11/01/2025

Bác sĩ đòi chi đủ ‘hoa hồng’

Một bác sĩ của Bệnh viện Q.5, TP.HCM đã làm như vậy khi không nhận được đủ “hoa hồng” trên số lượng sản phẩm mà ông này kê toa cho bệnh nhân khi đến khám bệnh ở Bệnh viện Q.5.

 

Bác sĩ đòi chi đủ ‘hoa hồng’

Một bác sĩ của Bệnh viện Q.5, TP.HCM đã làm như vậy khi không nhận được đủ “hoa hồng” trên số lượng sản phẩm mà ông này kê toa cho bệnh nhân khi đến khám bệnh ở Bệnh viện Q.5.

 

 

Bác sĩ đòi chi đủ 'hoa hồng'
Toa thuốc của bà N.T.M. được bác sĩ T. viết nguệch ngoạc trong sổ khám bệnh không thể đọc được chữ gì và thư tay do bác sĩ A.G.T. viết gửi cho công ty B đề nghị xem lại số lượng hoa hồng – Ảnh: L.TH.H.

Sản phẩm mà bác sĩ này kê toa là thực phẩm chức năng (gọi tắt sản phẩm A) được một công ty dược phẩm (gọi tắt công ty B) nhập về và quảng cáo rầm rộ.

Theo báo giá của công ty B, sản phẩm A được đóng hộp lọ 30 viên, giá bán 330.000 đồng, giúp cải thiện mất ngủ, đau nửa đầu, suy giảm trí nhớ.

“Xin công ty xem lại”

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, người thường xuyên kê toa sản phẩm A cho bệnh nhân là bác sĩ A.G.T., khoa mắt Bệnh viện Q.5.

Sáng 6-2, bà N.T.M. (52 tuổi, Q.Phú Nhuận) đến khám mắt tại phòng số 11. Bà M. được một điều dưỡng kiểm tra thị lực và bác sĩ T. khám đúng một mắt trái!

Bà M. kể với bác sĩ T. bị mỏi mắt, chảy nước mắt khi xem tivi, nhức đầu, khó ngủ. Bác sĩ T. nói bà M. bị tăng độ nhiều và đeo kính không đúng độ, phải làm kính lại thì mới hết các triệu chứng khó chịu.

Sau đó bác sĩ kê toa hai loại vào sổ khám bệnh và dặn bà M. ra nhà thuốc bệnh viện mua.

Bà M. nhìn mãi toa thuốc vẫn không đọc được tên, trong khi nhân viên nhà thuốc lại đọc được và bán cho bà 20 viên sản phẩm A và một lọ nước mắt nhân tạo. Trong đó, chỉ riêng 20 viên thực phẩm chức năng hết gần 250.000 đồng.

Tương tự, anh Đ.Q.H. (23 tuổi, Q.5) đến khám mắt để kiểm tra độ cận thị cũng được bác sĩ T. kê toa 20 viên A và một lọ nước mắt nhân tạo giống như bà M..

Theo tìm hiểu, để bán được sản phẩm, công ty B có chủ trương chi “hoa hồng” cho bác sĩ kê toa một khoản tiền khá nhiều. Chính vì mức hoa hồng quá lớn này mà khi không nhận được đủ “sở hụi” từ trình dược viên của công ty B, bác sĩ T. đã liều lĩnh viết thư tay gửi cho người của công ty B đề nghị phải trả đủ.

Bác sĩ T. ghi rõ “số lượng hoa hồng” mà trình dược viên tên H. chuyển vào tài khoản ATM (số tài khoản là 711A6810…) ở một ngân hàng không khớp. Bác sĩ T. thống kê cụ thể từ tháng 3 đến tháng 10-2016 đã kê toa tổng cộng 330 lọ A cho công ty này, nhưng trình dược viên chỉ chi 205 lọ.

Bác sĩ T. còn liệt kê tỉ mỉ kế toán công ty báo số lượng hóa đơn xuất cho nhà thuốc Bệnh viện Q.5 ba tháng 8, 9 và 10 là 160 lọ nhưng trình dược viên chỉ chuyển 75 lọ.

Rồi ông T. phân tích trong thư: “Vì có sự khác biệt quá lớn tương đương 50%, nên tôi xin công ty B xem lại. Tôi chỉ hợp tác với công ty B chứ không phải hợp tác với trình dược viên và ba năm qua chỉ có mình tôi ghi toa cho doanh số tại Bệnh viện Q.5 về sản phẩm A”.

Sau đó ông T. đề nghị: “Rất mong từ tháng 11, được sự chăm sóc trực tiếp của giám đốc phụ trách bệnh viện theo số liệu kế toán công ty xuất hàng, hằng tháng, lễ tết”.

Dưới nội dung đề nghị, ông T. ghi rõ họ tên của mình, tên ngân hàng cùng số tài khoản ATM tại ngân hàng này.

“Tự hãng thuốc họ săn bác sĩ”

Ngày 6-2, PV Tuổi Trẻ đã trực tiếp trao đổi với bác sĩ A.G.T. xung quanh việc ông này kê toa thực phẩm chức năng.

Ông T. nói: “Tôi biết quy định của Bộ Y tế cấm bác sĩ kê toa thực phẩm chức năng nhưng tôi thấy sản phẩm này rất tốt. Chị không tin thì hỏi những bệnh nhân được kê toa xem họ uống có thấy tốt không. Nếu họ cảm thấy không tốt thì tôi hoàn toàn nhận lỗi”.

Vì sao ông viết thư đề nghị được sự chăm sóc trực tiếp của giám đốc phụ trách bệnh viện theo số liệu kế toán công ty xuất hàng, hằng tháng, lễ tết? Ông T. trả lời: “Tôi không đòi hỏi và không biết trình dược viên là ai. Cái này là do cô đó, làm việc với công ty đó và hằng tháng hay hình như là mỗi quý gì đó họ chạy đến đây cảm ơn mình. Trong quá trình cô đó chuyển cho tôi thì số lượng không phải như vậy và tôi phản ảnh về công ty là tôi chỉ nhận bấy nhiêu đó thôi…”.

Ông T. thanh minh: “Không phải nhận hằng tháng mà một năm tôi nhận hai lần vào Trung thu, dịp tết. Mỗi lần khoảng 3-4 triệu đồng gì đó, gồm cả quà. Tôi hoàn toàn không nhận hoa hồng, tôi không biết hoa hồng là bao nhiêu.

Trình dược viên đó làm sai điều khoản của công ty nên tôi mới phản ảnh lên công ty như vậy, chứ tôi không đòi hỏi công ty phải cho tôi bao nhiêu. Tôi phản ảnh cách làm việc của cô ấy với tôi không trung thực. Tôi bắt buộc phải phản ảnh đến công ty đầy đủ quá trình làm tháng nào và cô ấy đã báo cáo công ty thế nào. Tại vì công ty yêu cầu tôi liệt kê ra số thuốc kê toa hằng tháng để xem cô kia báo về có sai hay không nên tôi mới trình bày như vậy thôi.

Tôi thừa nhận có nhận thư cảm ơn của công ty chứ không nhận hoa hồng và không đặt điều kiện. Do vấn đề cô kia chuyển không đúng với giá công ty đưa ra, số tiền công ty đưa ra”.

Ông T. còn nói ở Bệnh viện Q.5 không chỉ có mình ông kê toa sản phẩm A mà còn nói tên một bác sĩ của khoa nội Bệnh viện Q.5 cũng kê toa sản phẩm này.

“Tất cả những người lớn tuổi, có lão hoá, chúng tôi có kinh nghiệm đều cho sử dụng thuốc này vì muốn tốt cho bệnh nhân” – ông T. nói vậy.

Miễn nhiệm chức vụ và chuyển công tác khác

Bác sĩ Lê Văn Trương – giám đốc Bệnh viện Q.5 – khẳng định việc làm của bác sĩ T. là hoàn toàn sai, phải nghiêm túc rút kinh nghiệm và chịu trách nhiệm về việc làm của mình.

Theo bác sĩ Trương, Bệnh viện Q.5 đã thực hiện kê toa thuốc trên phần mềm điện tử để giám sát, quản lý việc kê toa của bác sĩ nhưng bác sĩ T. không thực hiện mà kê toa trực tiếp vào sổ khám bệnh của bệnh nhân là “sai rõ ràng rồi”.

Ngày 10-2, bác sĩ Trương cho biết ban giám đốc Bệnh viện Q.5 đã đình chỉ công tác bác sĩ T. ngay sau khi nhận được thông tin của Tuổi Trẻ. Bệnh viện đã họp kiểm điểm và xử lý kỷ luật bác sĩ T. bằng hình thức miễn nhiệm chức vụ và chuyển công tác khác.

Cụ thể, bác sĩ T. không được phép ngồi phòng khám để khám bệnh, kê đơn thuốc cho bệnh nhân mà phải sang làm việc hành chính khác.

LÊ THANH HÀ, [email protected]