức khoẻ tâm thần cho trẻ em, vừa thực hiện chiến dịch quảng bá các phương pháp giáo dục trẻ sống tử tế tại Anh.
Dạy trẻ sống tử tế, dễ hay khó?
Place2Be, một trung tâm từ thiện về sức khoẻ tâm thần cho trẻ em, vừa thực hiện chiến dịch quảng bá các phương pháp giáo dục trẻ sống tử tế tại Anh.
Hãy cùng trẻ chia sẻ các cảm xúc tích cực và hình thành lối sống tử tế ngay từ khi trẻ còn nhỏ – Ảnh: Getty |
Theo bà Catherine Roche, tổng giám đốc Place2Be, các bậc cha mẹ nên dạy trẻ hiểu được giá trị tích cực của việc sống tử tế, giúp trẻ hình thành thói quen sống tốt ngay từ khi còn nhỏ.
“Cha mẹ đóng vai trò là hình mẫu của con cái. Cách chúng ta hành xử và thể hiện cảm xúc rất quan trọng vì trẻ sẽ theo đó mà học hỏi” – ông Jonathan Wood, trưởng phòng dịch vụ tại Place2Be, nhấn mạnh.
Một trong những cách giáo dục hiệu quả là dạy con mình lối sống tử tế thông qua các ví dụ cụ thể. “Hãy chỉ cho trẻ thấy thế nào là cư xử đẹp bất cứ khi nào có thể, giải thích cho con mình hiểu hành động ấy có ý nghĩa ra sao với người khác, đặc biệt là những việc làm nhỏ và đơn giản” – ông Jonathan nói.
Nếu con cái ở độ tuổi còn nhỏ, các bậc phụ huynh nên khéo léo khen ngợi trẻ mỗi khi chúng làm việc tốt. Với tâm hồn thánh thiện và trong sáng, trẻ sẽ không ngần ngại giúp đỡ mọi người xung quanh.
“Thực chất, trẻ em luôn có rất nhiều ý tưởng về cách sống tử tế. Hãy thử hỏi một trẻ 10 tuổi xem chúng muốn làm gì để giúp đỡ bạn bè cùng lớp, bạn sẽ nghe được nhiều điều thú vị” – trưởng phòng dịch vụ Place2Be chia sẻ.
Ngoài ra, phụ huynh nên khuyến khích trẻ cùng làm việc tốt với mình, hình thành lối sống tử tế như một thói quen trong gia đình. Xây dựng môi trường sống tích cực là điều rất quan trọng.
“Bạn hãy cho trẻ thấy chúng được yêu thương và bạn tự hào về chúng. Dù bận rộn hay căng thẳng đến mức nào, hãy cố gắng hạn chế trút giận lên con cái vì điều này gây ra các cảm xúc rất tiêu cực, trong khi trẻ lại không phải là nguyên nhân chính khiến bạn bực bội” – bà Jo Hardy, trưởng phòng dịch vụ dành cho các bậc phụ huynh tại YoungMinds, một tổ chức hỗ trợ thanh thiếu niên quản lý cảm xúc, cho biết.
Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh nên tạo cơ hội để trẻ có dịp được trò chuyện và bày tỏ cảm xúc của mình. Hãy tạo ra các cuộc đối thoại từ cả hai phía thay vì chỉ tập trung dạy trẻ cách sống tử tế mà không lắng nghe suy nghĩ của trẻ. Ngoài việc trò chuyện cùng con cái, cha mẹ luôn phải dành thời gian cho các hoạt động chung với trẻ.
“Việc chơi đùa và có mặt bên cạnh bọn trẻ rất khó vì người lớn có quá nhiều thứ phải lo lắng. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa bạn bỏ con cái ra khỏi danh sách ưu tiên” – ông Jonathan căn dặn.
Trong khi đó, bà Jo Hardy nhấn mạnh vai trò của việc xây dựng những cảm xúc tích cực trong gia đình giữa cha mẹ và con trẻ. Chính yếu tố này sẽ giúp trẻ yêu đời hơn và cảm thấy muốn chia sẻ những điều tốt đẹp với người khác.
“Các bậc phụ huynh nên tập chia sẻ cảm xúc của mình một cách thẳng thắn với con cái, đồng thời cho chúng cơ hội bày tỏ suy nghĩ bản thân. Đừng nghĩ rằng trẻ con không hiểu được cảm xúc, miễn là bạn cho chúng được nói” – bà Jo cho hay.