10/01/2025

Cảnh báo uốn ván sơ sinh gia tăng vì “mụ vườn đỡ đẻ”

Ngày 16-2, Bộ Y tế đã yêu cầu Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk báo cáo chi tiết về thông tin thêm một trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng uốn ván do “mụ vườn” cắt rốn, nguy kịch đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk.

 

Cảnh báo uốn ván sơ sinh gia tăng vì “mụ vườn đỡ đẻ”

Ngày 16-2, Bộ Y tế đã yêu cầu Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk báo cáo chi tiết về thông tin thêm một trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng uốn ván do “mụ vườn” cắt rốn, nguy kịch đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk.

 

 

Cảnh báo uốn ván sơ sinh gia tăng vì “mụ vườn đỡ đẻ”
Cháu bé con chị H’Ngọc ở huyện Krông Bông, Đắk Lắk nhiễm trùng uốn ván được điều trị tích cực tại Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk – Ảnh: B.D.

Cùng ngày, trao đổi với Tuổi Trẻ về việc nhiều bà mẹ tự sinh con tại nhà, được “mụ vườn” trực tiếp đỡ, bác sĩ Phạm Văn Lào – giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk – khẳng định tình trạng này vẫn xảy ra ở một số xã vùng sâu vùng xa, đa số các trường hợp này là phụ nữ người đồng bào dân tộc thiểu số.

Cảnh báo gia tăng uốn ván sau sinh

Thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng Đắk Lắk cho thấy từ đầu năm 2017 tới nay đã có 3 trường hợp nhiễm trùng uốn ván. Trong kết quả điều tra ca bệnh sau khi nhiễm cho thấy cả 3 trường hợp này đều là phụ nữ dân tộc thiểu số, khi sinh không tới trạm y tế mà ở nhà đẻ và người trực tiếp đỡ là “mụ vườn”.

Trường hợp thứ nhất là bé trai con sản phụ H’Năn ở thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, tử vong do uốn ván sau nhiều ngày được các bác sĩ tại khoa hồi sức cấp cứu nhi Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk cứu chữa.

Theo gia đình bé, trước khi sinh H’Năn không đi khám thai cũng không được tiêm chủng. Khi đẻ, “mụ vườn” đã dùng lưỡi dao lam (dao cạo) cắt rốn rồi quấn rốn bằng băng khô. Mấy ngày sau khi sinh thì con chị H’Năn có dấu hiệu sốt cao, co giật, được chuyển tới bệnh viện cấp cứu.

Trong ngày 2-2, Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk điều trị trẻ sơ sinh con của chị H’Ngọc với các triệu chứng sốt cao, co giật ở ngày thứ bảy. Cháu bé này cũng được xác định nhiễm trùng uốn ván.

Bác sĩ Lê Đình Nhân – phó khoa hồi sức cấp cứu nhi Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk – cho biết tới chiều 16-2 cháu bé này vẫn phải thở máy, sức khoẻ rất yếu.

“Người nhà nói với bác sĩ rằng mẹ bé không đi khám thai, cũng không được tiêm chủng, khi đẻ thì nằm ở nhà và được bà mụ dùng lưỡi dao lam cắt rốn. Đây chính là nguồn lây trùng uốn ván” – bác sĩ Nhân nói.

Thêm một trường hợp khác là cháu bé sơ sinh của chị H’Mươl Ênuôl ở xã Cư Êbur (TP Buôn Ma Thuột) tử vong ngày 11-1 do nhiễm trùng uốn ván. Điều tra cho thấy cháu bé này cũng được “mụ vườn” đỡ đẻ, sau đó cắt rốn bằng lưỡi dao lam.

Cắt rốn bằng miểng sành, tre nứa

Ngoài việc cắt rốn bằng dao lam, bác sĩ Lê Đình Nhân cho biết nhiều ca uốn ván do được cắt rốn bằng… miểng sành thủy tinh, có trường hợp người dân tộc Mông thì cắt rốn cho con bằng miếng lồ ô, tre nứa.

Bác sĩ Phạm Văn Lào cho biết hiện nay có khoảng 10% phụ nữ tại Đắk Lắk không được tiêm phòng uốn ván trong giai đoạn ở độ tuổi sinh sản. Phần lớn diện này thuộc nhóm là học sinh dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa, hoặc các cháu đã bỏ học, nhà ở những nơi heo hút, nhận thức chưa tốt, khi sinh đẻ thì sinh ở nhà hoặc nương rẫy trong những điều kiện hoàn toàn có thể nhiễm trùng uốn ván.

Theo bác sĩ Lê Đình Nhân, tỉ lệ sống sót của trẻ sơ sinh nhiễm uốn ván chỉ ở mức 2%. “Tôi cho rằng để xảy ra các ca bệnh uốn ván rất đau lòng này ngoài ý thức của bà mẹ thì cũng có lỗi của y tế cơ sở. Hoặc là người ta nắm không hết các ca mang thai hoặc là chưa làm hết trách nhiệm” – bác sĩ Nhân nói.

Ngành y tế Đắk Lắk cho biết sẽ đẩy mạnh việc quản lý bà mẹ trẻ sơ sinh, tăng cường công tác tuyên truyền, trợ giúp chuyên môn cho đội ngũ những người trực tiếp đỡ đẻ để nâng cao nhận thức. Các y bác sĩ cũng khuyến cáo khi sinh đẻ bà mẹ cần tới trạm y tế xã phường nơi gần nhất, tuyệt đối không nên dùng các dụng cụ thủ công để cắt rốn cho trẻ.

THÁI BÁ DŨNG