10/01/2025

Hãy tạo an toàn cho người đi bộ

Tiếp tục bàn câu chuyện làm sao để lời kêu gọi cán bộ công chức, người dân TP.HCM tăng cường đi bộ thành hiện thực, nhiều người dân đã “đặt hàng” những việc TP cần làm để tạo điều kiện và an toàn cho người đi bộ.

 

Hãy tạo an toàn cho người đi bộ 

 Tiếp tục bàn câu chuyện làm sao để lời kêu gọi cán bộ công chức, người dân TP.HCM tăng cường đi bộ thành hiện thực, nhiều người dân đã “đặt hàng” những việc TP cần làm để tạo điều kiện và an toàn cho người đi bộ.

 

 

 

Hãy tạo an toàn cho người đi bộ 
Các bạn trẻ làm việc ở trung tâm TP.HCM có điều kiện để đi bộ đến cơ quan. Trong ảnh: hai bạn trẻ đi bộ từ điểm gửi xe đến cơ quan trên đường Nguyễn Huệ, Q.1, TP.HCM sáng 18-2 – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Hơn 10 năm nay, từ khi nghỉ hưu, hằng ngày tôi vẫn đi bộ từ quận 4 sang quận 1 để gặp gỡ bạn bè, trao đổi những công việc mà mình còn tham gia, theo đuổi. Với tôi và nhiều người mà tôi biết, đi bộ là một nhu cầu, vừa rèn luyện sức khoẻ vừa có điều kiện quan sát đời sống người dân xung quanh.

Tôi rất quan tâm tới đề xuất mới đây của lãnh đạo TP.HCM về việc vận động cán bộ, công chức, người dân đi bộ để góp phần giải quyết tình trạng kẹt xe.

Tôi ủng hộ phương án đi bộ, tuy nhiên để triển khai thực hiện, tôi đề nghị lãnh đạo TP cần nghiên cứu kỹ và có giải pháp, bước đi phù hợp để đảm bảo hiệu quả.

Hãy tạo an toàn cho người đi bộ 
Ông Diệp Văn Sơn – Ảnh: N.Triều

“Tôi rất xót khi từng có người nói rất mỉa mai rằng khách du lịch muốn trải nghiệm tour mạo hiểm chỉ cần đi bộ ở TP.HCM là đủ. Dù không muốn thừa nhận nhưng đó là một thực tế. Tôi cũng thấy tiếc khi những năm qua có những cái trong tầm tay, như xử phạt lấn chiếm vỉa hè, nhưng chúng ta làm thiếu kiên quyết để rồi bây giờ phải lúng túng khi vận động người dân đi bộ

Ông Diệp Văn Sơn

Thứ nhất là vấn đề tâm lý, thói quen của ngay đội ngũ cán bộ công chức. Phần lớn cán bộ, công chức của chúng ta không chỉ có buổi sáng đi từ nhà tới cơ quan rồi cuối ngày đi từ cơ quan về nhà mà còn ghé chỗ này, chỗ khác để giải quyết những việc cá nhân nữa.

Do đó, trước hết đội ngũ cán bộ công chức cần chủ động điều chỉnh để làm sao cho hài hoà, nếu không đây sẽ là lý do để đi bộ vài hôm cho có rồi thôi.

Thứ hai là những tác động đối với người dân. Cũng như nhiều đô thị khác, ở TP.HCM tồn tại một dạng “kinh tế mặt tiền” với nhiều thành phần tham gia khai thác lợi ích từ cái vỉa hè. Chủ nhà thì cho thuê mặt bằng, người mua gánh bán bưng, xe ôm chiếm dụng… mỗi người một chút khiến vỉa hè không còn chỗ trống.

Để có chỗ cho người đi bộ thì trước hết TP phải dẹp được những thành phần chiếm dụng này. Tất nhiên, đụng tới “miếng cơm manh áo” nên sẽ có đụng chạm, phản đối và khi đó đòi hỏi chính quyền phải xử lý kiên quyết, không nhân nhượng, không đánh trống bỏ dùi.

Thứ ba là cần phải an toàn cho người đi bộ. Có vỉa hè cho người đi bộ thôi chưa đủ, còn phải bố trí vạch sơn, cầu vượt, tín hiệu đèn qua các giao lộ sao cho hợp lý. Tín hiệu đèn xanh cho phép dòng xe được rẽ phải và chính dòng xe này lại đâm thẳng vào người đi bộ đang đi đúng vạch sơn, đúng chiều đường.

Hiện nay người đi bộ ít nên chưa có vấn đề gì, nhưng khi người đi bộ nhiều lên, có khi hàng chục người đi bộ qua đường cùng lúc thì xe nhường người hay người nhường xe? Nên chăng phải điều chỉnh tín hiệu đèn có khoảng thời gian riêng để người đi bộ băng qua đường an toàn.

Ở những nơi không thể điều chỉnh tín hiệu đèn thì phải xây cầu vượt. Trong số những người tham gia giao thông, người đi bộ là yếu thế nhất nên cần được bảo đảm an toàn nhất.

Thứ tư là phải tổ chức giao thông đồng bộ. Không nên chỉ cứng nhắc khuyến khích người ở gần nơi làm việc đi bộ mà cần mở rộng ra.

Hiện TP đang đầu tư mạnh cho hệ thống xe buýt, metro thì cần bố trí các trạm dừng, nhà ga, luồng tuyến hợp lý. Khi đó, người dân có thể đi bộ dưới 1km để ra tới trạm xe buýt, ga metro rồi sau đó từ trạm xe buýt, ga metro đi thêm gần 1km nữa để tới nơi làm việc.

Tôi nghĩ trong vài năm tới, điều này có thể thành hiện thực và sẽ là lựa chọn của người dân TP. 

Thông vỉa hè, thêm bóng mát

Trong gần 200 ý kiến phản hồi của bạn đọc, nhiều ý kiến ủng hộ việc vận động đi bộ nhưng cũng bày tỏ còn nhiều trở ngại khi thực hiện việc này.

+ Tôi đã nhiều lần đi bộ, đi không xa lắm, khoảng 400m thôi, nhưng không lần nào được trọn vẹn vì gần như không còn lề đường để đi, bước xuống lòng đường thì luôn phải nghiêng người né xe máy.

Khi tôi đi xe máy thì tự tin vì không sợ xe máy nữa và tránh cũng nhanh hơn, từ đó tôi không đi bộ nữa. Nếu TP muốn người dân đi bộ thì phải dẹp nạn chiếm vỉa hè trước.

nguyenthang030688@…

+ Chúng tôi rất muốn đi bộ, song làm gì còn chỗ đi? Vỉa hè bị chiếm dụng để xe, bán hàng, cạnh đường lại cho để ôtô. Xin cơ quan chức năng hãy làm quang vỉa hè, không cho bán hàng, không cho để xe (không cho các nhà mặt phố kinh doanh nếu không có chỗ để xe). Làm được như vậy dân chúng tôi sẽ rất hoan nghênh và hưởng ứng việc đi bộ.

Vương Anh (vuonganh76@…)

+ Tôi ủng hộ việc vận động người dân đi bộ. Nhìn các nước trong khu vực, người ta vẫn đi bộ hằng ngày đi học, đi làm, đi mua sắm, đi chơi… Nhưng ở nước ta, đặc biệt là TP.HCM, điều này vẫn còn hơi khó thực hiện. Hệ thống vỉa hè chưa đảm bảo, thuận tiện cho người đi bộ như còn bị lấn chiếm, dơ bẩn, thiếu bóng mát, chưa an toàn. Hệ thống giao thông công cộng chưa kết nối.

Thành phố chỉ mới có xe buýt, trong khi các nước họ có sự liên kết các phương tiện giao thông nên ở đó người dân không ngại gì việc đi bộ. Bên cạnh đó, nhiều người Việt vẫn chưa có thói quen đi bộ, hễ ra đường là đi xe máy, dù gần hay xa. Nếu Nhà nước đảm bảo những điều kiện tốt nhất thì rất nhiều người ủng hộ việc đi bộ, dù xa mấy cũng có thể đi.

Nguyễn Van (vannguyen9107@…)

DIỆP VĂN SƠN (nguyên phó vụ trưởng, Cơ quan đại diện phía Nam – Bộ Nội vụ), N.TRIỀU ghi