10/01/2025

Người Thái đi chùa không mưu cầu chức tước, tiền tài

Tôi đã sinh sống, làm việc ở Hà Nội được một năm và cũng có nghe nói về một số lễ hội đầu năm ở miền Bắc với những hành xử không phù hợp của nhiều người đi lễ.

 

Người Thái đi chùa không mưu cầu chức tước, tiền tài

Tôi đã sinh sống, làm việc ở Hà Nội được một năm và cũng có nghe nói về một số lễ hội đầu năm ở miền Bắc với những hành xử không phù hợp của nhiều người đi lễ.

 

 

 

Người Thái đi chùa không mưu cầu chức tước, tiền tài
Vẫn còn nhiều hình ảnh xấu xí tại lễ khai hội xuân Yên Tử 2017. Trong ảnh: nhiều người dùng tiền mài vào vách chùa Đồng (Yên Tử, Quảng Ninh) để lấy may – Ảnh: Đức Hiếu

Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam Manopchai Vongphakdi đã nói như vậy trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh chuyện tín ngưỡng, lễ hội vào dịp đầu năm.

Dưới đây là ý kiến của Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam Manopchai Vongphakdi: 

“Theo tôi, mỗi quốc gia, dân tộc đều có văn hoá tín ngưỡng khác nhau, nhưng tôi có thể khẳng định rằng người Thái đi chùa để cầu bình an, sức khỏe cho bản thân và gia đình, chứ không phải cầu chức tước, tiền bạc.

Đến chùa với thái độ trang nghiêm

Với khoảng 95% người Thái là phật tử, Phật giáo là quốc giáo của Thái Lan. Sinh hoạt tín ngưỡng Phật giáo luôn là một phần quan trọng trong đời sống của người dân Thái từ lúc mới chào đời, trưởng thành, lễ cưới, ma chay… đều có liên quan đến chùa và tăng sĩ.

Người Thái đi lễ chùa như một lẽ tự nhiên để thể hiện tín ngưỡng tôn giáo của mình. Mỗi năm có 6-7 ngày lễ Phật lớn ở khắp đất nước. Trong những ngày lễ lớn như thế, tín đồ ở đủ mọi lứa tuổi đến chùa để cầu nguyện, nghe pháp, kinh với thái độ trang nghiêm đúng mực.

Như một nét văn hóa lâu đời, hầu hết phật tử ở Thái Lan đều biết cách cư xử đúng mực khi đi lễ chùa nên hiếm khi xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy nhau.

Một người bạn Việt Nam kể cho tôi nghe rằng mỗi dịp đầu năm, hàng trăm nghìn người đổ xô đi chùa Hương ở Việt Nam để trẩy hội. Theo tôi, đây là con số khách hành hương quá lớn đối với sức chịu đựng của một ngôi chùa nên tình trạng chen lấn, xô đẩy xảy ra là chuyện đương nhiên. Ở Thái Lan không bao giờ xảy ra tình trạng này, bởi hàng chục nghìn ngôi chùa được xây dựng ở khắp đất nước để phục vụ tín ngưỡng của người dân.

Người Thái thường đi lễ chùa để dâng vật thực cho các tu sĩ, tăng lữ và cầu nguyện cho một năm bình an, cuộc sống trường thọ, may mắn chứ không phải tiền bạc hay chức tước, quyền lực. Trong lễ dâng vật thực này, người Thái trao tiền và các vật dụng sinh hoạt trực tiếp cho các sư thầy để tỏ lòng thành kính. Trong những giỏ quà gửi đến tu sĩ, tăng lữ, các tín đồ phật tử Thái Lan đặt vào đó những vật dụng cần thiết như gạo, xà bông, thuốc men, áo quần, nước trái cây, nến, dù, giày dép, đèn pin, sữa, kem và bàn chải đánh răng, nước khoáng, mì gói…

Một số tín đồ phật tử ngoài quyên góp tiền vào hòm công đức đặt trong mỗi ngôi chùa còn trực tiếp trao tặng tiền cho các tu sĩ, tăng lữ. Số tiền này tùy vào lòng hảo tâm của phật tử và tuyệt nhiên các tu sĩ, tăng lữ không được quyền yêu cầu phật tử cho tiền mình. Đó là một điều cấm kỵ ở Thái. Bên cạnh đó, tuyệt nhiên người Thái không bao giờ để tiền lên tay tượng Phật vì đó là một hành động bất kính, trái với đạo lý nhà Phật.

Người Thái đi chùa không mưu cầu chức tước, tiền tài
Ông Manopchai Vongphakdi – Ảnh: Q.Trung

Không ngược đãi 
động vật

Tôi cũng có nghe thông tin về các lễ hội hiến tế động vật ở một số vùng miền của Việt Nam dịp đầu năm như lễ hội chém lợn ở làng Thượng, Bắc Ninh; lễ hội chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng), trong đó các con vật được hiến tế.

Chúng tôi không có những lễ hội ngược đãi động vật như thế. Ở Thái cũng có lễ hội chọi bò, nhưng những con bò thua cuộc hay thắng cuộc đều trở về với chủ nhân chứ không bị xẻ thịt.

Ngoài ra, Quốc hội Thái Lan đã thông qua luật cấm ngược đãi, tra tấn động vật, trong đó có vật nuôi. Tùy từng trường hợp, những cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ bị phạt tù 2 năm và đóng phạt 40.000 baht (hơn 1.500 USD).

Bà Kiyo Rokutanda (người Nhật, sống ở Hà Nội):

Ngạc nhiên với cảnh đặt tiền khắp nơi trong chùa

Người Nhật chúng tôi cũng có thói quen đi chùa hay các đền thờ thần đạo trong ba ngày đầu năm mới. Trước đây, chúng tôi đi chùa ba ngày đầu năm âm lịch, nhưng giờ đổi sang dương lịch.

Trong ba ngày đầu năm, người Nhật, trong đó có nhiều người trẻ, đến chùa và các đền thờ để cầu cho một năm nhiều sức khoẻ, may mắn, giàu có và cả thăng tiến trong nghề nghiệp. Đặc biệt là các ngôi chùa, đền thờ nổi tiếng có rất nhiều người đến viếng. Điểm này tôi thấy người Nhật và người Việt giống nhau.

Tôi cũng có lần đi phủ Tây Hồ (Hà Nội) ngày đầu xuân. Phải nói quang cảnh quá đông đúc và chật chội. Ngoài ra, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy nhiều người Việt mang hoa quả đến cúng và đặt tiền cả trên tay các vị thần ở đó.

Ở Nhật, người dân khi đến chùa hoặc các đền thờ thì không mang theo hoa quả và đặt tiền lên tượng Đức Phật hay các vị thần linh như ở Việt Nam. Thay vào đó, chúng tôi chỉ mang theo một ít tiền và tuỳ lòng hảo tâm của mỗi người đặt vào hòm công đức.

QUỲNH TRUNG ghi