11/01/2025

Chấn chỉnh và cách tân lễ hội

Nhà quản lý cho rằng sắp tới cần tiếp tục vận động thay đổi, thậm chí không cho phép tổ chức các hình thức trục lợi trá hình hoặc truyền bá tư tưởng lạc hậu trong lễ hội.

 

Chấn chỉnh và cách tân lễ hội

Nhà quản lý cho rằng sắp tới cần tiếp tục vận động thay đổi, thậm chí không cho phép tổ chức các hình thức trục lợi trá hình hoặc truyền bá tư tưởng lạc hậu trong lễ hội.



Chen nhau xông vào cướp lộc ở hội Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội)  /// Ảnh: Thành Phạm

Chen nhau xông vào cướp lộc ở hội Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội)ẢNH: THÀNH PHẠM

Thiếu văn hoá và trục lợi
Năm nay, lễ hội Đúc Bụt tại miếu Bà thờ công chúa Ngọc Kinh vẫn diễn ra như thường lệ tại H.Tam Dương, Vĩnh Phúc. Vào chính hội ngày 8 tết âm lịch, người người tụ tập tại đây và tranh lộc từ một chiếc chiếu.
Tương truyền, ai có được dù chỉ một sợi cói từ chiếc chiếu đó sẽ sinh con trai. Không gây đổ máu, ai được lộc cũng tươi roi rói, nhưng chuyên gia cho rằng đây là một lễ hội mang tư tưởng lạc hậu. Cụ thể, nó cho thấy tư tưởng trọng nam khinh nữ, một biểu hiện bất bình đẳng giới.
“Có những người tự nhiên thích con trai nhưng một hoạt động có tổ chức, mang tính cộng đồng mà khuyến khích người ta cố gắng để có được cơ may có con trai thì rõ ràng là cổ vũ cho bất bình đẳng giới rồi”, bà Khuất Thị Hải Oanh, một chuyên gia về bình đẳng giới, chia sẻ.
Mùa lễ hội năm nay, các màn tranh cướp lộc vẫn tiếp diễn liên tục. Tại chùa Hương, rất nhiều phật tử đã giành giật những dây đeo cổ có mặt Phật. Tại hội Gióng, việc giành nhau hoa tre vẫn tiếp tục. “Ban tổ chức hội Gióng đã yêu cầu những người rước hoa tre không được lấy lộc này mà để cho người khác. Tuy nhiên, vẫn xảy ra chen lấn lộn xộn”, ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, nói.
Ngoài chen lấn xô đẩy, mùa lễ hội năm nay còn làm nhiều người ngao ngán vì “dịch” khai ấn tràn lan mới được “thêm” vào. Theo các chuyên gia, nghi thức khai ấn thường chỉ có giá trị như việc đánh dấu một sự khởi đầu mới chứ không phải ban “thăng quan tiến chức” như một số nơi tuyên truyền. Bản thân việc lễ hội có khai ấn cũng được tổ chức lộn xộn, thậm chí thành trò hề khi trên mặt ấn tại Quảng Ninh có 6 chữ thì tới 2 chữ khắc sai. Một trường hợp khác, tại đền Quang Trung (Nghệ An) chen lấn đã diễn ra trong lễ phát ấn, và lễ phát ấn này theo người quản lý di tích chính là để thu hút người dân. “Tôi cũng không hiểu sao nhiều người có thể mê muội vì những lá ấn như thế. Chúng tôi đã lên tiếng nhiều năm và bây giờ thấy rất chán”, TS Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo, nói.
Chấn chỉnh và cách tân lễ hội - ảnh 1

Lá ấn có 6 chữ thì sai đến 2 ở Quảng NinhẢNH: THU GIANG

Cũng trong mùa lễ hội năm nay, khi các lễ hội có hiến sinh đã bị Bộ VH-TT-DL quyết không cấp phép từ năm ngoái thì một đoạn phim treo cổ trâu lại lan truyền trên mạng. Thông tin từ Cục Văn hóa cơ sở cho thấy, đó là một nghi thức diễn ra tại đền Đông Cuông, Yên Bái. Về việc treo cổ trâu này, TS Trần Hữu Sơn (Phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian) cho rằng, một nghi thức tại cộng đồng như vậy có thể gây sốc với những người dân từ cộng đồng khác. Điều đó cũng lý giải tại sao hình ảnh về lễ hội truyền thống đang xấu dần trong mắt nhiều người.
Thay đổi hoặc không được cấp phép
TS Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa, cho rằng theo thời gian đúng là có những tập tục, lễ hội không còn phù hợp và nên thay đổi. Bản thân bà Lý cũng là người đã thuyết phục người dân ở Ném Thượng không đưa nghi thức hiến sinh lợn ra làm ở giữa sân đình nữa. “Chúng tôi đã tìm lại các văn bản, tư liệu xưa. Sau đó, chúng tôi chỉ ra cho người dân thấy trước đây không có chuyện mang lợn ra giết giữa sân đình để hiến tết như vậy. Sau đó người dân thay đổi. Họ đem lợn vào giết nơi kín đáo hơn”, bà Lý cho biết.
Trường hợp video treo cổ trâu gây xôn xao vừa qua, bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VH-TT-DL, cho rằng đó là video được quay từ những năm trước. “Năm ngoái chúng tôi đã ra văn bản và không cho tổ chức các lễ hội có yếu tố hiến sinh như vậy. Năm nay chắc chắn lễ hội ở Đông Cuông không có việc treo cổ trâu”, bà Thủy khẳng định.
Với hội Gióng, dù năm nay có lộn xộn cũng không thể không ghi nhận việc tranh cướp hoa tre đã bớt náo loạn hơn những năm trước. Đó cũng là nhờ việc Hà Nội đã có vận động bà con không ẩu đả để cướp lộc. Tuy nhiên, theo ông Tiến, nếu việc cướp lộc vẫn lộn xộn như năm nay, chắc chắn năm tới sẽ phải thay đổi, cách tân để không tiếp diễn tình trạng bạo lực như vậy.
Chấn chỉnh và cách tân lễ hội - ảnh 2

Tranh cướp chiếu tại lễ hội Đúc Bụt để mong sinh con traiẢNH: THÀNH PHẠM

Về lễ hội cướp lộc để cầu con trai, theo bà Trịnh Thị Thuỷ, chắc chắn việc tồn tại ý nghĩa lộc như thế là vi phạm chính sách bình đẳng giới. Chính vì thế, bà Thủy cho biết đơn vị của bà sẽ làm văn bản yêu cầu địa phương thay đổi điều đó. “Nếu lộc đó mang một ý nghĩa khác đi, chẳng hạn như cầu mong gia đình hạnh phúc… thì sẽ khác”, bà Thuỷ nói.
“Dịch khai ấn” là điều làm nhiều nhà nghiên cứu đau đầu nhất năm nay. Họ cho rằng cho dù không niêm yết giá nhưng yếu tố thương mại hoá thể hiện trong các lễ khai ấn khá rõ ràng. Về điều này, quan điểm của bà Thuỷ: “Đấy là một hình thức biến tướng, lạm dụng phát ấn để trục lợi”.
Bà Thuỷ cho biết khi thấy lễ hội có khai ấn có nguy cơ lộn xộn thì có thể không cho tổ chức. “Điều đó hoàn toàn thuộc thẩm quyền xử lý của ngành văn hoá. Về phía cơ quan quản lý nhà nước thì hoàn toàn có quyền kiểm tra, xác minh và xử lý những biến tướng, lộn xộn đó”, bà Thuỷ nói. Theo khảo sát của Thanh Niên, hầu hết các lễ hội phát ấn đều phát lên tới con số hàng vạn ấn.
“Đóng ấn nhiều nơi là hiện tượng trục lợi biến tướng”, bà Thuỷ nói và cho biết sẽ có văn bản nhắc nhở các địa phương về những hiện tượng loạn lễ hội này.

 

Trinh Nguyễn