Rà soát, chấn chỉnh việc khai ấn và phát ấn
Bà Trịnh Thị Thuỷ, cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở (Bộ VH-TT&DL), cho biết sắp tới bộ sẽ có văn bản gửi các địa phương yêu cầu rà soát và chấn chỉnh việc khai ấn, phát ấn để hiện tượng này không phát sinh một cách tràn lan.
Rà soát, chấn chỉnh việc khai ấn và phát ấn
Bà Trịnh Thị Thuỷ, cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở (Bộ VH-TT&DL), cho biết sắp tới bộ sẽ có văn bản gửi các địa phương yêu cầu rà soát và chấn chỉnh việc khai ấn, phát ấn để hiện tượng này không phát sinh một cách tràn lan.
Bà Trịnh Thị Thuỷ, cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở – Ảnh: V.V.TUÂN |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhà quản lý cũng thừa nhận: “Đúng là việc phát ấn tràn lan đang diễn ra ở nhiều nơi. Ngoài những nơi đã và đang tổ chức phát ấn, vẫn còn nhiều nơi đang ấp ủ việc khai ấn, phát ấn”.
* Nhà nghiên cứu ấn chương Nguyễn Công Việt từng đề xuất Bộ VH-TT&DL mời các chuyên gia ấn tín kết hợp với chính quyền địa phương xem xét kiểm tra các di sản có sử dụng ấn tín.
Nếu di tích nào sử dụng các hiện vật ấn và bản văn đóng dấu không có xuất xứ lịch sử, cơ sở khoa học hoặc sai sót về nội dung chuyên môn thì cần phải đình chỉ. Quan điểm của Bộ VH-TT&DL về việc này ra sao?
– Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến đó. Bất cứ hoạt động văn hóa nào gắn với đời sống tâm linh đều phải có sự tìm hiểu, nghiên cứu, thẩm định khoa học về giá trị lịch sử văn hoá của nó. Chúng tôi không khuyến khích việc khai ấn, phát ấn không có cơ sở khoa học.
* Quay lại điểm cụ thể là chuyện phát ấn ở đền Trần (phường Lộc Vượng, TP Nam Định), nhiều chuyên gia từng lên tiếng khẳng định nơi này chưa chứng minh được nguồn gốc lịch sử của việc phát ấn.
Mới đây trong bài viết trên Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Hồng Kiên cũng nhắc lại “việc khai ấn ở đền Trần Tức Mặc là một xuyên tạc lịch sử”. Nhưng đến nay, nơi này vẫn là một trong những điểm nóng của phong trào phát ấn?
– Hiện đang có những ý kiến khác nhau liên quan đến việc khai ấn và phát ấn ở đền Trần Nam Định. Trước đây Bộ VH-TT&DL đã phối hợp với UBND tỉnh Nam Định xây dựng đề án tổ chức lễ hội đền Trần, trong đó có nghi thức khai ấn và phát ấn.
Về phía bộ, các nhà nghiên cứu và các nhà quản lý tiếp tục có những nghiên cứu và sẽ phối hợp với tỉnh Nam Định để tìm căn cứ, cơ sở chung nhất thuyết phục được rằng nghi thức đó đảm bảo phù hợp với lịch sử, văn hoá truyền thống và để nó thực sự đáp ứng đời sống tâm linh lành mạnh của cộng đồng.
* Nếu Bộ VH-TT&DL và UBND tỉnh Nam Định tiếp tục không đưa ra được những dẫn chứng khoa học để phản bác lại các ý kiến cho rằng việc phát ấn ở đây là xuyên tạc lịch sử thì sao, thưa bà?
– Nghi thức khai ấn, phát ấn đã đi vào đời sống của cộng đồng cũng như cơ bản được đa số người dân chấp nhận. Hơn nữa, công tác tổ chức lễ hội này từng bước được chấn chỉnh để hướng tới sự văn minh, lành mạnh.
Chúng tôi hi vọng sẽ có sự thống nhất trong kết quả nghiên cứu cũng như mong muốn về mặt quản lý nhà nước và phù hợp với mong muốn của cộng đồng. Nếu ba điều này có thể gặp nhau là tốt nhất. Ngược lại chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo bộ để có phương án phù hợp.
* Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng rằng Bộ VH-TT&DL phải lên tiếng, phải có chính kiến về công tác quản lý lễ hội. Ý kiến của bà về việc này ra sao?
– Theo tôi hiểu, mọi chỉ đạo của Chính phủ phải được triển khai thực hiện ngay và Bộ VH-TT&DL phải quyết liệt hơn đối với các hành vi phản cảm trong lễ hội. Về phương diện cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi đâu ngại lên tiếng trước những vấn đề dư luận quan tâm.
Chúng tôi vẫn liên tục và sẵn sàng phối hợp với các cơ quan truyền thông để lên tiếng về những vấn đề mà dư luận đang quan tâm trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội đấy chứ.
Nhiều chuyên gia khẳng định đền Trần Nam Định chưa chứng minh được nguồn gốc lịch sử của việc phát ấn nhưng hàng ngàn người vẫn đổ về đây chờ được cầm trong tay lá ấn – Ảnh: Nguyễn Khánh |
Không cấp phép lễ hội có mục đích thương mại Chiều ngày 15-2, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái ký công văn gửi các bộ, ngành trung ương, UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường chỉ đạo, chấn chỉnh công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Công văn nêu rõ: lễ hội đầu xuân Đinh Dậu 2017 trên cả nước vẫn còn những hiện tượng phản cảm như: chen lấn, tranh cướp lộc tại lễ hội Gióng đền Sóc (Hà Nội); phát lộc, tranh cướp lộc tại lễ hội chùa Hương (Hà Nội); tranh cướp bạo lực tại hội cướp phết xã Hiền Quan (Phú Thọ); nhiều lễ hội chọi trâu có biểu hiện thương mại hoá, trục lợi, trái với quy định; khai ấn, phát ấn tại Quảng Ninh, Nghệ An không phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hoá;… Vì vậy, Bộ VH-TT&DL đề nghị các bộ, ngành trung ương, UBND các tỉnh, thành phố: không thực hiện các nghi lễ có tính bạo lực, trái với truyền thống yêu hoà bình và nhân ái của dân tộc; không cấp phép tổ chức lễ hội truyền thống có mục đích thương mại, trục lợi; không để xảy ra các hành vi phản cảm, kích động bạo lực; cán bộ, công chức, viên chức không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội… |