Giảng viên Lego và xu hướng chơi để học
Đại học Cambridge của Anh vừa kết thúc đợt nhận hồ sơ ứng tuyển vào vị trí giảng viên Lego ở khoa giáo dục.
Giảng viên Lego và xu hướng chơi để học
Đại học Cambridge của Anh vừa kết thúc đợt nhận hồ sơ ứng tuyển vào vị trí giảng viên Lego ở khoa giáo dục.
Ngồi xếp Lego suốt ngày, nhận lương khoảng 7.000 bảng Anh (hơn 198 triệu đồng)/tháng, có tiếng là giảng viên của một trong những đại học danh giá nhất thế giới… Công việc như mơ này sẽ trở thành hiện thực với người được Trường Cambridge nhận làm giảng viên Lego ở khoa giáo dục, theo tờ Le Figaro. Tân giảng viên cũng sẽ trở thành người phụ trách Trung tâm nghiên cứu tác động của trò chơi đối với giáo dục, sự phát triển và học tập (Pedal) được trường mở từ tháng 10.2015.
Tò mò, cởi mở, sáng tạo
Việc tuyển dụng thoạt nghe có vẻ như đùa trên thực tế lại cực kỳ nghiêm túc. Giảng viên Lego ngoài việc rành xếp các khối “gạch” nhựa nhỏ nhiều màu sắc thành đủ loại mô hình khác nhau, còn phải biết cách tạo cảm hứng để sinh viên cũng “mê chơi” như mình và biến trò chơi thành công cụ giảng dạy.
Cụ thể, Le Figaro dẫn thông cáo của các nhà tuyển dụng về yêu cầu đối với ứng viên: “Giảng viên được tuyển phải là người yêu thích các trò chơi, cực kỳ tò mò, có tâm hồn cởi mở, trí tưởng tượng phong phú, có sự sáng tạo. Người này phải có khả năng nghĩ ra nhiều phương pháp mới lạ để nghiên cứu và làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau”. Ngoài ra, từng làm việc, nghiên cứu, có nhiều bài báo khoa học về tâm lý thanh thiếu niên sẽ là lợi thế để được tuyển.
Mục tiêu về lâu dài của Đại học Cambridge là có thể tác động để chính phủ Anh hướng đến một nền giáo dục tươi vui hơn, chứ không chỉ toàn bài vở, kiểm tra, thi cử. Để đạt được mục tiêu này, cần phải có một đội ngũ giáo viên và các chuyên gia về giáo dục trẻ tuổi, năng động, thích “chơi” và biết hướng dẫn học sinh chơi đúng cách.
Song song với dạy học, giảng viên Lego sẽ điều phối các chương trình nghiên cứu của Pedal, vốn được Đại học Cambridge dành riêng 1,5 triệu bảng.
Chơi để học
Hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng áp dụng trò chơi vào học tập sẽ làm tăng khả năng tiếp thu của người học. Trước đây, phương pháp này chủ yếu áp dụng cho học sinh nhưng ngày càng có nhiều đại học đưa ra các học phần “chơi để học”. Bà Hélène Michel, giáo sư của Trường Quản trị Grenoble (GEM, Pháp), nhận định với Le Figaro: “Không chỉ Lego, ngày nay, bạn hoàn toàn có thể dùng khối rubik trong các giờ giảng dạy về công nghệ hiện đại. Hoặc trò xếp hình Kapla sẽ là cách hướng dẫn hữu hiệu cho sinh viên về quản lý kế hoạch”.
Theo bà Michel, khi được chơi trong giờ học, các bạn trẻ đều cảm thấy hứng thú, giảm hẳn áp lực học tập, không có tâm lý sợ sai như khi thi cử nên phát huy tối đa tính sáng tạo cùng nhiều kỹ năng như làm việc nhóm. Các trò chơi có yếu tố thi đua, xếp loại sẽ cho thấy khả năng vượt qua thử thách và tinh thần cạnh tranh lành mạnh ở sinh viên.
Ngoài ra, tờ The Telegraph dẫn lời nhà nghiên cứu Sergio Pelles của Đại học Lethbridge (Canada) cho biết: “Về mặt sinh học, các trò chơi ảnh hưởng đến sự kết nối giữa các nơ ron thần kinh ở phần trước của não bộ nên giúp kích thích khả năng tư duy”.
Tại Trường Kỹ thuật hàng không và chế tạo xe hơi (ESTACA, Pháp), vừa qua, 25 sinh viên năm cuối đã tham gia “trò chơi lớn” về quy hoạch giao thông của một thành phố ảo đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Còn ở Trường Quản lý Grenoble, để học về cách phối hợp làm việc trong một tập thể, các sinh viên được chia nhóm để thi tài xây “tháp” giấy cao nhất và bảo vệ môi trường tốt nhất (dùng vật liệu tái chế, ít hao nguyên liệu)…
Tại Khoa Quản lý công nghiệp ở Trường Kỹ sư INSA, thành phố Lyon (Pháp), các giảng viên thường xuyên đưa trò chơi vào chương trình giảng dạy. Bên cạnh các trò chơi “thật” nói trên, trò chơi điện tử cũng được nhiều đại học “đặt hàng” để thành dụng cụ giảng dạy: chơi phân vai trong công ty dành cho ngành quản lý nhân sự; trò chơi về giải phẫu học, bệnh học hoặc phòng mổ “ảo” cho sinh viên y khoa…
Lan Chi