Thuỷ đậu tấn công người lớn
Thuỷ đậu được cộng đồng biết đến là bệnh thường mắc ở trẻ nhỏ, nhưng gần đây nhiều người lớn cũng phải nhập viện điều trị tai biến do mắc thủy đậu. Thuỷ đậu được cộng đồng biết đến là bệnh thường mắc ở trẻ nhỏ, nhưng gần đây nhiều người lớn cũng phải nhập viện điều trị tai biến do mắc thuỷ đậu.
Thuỷ đậu tấn công người lớn
Thuỷ đậu được cộng đồng biết đến là bệnh thường mắc ở trẻ nhỏ, nhưng gần đây nhiều người lớn cũng phải nhập viện điều trị tai biến do mắc thuỷ đậu.
Nguy cơ biến chứng cao hơn ở người lớn
Bệnh nhân nữ V.T.T.H (30 tuổi, ngụ Tây Mỗ, Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội) vào Bệnh viện E điều trị trong tình trạng sốt cao, nổi mụn nước ở mặt và lan toàn thân, đau đầu, mệt mỏi. Chỉ một ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân có biểu hiện bị mắc thuỷ đậu (sốt nhẹ, nổi mụn vùng mặt) do lây từ con mình (2 tuổi). Bé bị mắc thuỷ đậu từ một tuần trước đó do lây từ bạn học cùng lớp và đã được điều trị khỏi. Bệnh nhân H. được theo dõi biến chứng, tình trạng vẫn sốt, nổi ban toàn thân, có những nốt bội nhiễm (dịch đục, mủ trắng).
Cùng điều trị với cô V.T.T.H ở Bệnh viện E là bệnh nhân nam N.M.H (23 tuổi, ngụ xã Thụy Phương, Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng nhập viện do mắc bệnh thủy đậu, nổi mụn nước toàn thân. Cách đó 3 ngày, bệnh nhân này có tiếp xúc với cháu bé 4 tuổi mắc thủy đậu nhưng đang trong thời gian khỏi bệnh. Cả 2 bệnh nhân người lớn này chưa từng tiêm chủng vắc xin phòng bệnh thủy đậu, chưa từng mắc bệnh và có tiếp xúc với nguồn lây.
Theo ThS-BS Vũ Mạnh Cường, Phó khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện (BV) E, Hà Nội, trong khoảng 4 – 5 tuần gần đây, khoa đã tiếp nhận và điều trị hơn 20 ca mắc bệnh thuỷ đậu, trong đó có cả người lớn. BS Cường cho hay thông thường thủy đậu thường gặp ở các trẻ từ 2 – 8 tuổi, nhưng người lớn vẫn có thể nhiễm bệnh nếu không được phòng ngừa đầy đủ. Người lớn, đặc biệt là phụ nữ mang thai, mắc thủy đậu có khả năng biến chứng và nặng hơn trẻ em.
TIN LIÊN QUAN
Bệnh thủy đậu hay còn gọi là bệnh ‘trái rạ’ đang vào mùa theo chu kỳ hằng năm. Ngay từ đầu mùa bệnh đã có những ca nặng. Bác sĩ cảnh báo cần phòng bệnh lây lan và biến chứng nguy hiểm.
Tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận một số bệnh nhân thủy đậu. TS-BS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, cho hay phòng khám bệnh truyền nhiễm mỗi ngày có từ 3 – 4 ca thuỷ đậu đến khám, hầu hết các ca bệnh nhẹ và điều trị ngoại trú. “Tuy nhiên, gần đây đã có một số trường hợp nặng biến chứng cần nhập viện. Đó là các trường hợp mắc thủy đậu là phụ nữ mang thai; bệnh nhân bội nhiễm nốt phỏng”, BS Cường cho biết. Đặc biệt tại khoa có một trường hợp bệnh nhân nam bị thuỷ đậu nặng, gây biến chứng viêm phổi và đang phải thở ô xy.
Vi rút ngủ 30 năm
Theo khuyến cáo của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, mặc dù là bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nề ngoài những hồng ban mụn nước lan tràn, nhưng thủy đậu có thể có những biến chứng từ nhẹ đến nặng. Biến chứng nhẹ của bệnh là nhiễm trùng da nơi mụn nước; nặng hơn vi trùng có thể xâm nhập từ mụn nước vào máu gây nhiễm trùng huyết. Các biến chứng nặng như viêm phổi, viêm não, viêm tiểu não… có thể nguy hiểm đến tính mạng hoặc để lại di chứng. Thậm chí sau khi bệnh nhân đã khỏi bệnh, siêu vi thuỷ đậu vẫn còn tồn tại trong các hạch thần kinh dưới dạng bất hoạt (ngủ đông). Nhiều năm sau đó, có thể là 10, 20, hay 30 năm, khi có điều kiện thuận tiện (như sức đề kháng cơ thể kém) vi rút này sẽ tái hoạt động và gây ra bệnh Zona.
Các bác sĩ cũng lưu ý, phụ nữ mang thai nếu mắc bệnh thuỷ đậu khá nguy hiểm vì dễ bị biến chứng nặng, đặc biệt là viêm phổi. Với phụ nữ mang thai, bị thủy đậu ở 3 tháng đầu của thai kỳ, vi rút thuỷ đậu có thể gây sảy thai, hay khi sinh ra trẻ sẽ bị thuỷ đậu bẩm sinh với nguy cơ bị dị tật như: đầu nhỏ, co gồng tay chân, bại não, sẹo bẩm sinh… Trường hợp người mẹ bị thuỷ đậu trong những ngày sắp sinh hay sau sinh có thể khiến trẻ bị lây bệnh. Trẻ thường có diễn biến nặng với mụn nước nổi rất nhiều và dễ bị biến chứng viêm phổi.
TIN LIÊN QUAN
Chống dịch thuỷ đậu tại khu chế xuất Tân Thuận
Từ ngày 17.11.2016 – 4.1.2017 tại Công ty Gunze đã xảy ra dịch thuỷ đậu khiến 30 trường hợp mắc.
Bác sĩ Vũ Mạnh Cường khuyến cáo, bệnh thủy đậu có thể ngừa bằng vắc xin. Cũng có một số trường hợp đã tiêm vắc xin rồi vẫn mắc bệnh, bởi tỷ lệ được bảo vệ tuyệt đối sau tiêm đạt khoảng 90%. 10% có thể bị thủy đậu sau khi tiêm chủng, nhưng các trường hợp này chỉ bị nhẹ, với rất ít nốt bỏng rạ và thường là không bị biến chứng.
Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo mỗi người cần tiêm đủ 2 liều vắc xin thủy đậu. Tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho người lớn chưa mắc thuỷ đậu và trẻ em (từ 12 tháng tuổi).
Nam Sơn – Thuý Anh