12/01/2025

Ngăn chặn ngộ độc hoá chất paraquat

Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cho biết gần như ngày nào tại đây cũng tiếp nhận cấp cứu điều trị cho bệnh nhân ngộ độc paraquat (trong thuốc diệt cỏ).

 

Ngăn chặn ngộ độc hoá chất paraquat

Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cho biết gần như ngày nào tại đây cũng tiếp nhận cấp cứu điều trị cho bệnh nhân ngộ độc paraquat (trong thuốc diệt cỏ).



Theo các bác sĩ, các trường hợp ngộ độc paraquat rất đáng lo ngại do tỷ lệ tử vong rất cao, lên đến 70 – 90%.
 
 
Theo dữ liệu khoa học do Cục Bảo vệ thực vật cung cấp, các hoạt chất 2,4 D và paraquat có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, vật nuôi, hệ sinh thái môi trường sẽ không được đăng ký vào danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại VN. Các loại thuốc bảo vệ thực vật có các hoạt chất này nằm trong phụ lục 3 của Công ước Rotterdam, cảnh báo với Tổ chức Nông nghiệp và lương thực Liên Hiệp Quốc (FAO), Chương trình môi trường của Liên Hiệp Quốc (UNEP), Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
 

Những người cứu sống được thì chi phí điều trị cũng rất lớn. Riêng chi phí lọc máu điều trị ngộ độc paraquat có thể lên đến 100 triệu đồng/đợt điều trị. Sau khi được cứu sống, bệnh nhân vẫn có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng do tác hại của hóa chất này.

Theo TS-BS Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, rất đáng tiếc cho các ca ngộ độc paraquat, bởi các trường hợp này trước khi nhập viện chỉ uống hóa chất này trong lúc tâm lý bất ổn, không ý thức được về hành vi của mình, không thể ngờ được là hóa chất này gây tử vong rất cao. Có những bệnh nhân trẻ tuổi vào viện điều trị tỉnh táo, mong muốn được chữa khỏi nhưng vẫn không qua khỏi. TS Phạm Duệ nhận xét, ở liều độc mạnh, bệnh nhân tử vong bởi ngộ độc cấp tính do suy đa tạng (gan, thận, phổi). Hóa chất này rất có áp lực với phổi, lưu giữ trong phổi gây tổn thương phổi, làm xơ phổi, khiến bệnh nhân có thể tử vong do ngưng thở. TS Phạm Duệ cho rằng, với một hoá chất gây ngộ độc như paraquat cần phải có phương thức quản lý chặt chẽ việc mua bán để ngăn chặn các nguy cơ đến sức khỏe người hoặc phải được thay thế bằng hóa chất khác như các nước đã thực hiện.
Không được phép sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất 2,4 D và paraquat
Theo quyết định do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường ký và có liệu lực từ ngày 8.2.2017, Bộ NN-PTNT quyết định loại toàn bộ các thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất 2,4 D và paraquat ra khỏi danh mục được phép sử dụng tại VN. Theo đó, các doanh nghiệp chỉ được phép nhập khẩu tối đa các loại hoạt chất này là 1 năm và buôn bán, sử dụng tối đa là 2 năm tính từ ngày quyết định có hiệu lực.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), khẳng định ngành nông nghiệp không tuỳ tiện đưa ra mức thời hạn trong quyết định loại bỏ hoạt chất 2,4 D và paraquat, mà tuân thủ đúng với các quy định pháp luật và đảm bảo lộ trình, thời gian cho các doanh nghiệp thích nghi, từng bước loại bỏ các sản phẩm có các hoạt chất này.
Cũng theo ông Hoàng Trung, dù đã được cảnh báo về ảnh hưởng của hoạt chất 2,4 D và paraquat trong vài năm trở lại đây, nhưng phải đến ngày 1.1.2015, khi luật Kiểm dịch thực vật chính thức có hiệu lực thì Cục Bảo vệ thực vật mới có đủ cơ sở pháp lý để thu thập các dữ liệu khoa học, tham khảo từ các tổ chức quốc tế để chính thức quyết định loại bỏ các hoạt chất này. Trước thời điểm năm 2015, rất khó có đủ cơ sở pháp lý để loại bỏ các hoạt chất gây hại. Đây cũng là lý do ngành nông nghiệp phải đề xuất xây dựng luật Kiểm dịch thực vật.
“Mức thời hạn cho phép các doanh nghiệp chỉ được sản xuất, nhập khẩu tối đa 1 năm và được buôn bán, sử dụng tối đa từ 2 năm kể từ ngày có quyết định loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật sử dụng tại VN được thực hiện theo khoản 3, điều 7 Thông tư 21 quy định về quản lý thuốc bảo vệ thực vật ban hành ngày 8.6.2015 của Bộ NN-PTNT”, ông Trung nói.
Ông Hoàng Trung cũng cho rằng, hiện tại trên thị trường hoạt chất 2,4 D có trong 36 sản phẩm thương mại và hoạt chất paraquat đang có trong 46 sản phẩm thương mại. Các hoạt chất này vào VN phải qua con đường nhập khẩu chứ không thể tự sản xuất được.

 

Liên Châu – Phan Hậu