Những người viết trẻ: Mình thích thì mình viết thôi!
Hàng trăm ngàn bản sách được in, rồi tái bản. Hàng chục cuộc giao lưu, ký tặng đông nghẹt người hâm mộ. Hàng chục tác giả mới được đều đặn giới thiệu mỗi năm…
Những người viết trẻ: Mình thích thì mình viết thôi!
Hàng trăm ngàn bản sách được in, rồi tái bản. Hàng chục cuộc giao lưu, ký tặng đông nghẹt người hâm mộ. Hàng chục tác giả mới được đều đặn giới thiệu mỗi năm…
Những cuốn sách của những người viết trẻ – Ảnh: GIA TIẾN |
Đó là câu chuyện về một lớp người viết trẻ biết cách chia sẻ nỗi niềm của thế hệ mình.
Đọc qua một loạt đầu sách của những tác giả trẻ – trong đó có những người đã bán cả “vạn bản” – như Anh Khang, Phan Ý Yên, Jun Phạm, Minh Đức, Diệu Ái, Nguyễn Duy Quyền, Hạnh Nguyên… thấy chẳng gì dễ hơn để bắt đầu một câu chuyện bằng cách viết ra cảm xúc của chính mình.
Cố gắng trau chuốt ngôn từ và rất chịu khó nghe ngóng “tiếng lòng” của những người trẻ xung quanh, họ nhanh chóng vào cuộc “bắt sóng” cảm xúc với những trang viết gần gũi, dễ đọc.
Những cảm xúc đong đưa
Anh Khang từng mô tả về nhân vật xưng em trong tập tản văn đầu tay Ngày trôi về phía cũ là “sáng nắng, chiều mưa, tối đong đưa triều cường”. Và có lẽ sự nhạy cảm ở độ tuổi “đong đưa” ấy đã khiến họ viết dồi dào, cái gì cũng có thể trở thành mạch nguồn để bắt đầu viết ra một câu chuyện mới.
Nếu như Anh Khang khéo léo biến hoá những chuyện tình buồn trong quá khứ thành những tâm sự mỏng, xoa dịu biết bao trái tim yêu lỡ lầm thì Phan Ý Yên – một cô gái từng quen thuộc với thế hệ học trò 8X qua những truyện ngắn được đăng tải trên báo Sinh Viên Việt Nam, Blog 360 – lại từng trải và đôi chút già dặn với những câu chuyện tình yêu, chuyện tâm lý phụ nữ trong Em là để yêu; Không xinh, không thông minh, không bất bình thế giới hay Khi phụ nữ uống trà, đàn ông nên cẩn thận.
Đó là câu chuyện về một lớp người viết trẻ biết cách chia sẻ nỗi niềm của thế hệ mình. |
Anh Khang |
Trong khi đó, tập tản văn mỏng nhẹ Vẩn vơ giữa phố của Nguyễn Minh Đức, một 9X đời đầu, lại đầy ắp hoài niệm của một cậu trò nghèo Quảng Nam vào Sài Gòn học tập và làm việc.
Jun Phạm trên sân khấu ca nhạc, một mảnh của nhóm 365 đã nhiều người biết, nhưng Jun Phạm trong vai trò tác giả trẻ lại vẽ nên một hình dung khác lạ hơn trong mắt độc giả.
Gỡ bỏ vẻ lí lắc thường thấy, Thức dậy, anh vẫn là mơ của Jun thâm trầm với một đời sống nội tâm phong phú, những ý tưởng táo bạo khi nhân vật chính được chìm đắm trong những giấc mơ hư thực.
Đây cũng là cuốn sách thứ 3 của Jun và với tập sách này, Jun đã chứng tỏ anh không chỉ là kẻ “dạo chơi” bên đường trong vườn văn.
Cô gái còn rất trẻ Hạnh Nguyên (sinh năm 1995) lại sở hữu một giọng văn khác lạ. Trong Say - quyển sách đoạt giải Phát hiện mới của Giải Sách hay 2016, thế giới nhân vật của Hạnh Nguyên là những người trẻ cô đơn, khép kín và vô định, lọt thỏm giữa vũ trụ rộng lớn của cõi người.
Hạnh Nguyên viết từ khi mới 17 tuổi, ở cái tuổi mọi điều buồn vui đều có thể trở thành một “vấn đề”. Nguyên viết cho cô, nhưng cũng là cho tuổi 17 đầy hoang hoải của bất kỳ cô cậu nhóc nào.
Và cứ thế, mỗi lúc “buồn, vui, xui, tình, bạn” xảy ra, họ – những tác giả trẻ – lại chọn cách giãi bày bằng câu chữ, xây dựng cho mình một lượng người đọc riêng.
Buổi ra mắt cuốn sách thứ ba của Jun Phạm tại Đường sách TP.HCM thu hút đông đảo độc giả trẻ tham dự – Ảnh: PNB |
Tâm lý như… người viết trẻ
Phan Ý Yên thừa nhận mình là người phụ nữ may mắn sống trong một thế giới rộng lớn đầy ắp điều bất ngờ. Nhưng may mắn nhất với cô là có thể lắng nghe được tiếng lòng của nhiều người và thay họ kể lại câu chuyện cuộc đời.
Phủ sóng “dày đặc” bằng 5 tập sách cực kỳ hút khách Ngày trôi về phía cũ; Đường hai ngả – người thương thành lạ; Buồn làm sao buông, Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và… em; Thương mấy cũng là người dưng, tác giả Anh Khang tự lý giải “có thể độc giả trẻ đã tìm thấy bản thân mình trong những trang viết của tôi”.
Anh cũng không quên bày tỏ “một lời cảm ơn lúc này có lẽ sẽ không thể nào đủ” với “bà đỡ” – Công ty sách Phương Nam – mà theo anh đã “dẫn đường” cho dòng sách của các tác giả trẻ trên thị trường sách hiện nay, từ thuở dòng sách tản văn của các cây bút trẻ còn nhận được cái nhìn e dè.
Đang bắt tay viết cùng lúc hai tập sách mới: một truyện ngắn, một truyện dài đầu tay, Anh Khang nói thêm: “Theo tôi, hay dở trong văn chương là tùy theo khẩu vị của mỗi người. Tất nhiên “tạng văn” của mỗi người khó có thể thay đổi và tôi cũng không có ý định thay đổi nó. Có điều nếu như mình chỉ viết những cuốn sách chiều chuộng thị trường thì sẽ gây ra tâm lý ăn xổi”.
Còn chàng ca sĩ sở hữu ba cuốn sách Jun Phạm nói về sách của mình thế này: “Đối với tôi, câu chữ cũng là những người bạn tuyệt vời. Nó giúp tôi sử dụng thời gian rảnh trên những chặng đường đi diễn xa hợp lý hơn, biến nó thành khoảng thời gian hữu ích, rồi từ đó nuôi lớn tâm hồn tôi một cách nhẹ nhàng mà cũng rất mạnh mẽ”.
Có lẽ với nhiều tác giả trẻ khác, “nuôi lớn tâm hồn” cũng là lý do giản dị để họ “mình thích thì mình viết thôi”.
Con số đáng mơ Mạnh dạn mở ra một sân chơi rộng rãi cho nhiều người cầm bút trẻ nhưng ở phía ngược lại, chính những cây bút trẻ cũng đã mang lại cho các đơn vị làm sách sức mạnh của sự trẻ trung và một thị trường sôi động “ăn nên làm ra”. Theo chính con số mà Công ty văn hoá Phương Nam cung cấp: Tổng lượng phát hành 5 cuốn sách của Anh Khang tính đến nay là 540.000 bản, của Phan Ý Yên đến nay gần 200.000 bản (3 cuốn) và của Jun Phạm (3 cuốn) đã đạt hơn 250.000 bản… Đó là những con số đủ làm giật mình và đáng mơ cho bất cứ NXB nào. |