11/01/2025

Ăn món ‘độc’ coi chừng ngộ độc!

Nhiều món ăn được xem “độc, lạ” nhưng tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc rất cao, thậm chí dẫn đến tử vong, vẫn được nhiều người, đặc biệt dân nhậu, vô tư dùng.

 

Ăn món ‘độc’ coi chừng ngộ độc!

Nhiều món ăn được xem “độc, lạ” nhưng tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc rất cao, thậm chí dẫn đến tử vong, vẫn được nhiều người, đặc biệt dân nhậu, vô tư dùng.



Bệnh nhân ngộ độc do ăn so biển điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115 (trái) và Bệnh viện Chợ RẫyẢNH: DUY TÍNH

Sành ăn nên… ngộ độc !
Cuối năm 2016, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM) tiếp nhận một vụ ngộ độc “sơn hào hải vị” tập thể. 4 nạn nhân Đ.Q.Q (30 tuổi), H.V.H (29 tuổi), N.V.T (29 tuổi) và H.T.P (59 tuổi, đều ngụ H.Cần Đước, Long An)… nhập viện trong tình trạng tê tay chân, tê lưỡi, được bác sĩ xác định bị ngộ độc do ăn so biển có độc tố.
Bệnh nhân Đ.Q.Q kể, ông được người bạn cho 10 con so, nhưng cứ tưởng là con sam nên đem cho ông P. 2 con, 8 con còn lại thì thả đi. Ông P. mang về luộc, nướng rồi quay lại nhà ông Q. “chiến” cùng 3 bạn nhậu. Sau khi ăn khoảng 30 phút, cả 4 bắt đầu tê lưỡi, tay chân, không đi lại được nên gia đình đưa đi cấp cứu.
Trước đó, khi 6 người ở H.Cần Giờ (TP.HCM) tụ tập nhậu thì một người trong bàn “góp vui” bằng 2 con so biển. Nhầm tưởng là sam nên 4 người “sành ăn” trong bàn quyết định làm thịt. Chỉ một lát sau, có 3 người phải nhập viện vào BV Nhân dân 115 cấp cứu. Một bệnh nhân thật thà: “Tôi chỉ ăn mấy cái que (chân) và trứng thôi nhưng không biết sao lại ngộ độc nặng nhất?”. Lúc nghe bác sĩ giải thích là độc tố tập trung trong trứng so biển thì bệnh nhân mới té ngửa vì mình ăn trúng phần thuộc diện khó chữa nhất.
Không chỉ ngộ độc so biển, một bác sĩ BV Nhân dân 115 cho biết ông từng cấp cứu rất nhiều ca ngộ độc cá nóc từ các tỉnh chuyển lên, mà đa số bệnh nhân là dân biển, rất sành ăn cá. Có lần ông hỏi một bệnh nhân: Sao biết cá nóc có độc mà vẫn ăn, thì người này trả lời tỉnh rụi: “Ngon lắm, do làm không kỹ đó thôi!”.
Chưa có thuốc giải độc
Theo Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế, tại một số địa phương vùng biển của VN vẫn ghi nhận các trường hợp ngộ độc do sử dụng thịt so biển để làm thức ăn mặc dù so biển chứa độc tố gây ngộ độc rất nghiêm trọng. Sam biển, so biển là động vật giáp xác thân mềm, sống ở biển. So có hình dáng rất giống sam biển, nhưng kích thước nhỏ hơn sam và không đi theo thành từng cặp. Chiều dài thân của so biển khoảng 20 – 25 cm (không kể đuôi), toàn thân màu xanh nâu đậm, đuôi không có gờ mặt lưng, tiết diện cắt ngang của đuôi có dạng hình trứng hay tròn.
Trong so biển có độc tố tetrodotoxin (như độc tính của độc tố ở cá nóc), tan trong nước, không bị nhiệt phá hủy (nấu chín hay phơi khô, sấy, độc chất vẫn tồn tại), là một độc tố thần kinh mạnh, có khả năng gây liệt cơ hô hấp, ngưng thở, gây tử vong nhanh với liều độc rất thấp. Hiện nay chưa có thuốc giải độc.
Tetrodotoxin là chất độc thần kinh, rất độc, gây tử vong cao, chất này cũng được phân lập từ một số loại vi khuẩn như: Epiphytic bacterium, Vibrio species, Pseudomonas species; có ở da và nội tạng con sa giông, kỳ nhông, bạch tuộc vòng xanh, cóc, cá nóc… “Người dân cần có kiến thức phân biệt sam biển và so biển trong lựa chọn thực phẩm. Tuyệt đối không được dùng so biển làm nguyên liệu thực phẩm dưới bất kỳ hình thức nào”, Cục ATTP khuyến cáo.
Cục ATTP cũng lưu ý nhiều nơi còn sử dụng côn trùng làm thức ăn (ví dụ như nhộng), tuy nhiên côn trùng cũng có thể gây dị ứng tùy thuộc cơ địa từng người. Với côn trùng bắt ngoài tự nhiên, trên thân của chúng có thể đã bị nhiễm nấm độc, nhiễm ký sinh trùng (giun tròn, rận, ve…). Vì thế, khi sử dụng làm thức ăn, nếu không xử lý sạch sẽ có thể dẫn đến ngộ độc, thậm chí là tử vong; đặc biệt, không được ăn tái sống.
Trong khi đó, trao đổi với PV Thanh Niên, TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới BV Chợ Rẫy, cho biết ngộ độc thức ăn có 2 dạng: nhẹ thì ói, mệt, đau bụng, tiêu chảy, đau đầu; còn nặng sẽ làm run tay chân, chóng mặt, hoa mắt, tim đập nhanh, sau đó đi vào sốt nhanh, hôn mê…
Theo TS-BS Hùng, BV hay gặp các trường hợp ngộ độc thức ăn những loại như: nấm độc, so biển, các loại côn trùng… Có trường hợp cả gia đình ở Đắk Lắk cùng nhập viện sau khi uống… mật nưa vì nghĩ là mật trăn (!), trong đó có ký sinh trùng gây độc. Ở vùng ĐBSCL, nhiều người hay bị ngộ độc nhộng ve sầu nhiễm ký sinh trùng…
“Việc điều trị ngộ độc các loại thức ăn “độc, lạ” này hiện chưa có thuốc giải độc cấp thời, chỉ điều trị triệu chứng cho ổn định, đôi khi phải đặt máy tạo nhịp tim với bệnh nhân nặng”, BS Hùng nói và khuyến cáo: “Ăn phải biết nguồn gốc thực phẩm, nhất là rau lạ, nấm lạ, côn trùng lạ. Cho dù các loại thức ăn đã biết rõ nhưng cần lựa chọn đồ tươi sống, rửa kỹ, nấu chín mới dùng và không ăn đồ ăn ôi thiu”.
Phù nề não do ăn ốc ma
BV Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) cũng cấp cứu rất nhiều trường hợp ăn ốc ma (một loại ốc sên hay bò quanh vườn nhà). Bệnh nhân nhập viện thường trong tình trạng lơ mơ, hôn mê, có người sống thực vật.
Cùng ăn ốc ma và cùng nhập viện trong tình trạng thập tử nhất sinh là bệnh nhân H.V.N và L.T.Đ (trọ Q.Gò Vấp, TP.HCM). Trong một chiều tối mưa hai ông ngồi nhậu, khi hết mồi thấy có 2 con ốc ma bò vào sân nên cả hai liền bắt, làm mồi nhắm. Con đầu tiên ông N. ăn phần đầu, ông Đ. ăn phần đuôi. Đến con thứ 2 chia nhau ngược lại. Sau khi ăn xong, cả hai đều có biểu hiện nhức đầu, sốt và ói mửa, đến lúc chịu không nổi thì gia đình vội đưa đi BV cấp cứu. Các ông đã điều trị ở 3 BV, cuối cùng được chuyển đến Khoa Nhiễm Việt – Anh, BV Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) trong tình trạng hôn mê, thở máy. Các bác sĩ cho biết 2 bệnh nhân này bị nhiễm ký sinh trùng làm viêm màng não, phù nề!

 

Duy Tính – Liên Châu