11/01/2025

Nơi mạnh tay tái lập, nơi ‘thả nổi’ vỉa hè

Trong khi Q.1 và một số địa phương ở TP.HCM đang triển khai nhiều biện pháp nhằm chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường thì tại nhiều nơi khác lòng lề đường vẫn để bị lấn chiếm tràn lan.

 

Nơi mạnh tay tái lập, nơi ‘thả nổi’ vỉa hè

Trong khi Q.1 và một số địa phương ở TP.HCM đang triển khai nhiều biện pháp nhằm chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường thì tại nhiều nơi khác lòng lề đường vẫn để bị lấn chiếm tràn lan.



Buôn bán lấn chiếm lòng lề đường Nguyễn Trãi (Q.5) khiến người đi bộ phải “lách” xuống lòng đườngẢNH: NGUYỄN LÂM

Trong hai ngày 15 – 16.2, UBND Q.1 tiếp tục ra quân lập lại trật tự đô thị ở khu vực trung tâm TP. Lực lượng kiểm tra gồm công an, trật tự đô thị… triển khai ở hầu hết các tuyến đường “trọng điểm”. Chỉ riêng tại giao lộ Lý Tự Trọng – Nguyễn Trung Trực (P.Bến Thành, Q.1), đoàn kiểm tra đã lập biên bản xử phạt 108 trường hợp đi xe máy trên vỉa hè. Theo ghi nhận của PV, những ngày qua trật tự lòng lề đường khu trung tâm TP đã có chuyển biến rõ rệt.
Thế nhưng, ở nhiều quận, huyện khác, lòng lề đường vẫn bị “thả nổi” cho hàng quán chiếm dụng. 

 
 
Nơi mạnh tay tái lập, nơi 'thả nổi' vỉa hè - ảnh 1
Để xảy ra lấn chiếm tràn lan, chủ tịch UBND quận, phường phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP. Liên quan đến vấn đề này, TP đã từng chỉ đạo rất nhiều lần rồi. Sắp tới, hướng xử lý mạnh là tính toán luân chuyển người đứng đầu quản lý địa bàn cơ sở theo hướng chức vụ mới phải thấp hơn chức vụ cũ
Nơi mạnh tay tái lập, nơi 'thả nổi' vỉa hè - ảnh 2
 
Ông Lê Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND TP.HCM
 


Lề đường thành quán nhậu, lòng đường để giữ xe
Trong khi đó, cùng ngày 15.2, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, vỉa hè đường Trường Sa (P.17, Q.Phú Nhuận) vốn đã nhỏ hẹp nhưng tầm 16 giờ trở đi, hàng chục quán nhậu “dàn trận” bàn ghế dày đặc. Do bị chiếm hết vỉa hè, người đi bộ buộc phải đi xuống lòng đường, trong khi lượng xe cộ trên tuyến đường này rất đông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao. Khoảng 20 giờ, tại quán nhậu số 684 Trường Sa (cách trụ sở UBND P.17 chỉ vài trăm mét) khách ngồi chiếm hết vỉa hè, nhân viên quán liền tận dụng lòng đường để xe máy.
Cũng trên đường Trường Sa nhưng thuộc P.2, Q.Phú Nhuận, một dãy quán nhậu khác không những chiếm hết vỉa hè mà còn biến một phần đường thành “nhà bếp” để chế biến, nấu nướng thức ăn. Trong khi đó, hàng chục nhân viên phục vụ nháo nhác đứng dọc đường dắt xe, canh chừng cho khách.
Trong ngày 16.2 và liên tục nhiều ngày trước đó, PV Thanh Niên ghi nhận trên các tuyến đường Nguyễn Trãi, An Dương Vương, Trần Phú… thuộc địa bàn Q.5, tình trạng lấn chiếm vỉa hè cũng diễn ra tràn lan.
Trên đường Nguyễn Trãi, nhiều hộ kinh doanh bày hàng hóa tràn hết vỉa hè, người đi bộ buộc phải đi xuống lòng đường, trong đó có nhiều học sinh và người nước ngoài. Vi phạm nghiêm trọng nhất là đoạn từ giao lộ Nguyễn Trãi – Nguyễn Văn Cừ hướng về khu Chợ Lớn (Q.5), vỉa hè bị các quầy quần áo, giày dép, mũ, giỏ xách… chiếm hết để bày bán hàng. Dưới lòng đường, khách mua bán dừng xe lựa hàng, mặc cả… khiến giao thông trở nên bát nháo, hỗn loạn.
Tại đường An Dương Vương, đoạn trước khu vực Trường đại học Sài Gòn (Q.5) còn nhốn nháo hơn. Hàng chục chiếc ghế xếp được bày biện thành nhiều lớp, kín mít từ lề đường vào bên trong vỉa hè. Người đi bộ phải luồn lách trong dòng xe cộ dày đặc dưới lòng đường…
Trong khi đó, trên đường Thành Thái (Q.10), Phạm Văn Đồng (Q.Bình Thạnh, Q.Gò Vấp)… cũng chẳng khá hơn. Nhiều quán nhậu không những “đóng chiếm” hết vỉa hè, mà còn “tập kết” xe máy, ô tô thành từng dãy dài dưới lòng đường…
Nơi mạnh tay tái lập, nơi 'thả nổi' vỉa hè - ảnh 3

 Các quán nhậu chiếm hết vỉa hè trên đường Thành Thái (Q.10)ẢNH: CÔNG NGUYÊN

Trong đoàn kiểm tra có “mật báo”

Hiện nay, việc xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè trên địa bàn từng phường có nhiều đơn vị phối hợp thực hiện như UBND, công an, quản lý trật tự, dân quân tự vệ (khi cần phối hợp)… Lực lượng hùng hậu như thế nhưng vì sao vỉa hè, lòng đường vẫn bị lấn chiếm tràn lan?
Sau khi cung cấp hình ảnh vỉa hè, lòng đường trên địa bàn P.17 (Q.Phú Nhuận) bị lấn chiếm nghiêm trọng cho bà Nguyễn Thị Thanh Trâm, Phó chủ tịch UBND P.17, xem PV Thanh Niên đặt câu hỏi: “Có hay không việc bảo kê để các quán nhậu ngang nhiên lấn chiếm vỉa hè trong thời gian dài?”. Bà Trâm khẳng định “không bảo kê”, nhưng cũng thừa nhận: “Chúng tôi thường xuyên đi kiểm tra, thế nhưng trong đoàn gồm nhiều lực lượng khác nhau nên cũng có khả năng có người rò rỉ thông tin lúc kiểm tra ra bên ngoài!”.
Tương tự, ông Phạm Nguyễn Hải Âu, Phó chủ tịch UBND P.2 (Q.5, địa bàn có điểm nóng lấn chiếm vỉa hè là đường Nguyễn Trãi), thừa nhận tình trạng lấn chiếm lòng lề đường một số tuyến đường do phường quản lý để diễn ra trong thời gian qua.
Tuy nhiên, ông Âu cho rằng “không có chuyện chung chi để được buôn bán trên lề đường, vì nếu có thì quận đã xử lý”. “Lực lượng kiểm tra xử phạt thường xuyên làm việc, thậm chí đến 22 giờ đêm để xử lý vi phạm. Khi lực lượng chức năng đi kiểm tra xử phạt thì các hộ kinh doanh buôn bán chấp hành rất nghiêm, buôn bán và đậu xe trên vỉa hè theo đúng vạch sơn quy định; khi đoàn kiểm tra đi qua thì một số hộ lại tiếp tục lấn chiếm”, ông Âu phân bua.
Nơi mạnh tay tái lập, nơi 'thả nổi' vỉa hè - ảnh 4

Lòng lề đường Nguyễn Trãi (Q.5) bị lấn chiếm tràn lanẢNH: CÔNG NGUYÊN

Trong khi đó, khi PV đến UBND Q.5 liên hệ gặp Trưởng phòng Quản lý đô thị Q.5 Nguyễn Xuân Trung để làm rõ nguyên nhân tồn tại dai dẳng tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, ông Trung từ chối gặp và đề nghị PV “liên hệ với Chánh văn phòng UBND quận để hẹn trao đổi”.

Phải xử lý nghiêm người đứng đầu quận, phường
Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban thường trực Ban An toàn giao thông TP.HCM, nói thẳng: “Nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường ở mức báo động nhưng nhiều nơi làm không kiên quyết, làm chưa tới nơi tới chốn nên tình hình càng ngày càng phức tạp. Chúng ta có quy định trách nhiệm người đứng đầu chính quyền phụ trách quản lý địa bàn cơ sở nhưng không xử lý nghiêm, cụ thể mà cứ xuê xoa nên tình hình không chuyển biến đáng kể”.
Cũng theo ông Tường: “Qua kiểm tra đã phát hiện nhiều tuyến đường ở một số địa phương có tình trạng người lấn chiếm biết trước thông tin khi lực lượng chức năng đến kiểm tra xử phạt để đối phó. Tuy nhiên, chưa có trường hợp nào tố cáo cụ thể để có thể xem xét xử lý”.
Trong khi đó, ông Lê Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, khẳng định trách nhiệm quản lý lòng lề đường đã được TP phân định rạch ròi xuống cấp quận, cấp phường. “Để xảy ra lấn chiếm tràn lan, chủ tịch UBND quận, phường phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP. Liên quan đến vấn đề này, TP đã từng chỉ đạo rất nhiều lần rồi. Sắp tới, hướng xử lý mạnh là tính toán luân chuyển người đứng đầu quản lý địa bàn cơ sở theo hướng chức vụ mới phải thấp hơn chức vụ cũ”, ông Khoa nhấn mạnh.
Mong “đừng đánh trống bỏ dùi”
Đầu năm 2016, tại hội nghị phối hợp công tác giữa TP.HCM với Bộ GTVT, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng yêu cầu 24 quận, huyện trên địa bàn TP phải hành động thực chất nhằm trả lại vỉa hè cho người đi bộ, phải giải quyết có hiệu quả tình trạng ngang nhiên lấn chiếm lòng lề đường. Thực tế, thời gian qua không ít lần các quận, huyện “ra quân” lập lại trật tự lòng lề đường. Thế nhưng, trật tự chỉ được tái lập ít ngày rồi “đâu lại vào đó”.
Ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND Q.1, thừa nhận trong năm 2016 quận đã nhiều lần ra quân xử phạt theo đợt nhưng vi phạm vẫn tái diễn nhiều. “Trong năm 2017, Q.1 ra quân liên tục, tăng cường lực lượng kiểm tra, xử phạt hằng ngày, kiên quyết không làm theo kiểu đánh trống bỏ dùi nhằm đảm bảo đạt được mục tiêu cao nhất là đường thông hè thoáng. Những phường nào mà UBND quận đã ra quân tái lập trật tự, mỹ quan đô thị nhưng để tái diễn nạn lấn chiếm thì chủ tịch UBND phường đó phải chịu trách nhiệm”, ông Hải nói.
Đình Phú


 

Thanh Niên