11/01/2025

Rà soát công trình trường học sau vụ học trò sụp bồn cầu

Lãnh đạo Cục Cơ sở vật chất và thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em (Bộ GD-ĐT) sẽ yêu cầu các địa phương thực hiện điều này, sau vụ một học sinh 6 tuổi ở Đắk Lắk bị sụp bồn cầu mới đây.

 

Rà soát công trình trường học sau vụ học trò sụp bồn cầu

 Lãnh đạo Cục Cơ sở vật chất và thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em (Bộ GD-ĐT) sẽ yêu cầu các địa phương thực hiện điều này, sau vụ một học sinh 6 tuổi ở Đắk Lắk bị sụp bồn cầu mới đây.

 

 

 

Rà soát công trình trường học sau vụ học trò sụp bồn cầu
Được xây dựng từ những năm 1980, Trường tiểu học Võ Thị Sáu (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đã xuống cấp trầm trọng. Trong ảnh: nhân viên bảo vệ của Trường Võ Thị Sáu dùng tay bóc dễ dàng từng mảng vữa trong một phòng học – Ảnh: THÁI BÁ DŨNG

Sự việc một học sinh ở Đắk Lắk bị tai nạn sụt bồn cầu vệ sinh khiến dư luận lo ngại về chất lượng công trình trường học. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Hùng Anh – phó cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em Bộ GD-ĐT – cho biết:

– Ngay sau khi sự việc xảy ra ở Trường mầm non Krông Ana (Đắk Lắk), chúng tôi đã tìm hiểu, được biết trường giáo dục mầm non này tiếp nhận lại cơ sở vật chất của trường tiểu học cũ. Quá trình cải tạo từ một cơ sở giáo dục tiểu học thành trường mầm non không được thực hiện đúng quy định nên chất lượng không đảm bảo.

Bộ sẽ chỉ đạo các địa phương rà soát lại toàn bộ cơ sở vật chất của các nhà trường, kiên quyết không đưa vào sử dụng các công trình xuống cấp hoặc kém chất lượng. Đặc biệt là các công trình chuyển đổi mục đích sang làm trường mầm non và tiểu học.

* Hiện đang có không ít trường học không có nhà vệ sinh, trường tiểu học và trường trung học thiết kế như nhau không lưu ý những đặc thù của đối tượng sử dụng. Bất cập này nên xử lý như thế nào?

– Thống kê của ngành GD-ĐT cho thấy tất cả trường học đều có nhà vệ sinh, cơ bản hệ thống vệ sinh trường học đạt yêu cầu. Tuy nhiên mức độ là có khác nhau, vẫn còn nhiều nơi chỉ là nhà vệ sinh tạm bợ.

Trong các thông tư ban hành điều lệ trường học của Bộ GD-ĐT đều đề cập đến yêu cầu về cơ sở vật chất cho trường học nói chung và nhà vệ sinh nói riêng, trong đó phải có nhà vệ sinh nam nữ riêng biệt, kể cả nhà vệ sinh cho cán bộ, giáo viên. Kiểm tra tại các địa phương, cơ bản thực hiện đúng yêu cầu này.

Rà soát công trình trường học sau vụ học trò sụp bồn cầu
Nhà vệ sinh tại Trường mầm non Krông Ana xuống cấp gây tai nạn cho cháu bé 6 tuổi vào ngày 6-2 – Ảnh: THÁI THỊNH

Thiết kế trường học cũng được quy định chi tiết cho từng cấp học, có tính đến tính đặc thù của từng cấp, từng đối tượng sử dụng. Những bất cập như bancông, hành lang… chưa phù hợp với từng cấp học chỉ xảy ra với các công trình được cải tạo từ các công trình khác thành trường tiểu học, trường mầm non, tương tự như trường vừa xảy ra tai nạn cho học sinh ở Đắk Lắk.

Với những khó khăn về kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, việc tái sử dụng các công trình khác thành trường học là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, quá trình sửa chữa, cải tạo cần được đặt ra chặt chẽ hơn và bám sát các quy định để đảm bảo hiệu quả sử dụng cũng như hệ số an toàn.

* Ông có thể cho biết hiện nay có các quy định bắt buộc như thế nào trong việc thiết kế, xây dựng các công trình trong trường học?

– Bộ Khoa học – công nghệ đã công bố tiêu chuẩn quốc gia (trên cơ sở đề xuất của Bộ Xây dựng) về thiết kế trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học để các cơ quan hữu trách tham khảo áp dụng trong quá trình phê duyệt, thẩm định, thẩm tra, thiết kế, xây dựng trường học.

Bộ GD-ĐT cũng ban hành bộ mẫu thiết kế nhà vệ sinh cho các cơ sở giáo dục để áp dụng trong quá trình thiết kế, xây dựng nhà vệ sinh. Nhưng trên thực tế có nhiều yếu tố khách quan và chủ quan dẫn đến việc công tác vệ sinh môi trường trường học chưa được quan tâm đúng mực, nên việc tham khảo tiêu chuẩn, bộ mẫu thiết kế chưa được chú trọng.

* Các dự án xây dựng trường học mới hiện nay được phân cấp cho địa phương. Vậy vai trò của ngành GD-ĐT trong việc tham vấn, giám sát để công trình phù hợp với nhà trường các cấp như thế nào?

– Đối với các chương trình, đề án, dự án (bao gồm cả dự án sử dụng vốn ODA) về phát triển giáo dục (mầm non, phổ thông) do Chính phủ hoặc Bộ GD-ĐT phê duyệt, Bộ GD-ĐT đều thành lập đoàn kiểm tra hoặc thuê tư vấn kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng các công trình xây dựng trước khi đưa vào sử dụng. Những dự án xây dựng trường học thuộc dự án dân dụng, có quy mô nhỏ thì được phân cấp cho địa phương.

Nhiều địa phương còn thực hiện phân cấp việc đầu tư xây dựng cho cấp huyện và cấp xã. Theo quy định, việc đầu tư xây dựng được thực hiện theo một quy trình rất chặt chẽ từ việc lập dự án đến nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng.

Trên thực tế, quy trình này không phải ở đâu, lúc nào cũng được thực hiện nghiêm túc, hậu quả là có những công trình kém chất lượng.

Theo Luật đầu tư công, Luật xây dựng và các văn bản hướng dẫn dưới luật, việc quản lý các dự án đầu tư (bao gồm dự án đầu tư xây dựng) được phân cấp rõ ràng. Đối với những công trình xây dựng trường học do địa phương quyết định đầu tư thì địa phương có trách nhiệm giám sát chất lượng công trình.

Với sự phân cấp này, rõ ràng vai trò tham vấn, giám sát của ngành giáo dục là mờ nhạt, chủ yếu chỉ đề xuất (hoặc xin) đầu tư, lựa chọn địa điểm xây dựng và nhận công trình sau khi hoàn thành.

* Vậy ngành GD-ĐT có kiến nghị gì để điều chỉnh các quy định nhằm giải quyết các bất cập của các công trình trong trường học?

– Bộ GD-ĐT đề nghị Nhà nước tiếp tục tăng cường đầu tư cho giáo dục, nhất là giáo dục vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn để từng bước khắc phục sự thiếu hụt về cơ sở vật chất trường học.

Đề nghị các địa phương rà soát và kiên quyết loại bỏ các công trình không đảm bảo chất lượng, không an toàn trong các cơ sở giáo dục. Đồng thời tăng kinh phí để cải tạo, sửa chữa các công trình xuống cấp, thiếu an toàn, xây mới các công trình còn thiếu.

Cần lưu ý khi cải tạo các công trình khác thành trường học cần tuân thủ đúng các yêu cầu của thiết kế trường học, đáp ứng mục đích và tính đặc thù của đối tượng sử dụng.

VĨNH HÀ thực hiện