Liên tục 2 vụ mất cắp đến hơn 9.200 kíp nổ các loại chỉ trong khoảng 6 tháng cuối năm 2016 tại 2 mỏ đá của tỉnh Thừa Thiên-Huế đã lộ ra nhiều sơ hở trong quản lý vật liệu nổ công nghiệp.
Quản lý vật liệu nổ công nghiệp… trên giấy
Liên tục 2 vụ mất cắp đến hơn 9.200 kíp nổ các loại chỉ trong khoảng 6 tháng cuối năm 2016 tại 2 mỏ đá của tỉnh Thừa Thiên-Huế đã lộ ra nhiều sơ hở trong quản lý vật liệu nổ công nghiệp.
Hai vụ trộm xảy ra tại mỏ đá Khe Diều (thôn Thuỷ Cam, xã Lộc Thuỷ, H.Phú Lộc) của Công ty cổ phần vật liệu xây dựng 368 vào ngày 31.12.2016 (Báo Thanh Niên đã thông tin) và mỏ đá Hương Thọ (thôn Hoà An, xã Hương Thọ, TX.Hương Trà) của Công ty TNHH MTV khoáng sản Thừa Thiên-Huế vào ngày 3.7.2016.
Theo thông tin mới nhất, số lượng kíp nổ bị mất tại mỏ đá Khe Diều lên đến hơn 4.700 kíp nổ, không dừng lại ở 4.000 kíp nổ như thông tin ban đầu.
Ông Lê Quốc Anh, Giám đốc điều hành mỏ đá Hương Thọ, thừa nhận số lượng kíp nổ bị lấy cắp đến khoảng 4.700 cái, nhưng không hiểu sao sau khi mang ra khỏi kho chứa, kẻ gian để lại gần 200 cái. Dù ông Anh khẳng định hệ thống kho chứa vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) của công ty có hàng rào thép bao bọc, khóa chống trộm và cách đó 10 m là nhà bảo vệ, nhưng trên thực tế, vào ngày 3.7.2016, kẻ gian đã cắt hàng rào, cắt khoá và vô hiệu hóa hệ thống báo động để lấy đi 4.575 kíp nổ như ông Anh thừa nhận.
Quy định một đàng, thực tế một nẻo
Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong bảo quản, vận chuyển, sử dụng và tiêu huỷ VLNCN do Bộ Công thương ban hành năm 2008 (gọi tắt là QCVN 02:2008) nêu rõ: “Tất cả các kho VLNCN đều phải có lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp có vũ trang, canh gác suốt ngày đêm”. Riêng điều khoản này thì hiện ở tỉnh Thừa Thiên-Huế gần như không đáp ứng. Chính ông Lê Tự Dũng, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh, cũng thừa nhận thực tế vừa nêu. Ông giải thích: Sở dĩ chưa triển khai được lực lượng chuyên nghiệp có vũ trang tại các kho chứa VLNCN là vì ngành công an có quy định khác về quản lý và sử dụng vũ khí (?). Thậm chí, trong vụ mất 4.704 kíp nổ đêm 31.12.2016 tại mỏ đá Khe Diều, theo thông tin Thanh Niên thu thập, thì không có bảo vệ nhà kho vào thời điểm xảy ra vụ mất cắp.
Một cán bộ tham gia điều tra các vụ mất kíp nổ tại Thừa Thiên-Huế cũng cho biết hệ thống kho chứa và công tác quản lý, bảo đảm an toàn trong quản lý vật liệu nổ tại các mỏ khoáng sản nói chung còn bộc lộ nhiều sơ hở. Trong khi đó, kẻ trộm kíp nổ khá chuyên nghiệp, có thiết bị chuyên dụng, bỏ thời gian nghiên cứu, thậm chí am hiểu về vật liệu nổ và cơ chế quản lý vật liệu nổ.
Vụ hơn 4.000 kíp nổ của một mỏ đá trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế bị đánh cắp gây chấn động một vùng quê.
“Doanh nghiệp tự quản là chính”
Ông Lê Tự Dũng cho biết thêm việc quản lý và cấp phép đối với các đơn vị sử dụng VLNCN có các cơ quan gồm ngành công thương, quân đội, công an tỉnh, cảnh sát PCCC. Tuy nhiên, Sở Công thương chỉ tiến hành các đợt kiểm tra định kỳ, vấn đề giám sát thì “doanh nghiệp tự quản lý là chính”!
Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64) thuộc Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế là đơn vị tham mưu cho Ban giám đốc Công an tỉnh cấp giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự tại các đơn vị có sử dụng VLNCN, có kho chứa VLNCN. Thế nhưng, một cán bộ có chức trách thuộc PC64 thừa nhận chính bản thân ông cũng chưa được đào tạo nghiệp vụ về VLNCN cũng như các kiến thức chuyên môn về kỹ thuật nổ mìn nên rất khó khăn trong việc kiểm tra, xử lý những tồn tại đối với các đơn vị sử dụng VLNCN. Quá trình xuất kho VLNCN và khi tiến hành nổ mìn hầu như không có lực lượng chức trách giám sát mà chỉ có doanh nghiệp tự xử lý và thể hiện trên giấy tờ, phiếu xuất kho, hộ chiếu nổ mìn… Còn đối với các cơ quan chức trách khi thanh tra, kiểm tra cũng chỉ kiểm tra trên giấy tờ là chính.
Dù quản lý lỏng lẻo như thế, nhưng theo thông tin từ cơ quan chức trách tỉnh Thừa Thiên-Huế, năm 2016 các đơn vị sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh đã sử dụng 338.279 kíp nổ các loại; 1.345.778 kg thuốc nổ.
25 kho chứa vật liệu nổ công nghiệp
Theo Sở Công thương tỉnh Thừa Thiên-Huế, đến nay toàn tỉnh có 31 đơn vị có sử dụng VLNCN với 200 lao động, trong đó 20 đơn vị khai thác khoáng sản (đá vôi và vật liệu xây dựng thông thường) và 11 đơn vị thi công công trình sử dụng dịch vụ nổ mìn. Toàn tỉnh có 25 kho chứa VLNCN, trong đó công suất kho chứa lớn nhất là 50 tấn thuốc nổ.