29/11/2024

Đường sắt đô thị Hà Nội: 3 tuyến chậm, 6 tuyến nằm trên giấy

Tại buổi làm việc với Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải hôm qua 18.2, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị cho biết, theo quy hoạch chung, Hà Nội sẽ xây dựng 9 tuyến đường sắt đô thị (metro) với tổng chiều dài 372,5 km (bao gồm các đoạn kéo dài các tuyến đường metro trung tâm kết nối với đô thị vệ tinh).

 

Đường sắt đô thị Hà Nội: 3 tuyến chậm, 6 tuyến nằm trên giấy

 

Tại buổi làm việc với Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải hôm qua 18.2, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị cho biết, theo quy hoạch chung, Hà Nội sẽ xây dựng 9 tuyến đường sắt đô thị (metro) với tổng chiều dài 372,5 km (bao gồm các đoạn kéo dài các tuyến đường metro trung tâm kết nối với đô thị vệ tinh).




Đường sắt Nhổn - ga Hà Nội tiến độ tổng thể chậm 36 tháng /// Ảnh: Ngọc Thắng

Đường sắt Nhổn – ga Hà Nội tiến độ tổng thể chậm 36 thángẢNH: NGỌC THẮNG

Trong đó: 140,8 km cầu cạn, 167 km cầu cạn kết hợp với đi bằng và 64,7 km đi ngầm. Khái toán tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 700.801 tỉ đồng, tương đương 31,42 tỉ USD. Đến năm 2030 cần 18,29 tỉ USD, sau năm 2030 cần 13,13 tỉ USD. Tuy nhiên, tuyến Cát Linh – Hà Đông (do Bộ GTVT làm chủ đầu tư), tuyến số 3 đoạn Nhổn – ga Hà Nội, tuyến số 2 đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo đều đội vốn và chậm tiến độ.
Cụ thể, tuyến số 3 tiến độ tổng thể dự án đã bị chậm so với kế hoạch ban đầu 36 tháng. Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị cũng kiến nghị đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, rà soát lại toàn bộ hợp đồng tư vấn Systra, thay kỹ sư trưởng dự án tư vấn Systra. Ngoài ra, 6 dự án còn lại đều đang trong giai đoạn lập báo cáo tiền khả thi hoặc thậm chí mới trong quy hoạch, chưa có nghiên cứu chi tiết.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Tứ, Giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội, “bắt bệnh” các dự án đường sắt đô thị với 8 khó khăn chính là: thủ tục đầu tư phức tạp, luật Đấu thầu mới khó khăn, thủ tục ODA khó khăn, trần nợ công, giải phóng mặt bằng, tiêu chuẩn kỹ thuật, chưa có cơ chế đặc thù cho các dự án… “Gần đây có một số nhà đầu tư trong nước có văn bản xin đầu tư đường sắt đô thị. Hôm qua chúng tôi làm việc với Tập đoàn Xuân Thành, sau khi nghe trình tự đầu tư, phương án tài chính, thủ tục…, nhà đầu tư cũng thấy khó khăn. Nếu làm BT (xây dựng – chuyển giao) thì khó đủ đất cho nhà đầu tư hoàn vốn, nếu làm BOT (xây dựng – khai thác – chuyển giao) thì không thu phí được, chỉ kết hợp BT và BOT, quỹ đất các khu đô thị dành cho nhà đầu tư, còn bao nhiêu quay lại cho thu phí BOT và trợ giá. Nhưng trước mắt đến 2020 vẫn phải kiên trì với nguồn vốn ODA”, ông Tứ cho hay.
Theo Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Hùng, tuyến số 2 – 3 hiện nay đã rất chậm, nếu không quyết tâm đến năm 2021 cũng chưa xong. Ông Hùng yêu cầu ban phải quản lý sâu sát, không để tư vấn tự tung tự tác, giao thời hạn cho tư vấn, không làm được thì phải thay.
Chỉ rõ 5 hạn chế trong xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị hiện nay, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng tiến độ các dự án quá chậm chạp, rất khó cho việc hạn chế phương tiện cá nhân. “Hết năm 2020 mới có 75 km đường sắt đô thị, chỉ chiếm 20% chiều dài tuyến, đó là phải rất nỗ lực may ra mới đạt được, nếu chậm còn kéo dài hơn nữa. Như tuyến số 1 bốn năm nay không chuyển động gì, tuyến số 6 thì 2 năm nay.
Theo kế hoạch đưa ra, tới năm 2030, dự kiến mới đạt được 30% chiều dài, tổng vốn theo quy hoạch”, Bí thư Hoàng Trung Hải chỉ rõ. Cũng theo ông Hải, sắp tới thành phố tính tới việc hạn chế phương tiện cá nhân như ô tô, xe máy thì phải có phương tiện thay thế hiện đại, tiện lợi người dân mới đi. Nếu không có giải pháp đặc thù, không đẩy nhanh tiến độ các dự án thì thảm hoạ, sẽ không còn chỗ mà đi, tắc đường 3 – 5 tiếng, cả hệ thống không hiệu quả, người dân bức xúc. “Đường sắt đô thị có vai trò rất quan trọng với giao thông, đặc biệt là giảm ùn tắc. Việc triển khai dự án quá chậm chạp như hiện nay không thể đáp ứng yêu cầu đề ra là hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc”, ông Hải nhấn mạnh.

 

Mai Hà