10/01/2025

Làm sao dẹp nạn chạy xe trên vỉa hè?

Đối phó với việc có nhiều người chạy xe máy trên vỉa hè, lề đường chiếm chỗ người đi bộ, làm hư vỉa hè thời gian qua, các barie đã được lắp đặt trên vỉa hè một số đường tại P.Bến Nghé (Q.1, TP.HCM).

 

Làm sao dẹp nạn chạy xe trên vỉa hè?

Đối phó với việc có nhiều người chạy xe máy trên vỉa hè, lề đường chiếm chỗ người đi bộ, làm hư vỉa hè thời gian qua, các barie đã được lắp đặt trên vỉa hè một số đường tại P.Bến Nghé (Q.1, TP.HCM).

 

 

 

Làm sao dẹp nạn chạy xe trên vỉa hè?
Một người theo thói quen chạy xe lên vỉa hè, nhưng đã bối rối khi bị ngăn lại bởi các barie vừa được lắp đặt (ảnh chụp ở vỉa hè đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM) – Ảnh: Duyên Phan

Đây có phải là giải pháp khả dĩ và cách nào để đảm bảo người dân được thoải mái đi bộ trên vỉa hè? Tuổi Trẻ ghi nhận các ý kiến xung quanh vấn đề đang được người dân TP.HCM quan tâm này.

Ông Lê Văn Cừ (bán hàng ở đường Lý Tự Trọng, P.Bến Nghé, Q.1 vừa được lắp barie trên vỉa hè):

Không có barie, 
đi trên vỉa hè 
nơm nớp sợ xe tông

Ngày thường đến giờ cao điểm dưới lòng đường chật ních xe cộ, nhiều người đi xe leo lên chật kín vỉa hè, không còn chỗ cho người đi bộ.

Vài tháng nay lắp barie và trồng thêm cây xanh, tui thấy số lượng người chạy xe lên vỉa hè có giảm. Thế nhưng vẫn còn nhiều người đã chạy lên vỉa hè vẫn tìm cách chạy luồn lách qua các barie này. Chẳng hiểu sao họ lại làm như thế!

Tui bán hàng ở đoạn đường này, khi chưa có barie, nhiều lần thấy người đi bộ, nhất là du khách nước ngoài, hoảng hồn, né xe chạy trên vỉa hè.

Trước giờ tui thấy cơ quan chức năng cũng làm đủ cách ngăn xe chạy trên vỉa hè nhưng có vẻ không hiệu quả. Họ cho dân phòng chốt chặn, trồng thêm cây xanh, nhưng vẫn có người chạy lên lề.

Bữa giờ sau khi lắp thanh chắn ngang vỉa hè, thấy việc đi lại của nhiều người cũng đỡ hơn, chưa thấy ai phàn nàn chuyện vướng víu. Buổi tối, mấy thanh chắn có dán giấy phản quang nên người đi đường cũng thấy được.

Nhiều người còn nói thà để ý một chút khỏi vấp thanh chắn, còn hơn đi trên vỉa hè lúc nào cũng sợ nơm nớp bị xe đi ngược chiều tông.

Tụi tui buôn bán ở đây biết rõ việc leo lên vỉa hè thành thói quen của nhiều người, một sớm một chiều khó bỏ được. Theo tui, bây giờ tạm thời cứ chắn vậy để bảo vệ an toàn vỉa hè cho người đi bộ, khi nào ý thức người dân thay đổi thì tính phương án khác.

ThS xã hội học Lê Minh Tiến (Đại học Mở TP.HCM):

Giải pháp trước mắt cần thiết

Việc lắp barie bảo vệ người đi bộ trên hè phố hiện nay là chuyện hoàn toàn đúng, cần phải làm. Lâu nay nhiều người có thói quen đi xe trên lề đường, một phần do lượng xe đi đông, đường hẹp nên việc leo xe lên lề đường thành thói quen.

Thậm chí những lúc tình trạng kẹt xe trầm trọng, có cảnh sát giao thông còn xem vỉa hè là “nguồn” để giải tỏa kẹt xe. Cho nên bây giờ khó thay đổi, nếu muốn cũng cần thời gian lâu dài nữa người ta mới thay đổi được hành vi.

Nếu có ý kiến lắp barie cản trở việc đi lại của người đi bộ thì cần phải nói rõ cản trở chỗ nào. Còn về thiết kế thì có thể tìm hiểu thêm để thiết kế cho phù hợp, tiện lợi nhất cho người đi bộ.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng phải tính toán những giải pháp lâu dài. Muốn thay đổi thói quen giao thông, một mặt người thực thi pháp luật phải tuân thủ đúng nguyên tắc, dần dần đưa vào khuôn khổ, mặt khác phải phát triển hệ thống đường sá.

Ông Võ Quốc Hưng (phó chủ tịch UBND P.Bến Nghé, Q.1):

Dùng người chốt chặn vẫn bất lực

Tại nhiều đường hiện nay, vào giờ cao điểm xe chen lấn, leo lên vỉa hè rất đông, gây nguy hiểm cho người đi bộ. Giữa một khu vực đông du khách qua lại, hình ảnh xe máy nối dài chạy trên vỉa hè nhìn rất phản cảm. Ở nhiều đường, gạch trang trí vỉa hè bị cày bung nát, xấu xí.

Từ trước đến nay phường có bố trí lực lượng dân phòng, bảo vệ các trường, Đoàn thanh niên ra chốt chặn nhằm ngăn chặn hành vi này nhưng số lượng người vi phạm quá đông, lực lượng chốt chặn bất lực. Chưa kể nhiều người đã vi phạm khi bị nhắc nhở còn phản ứng.

Ngoài phương án lắp barie, trồng cây bó vỉa hè, phường còn kiến nghị rất nhiều giải pháp để ngăn chặn nạn xe máy chạy trên lề như điều chỉnh một vài tuyến đường một chiều thành hai chiều, cử cảnh sát giao thông chốt chặn…

Trong khi chờ các giải pháp lâu dài, trước mắt Sở Giao thông vận tải, Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 thực hiện phương án nâng cao, bó vỉa hoặc gắn barie ngăn xe máy đi lên, bảo vệ người đi bộ, nhất là du khách và học sinh các trường giờ tan học.

Ngoài ra, lực lượng chốt chặn của phường vẫn được duy trì. Sau khi lắp đặt, thấy người dân trong khu vực cũng đồng tình và chưa nghe ý kiến phản ảnh tiêu cực từ người dân.

Nếu thực tế có ý kiến cho rằng việc lắp barie gây cản trở, “bẫy” người đi đường, phường sẽ phối hợp với Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 kiểm tra xem vướng ở chỗ nào và sửa chữa cho phù hợp.

TS Phạm Thái Sơn (giảng viên chính kiêm điều phối viên Chương trình thạc sĩ phát triển đô thị bền vững, Đại học Việt Đức):

Cần có quy định khung quản lý vỉa hè

Đường phố nước ngoài không có chuyện phải lắp barie, bởi việc quản lý không gian công cộng và ý thức người dân họ tốt hơn ở ta. VN cũng có luật chế tài nghiêm hành vi vi phạm, nhưng chưa áp dụng nghiêm khắc.

Việc lắp đặt barie chỉ giải quyết phần ngọn, giải pháp tạm thời, còn lâu dài không hiệu quả. Lắp barie là để sửa một cái sai của người đi đường, chứ phải làm sao để người đi bộ trên vỉa hè thoải mái nhất, chứ không lẽ cứ chăm chăm nhìn xuống đất để tránh barie.

Thực tế hiện nay việc sử dụng vỉa hè ở nước ta đang có mâu thuẫn giữa các chức năng sử dụng khác nhau và mâu thuẫn giữa mục tiêu sử dụng công cộng với cá nhân. Do đó cần nghiên cứu đưa ra khung quản lý, xem lại đúng định nghĩa của vỉa hè và làm đúng chức năng của nó.

Ngay cả việc người dân làm quán xá, để xe trên vỉa hè về lâu dài cũng cần tính toán, quy hoạch cụ thể đưa vào những khu vực hợp lý. Cuộc sống sinh động vỉa hè là cần thiết, tạo nên bộ mặt TP, nhưng phải quy hoạch không gian rõ ràng, góc nào ra góc đó.

Nơi nào đủ không gian, đủ điều kiện mới phát triển. Nếu không giải quyết được vấn đề gốc, cuối cùng người dân cũng vi phạm, vỉa hè của người đi bộ vẫn bị chiếm.

Đang thí điểm, nếu hiệu quả sẽ nhân rộng

Làm sao dẹp nạn chạy xe trên vỉa hè?
Ông Nguyễn Vĩnh Ninh – Ảnh: TL

Ông Nguyễn Vĩnh Ninh – giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 (Sở Giao thông vận tải TP.HCM) – cho biết vừa phối hợp với UBND P.Bến Nghé (Q.1) lắp đặt một số thanh barie trên các đường lớn của Q.1 như Lý Tự Trọng, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Pasteur để khắc phục tình trạng người đi xe máy thiếu ý thức chạy xe lên vỉa hè gây nguy hiểm cho người đi bộ và gây hư hỏng vỉa hè.

“Trước mắt, chúng tôi chỉ thực hiện lắp barie thí điểm trên một vài tuyến đường có nhiều người đi bộ và du khách nước ngoài qua lại để quan sát hiệu quả.

Nếu việc lắp barie có thể góp phần giảm thiểu lượng người chạy xe trên vỉa hè như hiện nay thì sẽ đề xuất UBND TP.HCM mở rộng lắp barie trên phạm vi toàn TP.

Ngoài ra, đối với những trường hợp cố tình leo lề, luồn lách qua các barie được lắp, chúng tôi sẽ thông báo về địa phương để có hình thức xử phạt” – ông Ninh nói.Thu Dung

Một lãnh đạo Phòng CSGT đường bộ, đường sắt 
Công an TP.HCM:

Phạt 300.000-400.000 đồng

Theo nghị định 46 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, người điều khiển môtô, xe máy (các loại xe tương tự) không đi bên phải theo chiều đi của mình, đi không đúng phần đường, làn đường quy định hoặc đi xe trên hè phố (vỉa hè), trừ trường hợp đi qua hè phố để vào nhà, sẽ bị phạt 300.000-400.000 đồng.

Nghị định 46 cũng nêu rõ nhiều cơ quan chức năng có thẩm quyền xử phạt khi phát hiện người đi xe vi phạm khi đi trên vỉa hè như chủ tịch UBND các cấp, cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, cảnh sát phản ứng nhanh, cảnh sát cơ động, cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, trưởng công an xã (phường)…

Trong chức năng nhiệm vụ của mình, thời gian qua lực lượng CSGT đã xử phạt nhiều trường hợp người đi xe trên vỉa hè. Lãnh đạo phòng cũng đã chỉ đạo tăng cường các tổ chuyên đề xử phạt để răn đe, nâng cao ý thức người dân.

SƠN BÌNH ghi

TIẾN LONG ghi