12/01/2025

Làm gì để Huế “sống” về đêm?

“Tôi đồng tình và ủng hộ việc TP Huế vận động bật đèn chiếu sáng mặt tiền nhà vào các ngày cuối tuần và dịp lễ tết để làm cho TP đẹp hơn về đêm…”.

 

Làm gì để Huế “sống” về đêm?

 “Tôi đồng tình và ủng hộ việc TP Huế vận động bật đèn chiếu sáng mặt tiền nhà vào các ngày cuối tuần và dịp lễ tết để làm cho TP đẹp hơn về đêm…”. 

 

 

Làm gì để Huế "sống" về đêm?
Nếu hai bờ sông Hương được chiếu sáng bằng ánh sáng nghệ thuật thì đó sẽ là một sản phẩm du lịch độc đáo của Huế – Ảnh: Trương Vững

UBND TP Huế vừa ban hành công văn vận động các cơ quan và người dân tổ chức chiếu sáng mặt tiền trụ sở, nhà ở vào các đêm cuối tuần và dịp lễ, tết để làm cho TP đẹp và sáng hơn. Báo Tuổi Trẻ đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc, trong đó phần đông là người dân Huế, bàn luận về câu chuyện này.

* Anh Huỳnh Tâm Quốc Đình (164 Bà Triệu, TP Huế):

Chỉ cần tắt vài bóng đèn trong nhà

Tôi đồng tình và ủng hộ việc TP Huế vận động bật đèn chiếu sáng mặt tiền nhà vào các ngày cuối tuần và dịp lễ tết để làm cho TP đẹp hơn về đêm. Có người nói tiền điện sẽ tăng, tôi nghĩ chúng ta chỉ cần tắt một vài bóng đèn lâu nay sử dụng hơi lãng phí trong nhà là đủ bù cho mấy bóng tăng thêm ở mặt tiền. Như vậy, vừa đẹp nhà mình mà cũng góp phần cho TP trở nên sáng sủa hơn.

Làm gì để Huế "sống" về đêm?
Anh Huỳnh Tâm Quốc Đình – Ảnh: Minh An

Tuy nhiên, tôi đang băn khoăn là chọn đèn gì, trang trí như thế nào cho đồng bộ cả tuyến phố. Chứ mỗi nhà một kiểu thì có khi sẽ tạo ra cảnh lộn xộn, lãng phí. Vì vậy, TP cần có quy định và hướng dẫn rõ ràng cho người dân biết thực hiện. Ngoài ra, cần xem xét hỗ trợ một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn khi tham gia việc thắp sáng TP về đêm. Bởi với một vài gia đình nghèo, chi phí tiền điện cũng là một khoản không hề nhỏ.

Tôi cũng đề nghị ngoài những tuyến đường chính nằm ở trung tâm TP, cần phải lưu ý thắp sáng cho những tuyến đường dẫn ra ngoại ô như đường từ TP về cầu ngói Thanh Toàn, đường từ cầu vượt Thủy Dương lên cầu Lim, đường lên các lăng tẩm… Đấy chính là những con đường du lịch, luôn có du khách đi lại về đêm. Buổi tối đi qua các con đường này tối om, thấy rất nguy hiểm, không chỉ nguy cơ tai nạn giao thông mà còn tiềm ẩn các đe doạ khác. Nếu làm được điều này, tôi tin TP Huế sẽ “ghi điểm” trong lòng người dân lẫn du khách.

* Ông Phan Thiên Định (giám đốc Sở Kế hoạch – đầu tư Thừa Thiên – Huế):

Đã đặt hàng hệ thống chiếu sáng

TP Huế vẫn còn quá tối về đêm. Đây là điểm bất lợi cho phát triển du lịch – một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Chiếu sáng cho TP về đêm không chỉ là câu chuyện sáng hay tối, mà còn là cách thức để thay đổi nếp sống con người Huế theo hướng năng động hơn, hoà vào dòng chảy chung của các đô thị lớn. Những năm qua, UBND TP Huế đã nỗ lực đầu tư, nâng cấp các hệ thống chiếu sáng công cộng, tuy nhiên vẫn chưa đủ làm nên một TP lung linh, hấp dẫn về đêm. Cần có sự chung tay, góp sức của mọi đơn vị, cá nhân vào cuộc làm đẹp, làm “sống” TP về đêm này.

Làm gì để Huế "sống" về đêm?
Ông Phan Thiên Định – Ảnh: NVCC

Sở Kế hoạch – đầu tư đã đặt hàng cho đơn vị tư vấn thiết kế và thi công hệ thống chiếu sáng mỹ thuật cho trụ sở của mình theo yêu cầu: đẹp, tiết kiệm, hiệu quả. Để đảm bảo chi phí cho việc này, chúng tôi đang rà soát và xây dựng phương án tiết kiệm điện, tiết kiệm chi phí hoạt động văn phòng, duy trì hoạt động của sở trong phạm vi kinh phí đã được phân bổ theo định mức từ đầu năm. Tôi cho rằng không có khó khăn gì nếu chúng ta ý thức được tầm quan trọng của việc chiếu sáng công sở, và biết cách thu xếp các khoản chi tiêu cơ quan một cách hợp lý.

* Ông Nguyễn Hồng Sơn (giám đốc Công ty CP Môi trường và công trình đô thị Huế):

Đừng lo ô nhiễm 
ánh sáng

Ô nhiễm ánh sáng tức là chiếu sáng một cách bất hợp lý dẫn đến việc thừa sáng, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Hiện nay, chiếu sáng công cộng ở TP Huế vẫn chưa đạt được như mong muốn của một TP du lịch thì làm sao mà thừa? Hơn nữa, việc chiếu sáng ở đây chủ yếu diễn ra ở nơi công cộng, không ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt của người dân, nên sẽ không lo xảy ra ô nhiễm ánh sáng.

Việc bật cùng lúc nhiều bóng đèn vào cuối tuần, dịp lễ, tết thì chắc chắn lượng điện tiêu hao cũng sẽ tăng hơn so với bình thường. Tuy nhiên, việc tăng nhiều hay không còn tùy thuộc vào loại bóng đèn sử dụng. Ví dụ, trong cùng một thời gian, hệ thống chiếu sáng sử dụng đèn LED sẽ tiết kiệm điện năng hơn so với bóng đèn huỳnh quang hay đèn dây tóc. Tất nhiên, TP vẫn sẽ quản lý, kiểm soát việc lắp đặt hệ thống đèn của các công sở và nhà dân, tránh những trường hợp trang trí hay chiếu sáng quá lòe loẹt, phản cảm.

* Ông Lê Thanh Tâm (giám đốc Trung tâm
Tư vấn công nghiệp và tiết kiệm
năng lượng – Sở Công thương Thừa Thiên – Huế):

Cần phải có quy hoạch chiếu sáng đô thị

Đây là một ý tưởng tốt, nhằm làm cho Huế sáng nhiều lên về đêm. Tuy nhiên, việc triển khai tiềm ẩn những bất cập do chưa tính đến các điều kiện về kỹ thuật vận hành điện năng, về quy chuẩn chiếu sáng đô thị, và các yếu tố khác nảy sinh khi áp dụng. Đầu buổi tối là thời kỳ cao điểm sử dụng điện, nếu hàng loạt nhà dân và công sở đồng loạt bật điện thì nguồn điện sử dụng sẽ tăng cao, sẽ gây quá tải và sụt áp khu vực, dẫn đến cháy nổ, mất an toàn điện. Và nếu nhu cầu điện của TP tăng cao thì buộc phải cắt giảm bớt điện ở nông thôn như đã từng xảy ra vào các dịp lễ hội lớn.

Làm gì để Huế "sống" về đêm?
Ông Lê Thanh Tâm – Ảnh: NVCC

Theo tôi, trước hết TP Huế cần phải có quy hoạch về chiếu sáng đô thị cho một TP đặc trưng: TP festival. Trên cơ sở đó mới có thể xây dựng các phương án chiếu sáng công cộng, chiếu sáng nghệ thuật, có điểm nhấn, chứ không phải là cả TP đồng loạt sáng rực lên sẽ gây ô nhiễm ánh sáng. Cần phải có một cơ quan chuyên trách về chiếu sáng đô thị để quản lý quy hoạch chiếu sáng đô thị và điều phối nguồn điện chiếu sáng của toàn TP. Với người dân, cần phải có hướng dẫn cho họ về việc tham gia chiếu sáng bằng các mô hình, vật tư, chi phí phù hợp. Trong khi chưa có các điều kiện cần đó thì chỉ nên vận động người dân tham gia chiếu sáng trong các ngõ hẻm, nơi đang rất cần chiếu sáng để hạn chế tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội. Người dân chịu chi phí vật tư, Nhà nước trả tiền điện.

Ở các nước phát triển, chiếu sáng đô thị có định mức công suất vào giờ cao điểm tối (từ 18-22 giờ đêm) để đảm bảo an toàn vận hành hệ thống điện. Muốn chiếu sáng nhiều hơn thì buộc phải sử dụng các nguồn năng lượng khác (ngoài điện lưới) như điện mặt trời, điện gió, điện khí sinh học…

“Chuyện bật điện chiếu sáng mặt tiền trụ sở, nhà ở vào các ngày cuối tuần là rất cần thiết, lẽ ra phải làm từ lâu rồi chứ không phải bây giờ. Nhiều du khách đến Huế lâu nay cũng than phiền vì sao một thành phố du lịch nhưng ánh sáng về đêm quá kém làm mất đi không khí nhộn nhịp, sôi động

Ông Lê Xuân Phương (giám đốc Công ty cổ phần du lịch DMZ)

* Ông Nguyễn Văn Thành (chủ tịch UBND TP Huế)Ưu tiên chiếu sáng khu vực sông Hương

Trước mắt, TP Huế sẽ điều chỉnh chế độ vận hành của hệ thống chiếu sáng công cộng do TP trực tiếp quản lý như hệ thống đèn chiếu sáng trong công viên, đèn công cộng, đèn giao thông… để phù hợp với lượng điện và ánh sáng tăng thêm. Đồng thời, TP sẽ lập những dự án nhỏ trong điều kiện kinh phí cho phép để lắp đặt, trang trí thêm hệ thống đèn chiếu sáng dọc hai bờ sông Hương. Cần ưu tiên trước cho khu vực này, nơi có khu chợ đêm, phố đi bộ và các công viên dọc hai bờ sông được xem là linh hồn của TP du lịch Huế về đêm.

Làm gì để Huế "sống" về đêm?
Ông Nguyễn Văn Thành – Ảnh: N.Linh

Chúng tôi cũng đã làm việc với Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế để tăng cường chiếu sáng các kiến trúc kinh thành, cung điện, kỳ đài… về đêm, vào các ngày cuối tuần và dịp lễ, tết – thời điểm có lượng khách du lịch đến đây rất đông. Ngoài ra, các khách sạn, công sở và nhà dân cũng được vận động bật đèn chiếu sáng vào cuối tuần để cho TP rực rỡ hơn. Đặc biệt có một số khách sạn, nhà hàng ở mặt tiền trục đường chính Lê Lợi sẽ trang trí thêm hệ thống điện chiếu sáng nghệ thuật. Chi phí cho việc lắp đặt này sẽ được TP hỗ trợ một phần từ nguồn kinh phí chiếu sáng công cộng.

Sau khi TP ban hành công văn vận động đã nhận được sự hưởng ứng của hầu hết các cơ quan, đơn vị có trụ sở đặt tại địa bàn TP. Quan điểm của UBND TP Huế là tiết kiệm điện trong sinh hoạt và tiêu dùng chứ không nên tiết kiệm điện chiếu sáng đường phố và giao thông. An toàn cho người dân khi đi trên đường phố là vô cùng quan trọng. Một mạng người bằng bao nhiêu tiền điện nếu xảy ra tai nạn giao thông chỉ do đường tối? Chưa kể điện sáng sẽ làm giảm thiểu rất nhiều tệ nạn xã hội như ma tuý, mại dâm, cướp giật…

M.TỰ – NH.LINH – M.AN ghi