10/01/2025

Lo dịch ho gà ở trẻ em

Trong gần 2 tháng đầu năm 2017, số trẻ mắc ho gà vào Bệnh viện Nhi trung ương điều trị cao gấp 3 lần so với cùng kỳ 2016. Điều đáng lo là nhiều bé ở độ tuổi sơ sinh.

 

Lo dịch ho gà ở trẻ em

 Trong gần 2 tháng đầu năm 2017, số trẻ mắc ho gà vào Bệnh viện Nhi trung ương điều trị cao gấp 3 lần so với cùng kỳ 2016. Điều đáng lo là nhiều bé ở độ tuổi sơ sinh.

 

 

Lo dịch ho gà ở trẻ em
Tiêm chủng cho trẻ em ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Trong vòng 3 năm gần đây năm nào Hà Nội cũng có một số lượng khá lớn trẻ mắc bệnh ho gà, có năm số mắc ho gà ở Hà Nội chiếm 1/2 số mắc ho gà toàn bộ khu vực phía Bắc – Ảnh: DƯƠNG NGỌC

Theo PGS.TS Trần Minh Điển – phó giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư, đa số các cháu mắc ho gà năm nay từ 1 tháng đến 3,5 tháng tuổi, thuộc nhóm chưa tiêm phòng hoặc tiêm chưa đủ mũi, trong khi trẻ dưới 6 tháng mắc ho gà thường có nhiều biến chứng nguy hiểm tới sức khoẻ.

Nhiều biến chứng nguy hiểm

Gia đình chị Lê Thị N. ở Hà Nội có con nhỏ hơn 2 tháng tuổi mắc ho gà từ sau Tết Nguyên đán vừa qua vào điều trị tại khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi T.Ư. Theo chị N., con chị thuộc nhóm có biến chứng, bệnh biến chuyển rất nhanh, chỉ sau vài ngày có ho đã biến chứng viêm phổi và cháu phải điều trị trong phòng cách ly 3 ngày.

“Ngày đầu tiên cháu ho rất ít, gia đình cứ nghĩ là ho thông thường do thời tiết, nhưng hôm sau thì ho tăng dần và sau đó nữa thì cháu ho rất nhiều, có lúc tím cả người. Vì cháu còn nhỏ nên chúng tôi rất lo lắng” – chị N. cho biết.

Theo TS Nguyễn Văn Lâm – trưởng khoa truyền nhiễm Bệnh viện Nhi T.Ư, con chị N. là một trong số 38 trẻ ho gà đã vào bệnh viện trong thời gian chưa đầy 2 tháng đầu năm 2017 (ngoài khoa truyền nhiễm, các cháu mắc ho gà thể nặng được điều trị tại khoa hồi sức cấp cứu). Hai tháng đầu năm 2016 chỉ có 12 ca mắc ho gà vào viện.

Ông Lâm cũng lưu ý bệnh nhi mắc ho gà vào khoa này phần lớn đều chưa đến tuổi tiêm chủng hoặc tiêm chưa đủ mũi.

“Những năm trước đây chúng tôi chỉ tiếp nhận vài chục ca mắc ho gà mỗi năm, nhưng năm 2016 riêng Bệnh viện Nhi T.Ư đã có trên 300 bệnh nhi ho gà nhập viện. Đây đều là các cháu bị nặng hoặc có biến chứng” – ông Lâm cho biết.

Theo ông Trần Minh Điển, ho gà vẫn là bệnh lưu hành ở VN và khi môi trường có mầm bệnh, trẻ chưa có miễn dịch thì có khả năng mắc bệnh, nhất là so với các bệnh khác thì kháng thể truyền từ mẹ sang con để bảo vệ khỏi bệnh ho gà có yếu hơn.

Mẹ, con nên tiêm chủng

Trong trường hợp trẻ có ho và các dấu hiệu như trên, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế sớm để được khám và điều trị, nhiều gia đình khi thấy trẻ ho lại cho uống một vài loại xirô hoặc lá cây mà chưa cho trẻ đến cơ sở y tế ngay nên đã làm trẻ chậm được khám và can thiệp – ông Nguyễn Văn Lâm cho biết.

Bà Dương Thị Hồng, phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cho biết một trong những lý do trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng đã mắc ho gà là do kháng thể truyền từ mẹ sang con yếu. Bà Hồng khuyến cáo phụ nữ có thai cũng có thể tiêm ngừa bệnh ho gà để có kháng thể phòng bệnh cho con ở giai đoạn sơ sinh.

Tại Hà Nam, nhà khoa học của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đã có nghiên cứu tiêm ngừa cho 50 phụ nữ mang thai 20-32 tuần bằng văcxin phối hợp có thành phần ngừa ho gà (cùng với thành phần ngừa uốn ván và bạch hầu), thay vì chỉ tiêm ngừa uốn ván như thông thường.

Hiệu quả cho thấy kháng thể ngừa ho gà cho bà mẹ và bé sơ sinh ở nhóm được tiêm ngừa cao hơn 6 lần nhóm không được tiêm ngừa. Nhóm nghiên cứu cũng đã theo dõi sau tiêm và không ghi nhận phản ứng có hại ở nhóm thai phụ được tiêm chủng bằng văcxin phối hợp.

Ở trẻ em, hiện lịch tiêm chủng của Bộ Y tế quy định tiêm văcxin có thành phần ngừa ho gà mũi đầu tiên khi trẻ 2 tháng tuổi. Theo ông Lâm, nếu trẻ được tiêm đủ 3 mũi thì có khả năng bảo vệ trên 90% các cháu, số còn lại nếu có mắc bệnh thì biểu hiện cũng sẽ nhẹ hơn.

Trước năm 2015 ít người nghĩ rằng VN vẫn có người bệnh ho gà, nhưng từ năm 2015 trở lại đây ho gà có gia tăng, ngoài Hà Nội, khu vực phía Bắc còn có 11 tỉnh thành khác có người bệnh ho gà trong gần 2 tháng đầu năm 2017.

Ngoài ra, còn có người bệnh ở một số tỉnh phía Nam. Phòng bệnh bằng tiêm văcxin đúng lịch cho trẻ và có thể là cho cả mẹ để phòng căn bệnh này.

Theo ông Nguyễn Văn Lâm, so với các chứng ho khác thì ho gà có một số đặc trưng là trẻ ho theo cơn, có thể kèm theo thở khò khè, thậm chí trẻ có thể tím, lịm đi hoặc có cơn ngừng thở, sau khi ho trẻ có nôn (ói) ra đờm trắng, dính nhưng sau cơn ho trông trẻ có vẻ bình thường.

Tuy nhiên ở nhóm trẻ dưới 6 tháng tuổi thì bệnh có thể biến chuyển nhanh và dễ có biến chứng, như trẻ có thể viêm phổi sau ho gà.

LAN ANH