Điều hành linh hoạt và ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý hệ thống giao thông, cùng với việc đầu tư cho giao thông công cộng kết hợp giảm dần lượng xe máy, là những giải pháp có thể giúp kéo giảm ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM.
Hiến kế giảm ùn tắc giao thông tại TP.HCM: Điều hành linh hoạt
Điều hành linh hoạt và ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý hệ thống giao thông, cùng với việc đầu tư cho giao thông công cộng kết hợp giảm dần lượng xe máy, là những giải pháp có thể giúp kéo giảm ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM.
Giải pháp mềm
Trên nhiều tuyến đường, đặc biệt là ở các trục cửa ngõ TP.HCM như đường Trường Chinh, Nguyễn Hữu Thọ, xa lộ Hà Nội, QL13… vào giờ cao điểm, có thể thấy một bên đường rất đông xe nối đuôi nhau, có lúc ùn tắc, trong khi bên đường chiều ngược lại vẫn trống hay ít xe hơn. Với công nghệ hiện đại bây giờ, một con đường 2+2 làn có thể biến thành 3+1 trong giờ này và 1+3 trong giờ khác.
Kết quả là diện tích lưu thông tăng gấp rưỡi và tốc độ lưu thông tăng ít nhất gấp đôi. Vốn đầu tư cho giải pháp này ít mà vẫn khai thác hiệu quả tài sản hạ tầng giao thông hiện có.
Nằm trong khu vực trung tâm và chuyên chở một lượng lớn người, hàng hoá đến và đi, nên ga Sài Gòn là một trong những nguyên nhân góp phần dẫn đến kẹt xe ngày càng nghiêm trọng.
Cùng hỗ trợ cho giải pháp trên là hệ thống biển báo cần cảnh báo tình trạng giao thông trước ít nhất 1 – 2 ngã tư khi dẫn vào những con đường thường bị kẹt hay ùn xe. Hiện giờ tôi thấy hệ thống các bảng thông tin điện tử mới sẵn có trên đường, không tốn chi phí đầu tư, lại ít dùng để thông tin về tình trạng giao thông mà được dùng để thông báo thời tiết và vài thông tin ít thay đổi.
Bên cạnh đó, các giải pháp công nghệ như ứng dụng bản đồ chỉ đường Google Map, Waze, OpenStreet, Apple Map và các ứng dụng bản đồ cần được khuyến khích mọi người tham gia giao thông sử dụng. Chẳng hạn như Waze – một ứng dụng cộng đồng chia sẻ bản đồ, giao thông và điều hướng rất thú vị với hơn 50 triệu thành viên. Với ứng dụng này, người dùng nhận được thông tin giao thông, cải thiện việc đi lại hằng ngày mà không tốn chi phí, tận dụng hạ tầng của người khác để có lợi cho mình.
Nhiều thanh barie được lắp dọc vỉa hè đường Lý Tự Trọng, Nguyễn Bỉnh Khiêm… thuộc P.Bến Nghé (Q.1, TP.HCM) ngăn xe máy leo lề bảo vệ an toàn cho người đi bộ.
Báo Thanh Niên rất mong nhận được ý kiến từ bạn đọc cùng tham gia hiến kế chống ùn tắc giao thông tại TP.HCM. Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về địa chỉ email: [email protected].
Giải pháp công nghệ cũng cần được áp dụng cho tất cả các hãng taxi. Không cấp phép các hãng taxi không có hệ thống đặt xe/điều xe trực tuyến qua định vị và có lộ trình để các hãng chưa có phải thực hiện. Hiện TP.HCM có hơn chục ngàn xe taxi, mỗi xe chạy 220 – 270 km/ngày, nhưng chỉ khoảng 50% quãng đường là có khách.
Nếu áp dụng đặt xe online có định vị (như Grab, Uber, Vinasun đang làm), số ki lô mét vận hành không khách sẽ giảm xuống còn khoảng 20 – 25%. Nghĩa là thành phố sẽ bớt được hàng triệu ki lô mét lưu thông mỗi ngày mà không ảnh hưởng đến hành khách. Giải pháp này cũng không tốn nhiều chi phí.
Hạn chế dần xe máy
Đối với xe máy, loại phương tiện cá nhân có số lượng đông nhất hiện nay, cần có lộ trình hạn chế và cấm lưu thông vào giờ cao điểm hoặc ban ngày ở khu vực trung tâm thành phố, rồi lan dần ra. Khi triển khai việc này, có thể tận dụng các công viên, trường học và công sở để làm bãi gửi xe tạm thời trong giai đoạn mở rộng. Mỗi 3 tháng mở thêm một khu hạn chế xe máy (quận/nhóm phường) cho đến khi xóa sạch khỏi nội đô.
Song song với lộ trình hạn chế và cấm xe máy là đầu tư phát triển xe buýt, thúc đẩy các tuyến xe điện ngầm và đường trên cao. Điều này quá rõ ràng, bởi chỉ có phương tiện giao thông công cộng mới là giải pháp cho bài toán giao thông TP.HCM.
Nhiều ý kiến cho rằng đây là giải pháp ít tốn ngân sách nhưng hiệu quả tức thì. Thực tế, văn hoá tận dụng nhà mặt phố để kinh doanh và thuận tiện đi lại đã khiến vỉa hè, đường phố, lộ giới bị lấn chiếm vô tội vạ, góp phần lớn vào vấn nạn kẹt xe hiện nay.
Các giải pháp nêu trên sẽ không có ý nghĩa gì nếu việc cho xây dựng các cao ốc, khu dân cư đông đúc trên những con đường đang thường xuyên bị ùn tắc, kẹt xe. Nếu muốn xây dựng các dự án dân cư đó, doanh nghiệp đầu tư phải đóng góp ít nhất 50% số tiền mở rộng đường để chống kẹt xe. Cơ quan quản lý đô thị cũng cần tính toán định mức xã hội: bao nhiêu dân cư phải có một trường mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT, sân thể thao, công viên… và yêu cầu chủ đầu tư bất động sản cùng với nhà nước đầu tư cho đồng bộ. Không cho xây dựng các tòa cao ốc cao hơn khả năng cứu hỏa, cứu hộ của thành phố. Nếu muốn xây, các chủ đầu tư góp tiền để trang bị cho hệ thống cứu hỏa của thành phố đạt tiêu chuẩn.
Để giảm lưu lượng xe vào thành phố, cần di dời tất cả các doanh nghiệp sử dụng nhiều nhân công lao động ra khỏi thành phố (hoặc khu nội đô); dời các trường nghề, cao đẳng, đại học, bệnh viện (trừ trung tâm cấp cứu) ra khỏi nội đô. Các trường học trên 1.000 học sinh buộc phải có hợp đồng hệ thống xe đưa đón. Học sinh không được đi xe cá nhân. Ngoài giờ đưa rước, các xe này có thể được khai thác vào mục đích hỗ trợ giao thông khác để tránh lãng phí.
Trần Bằng Việt (Chuyên gia tư vấn, Công ty giải pháp phát triển Đông A)