Rất nhiều nghệ sĩ, người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc đã hào hứng chia sẻ những tâm tư, mong muốn lẫn lo ngại của mình khi nghe tin TP.HCM sẽ có con đường âm nhạc.
Hào hứng với Con đường âm nhạc
Rất nhiều nghệ sĩ, người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc đã hào hứng chia sẻ những tâm tư, mong muốn lẫn lo ngại của mình khi nghe tin TP.HCM sẽ có con đường âm nhạc.
Trong buổi làm việc của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong với UBND Q.1 vào chiều 8.2, ý tưởng về con đường âm nhạc dự kiến trên đường Hàn Thuyên hoặc Alexandre de Rhodes đã được ông Phong thống nhất và yêu cầu UBND Q.1 sớm trình đề án.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hường, Phó chủ tịch UBND Q.1, đề án này sẽ được kết hợp thực hiện cùng Nhà văn hoá Sinh viên TP.HCM, với kinh phí theo chủ trương xã hội hoá và dự kiến hoàn thành trong quý 1 năm nay. Mục đích hình thành con đường âm nhạc ban đầu là để có thêm điểm sinh hoạt văn hoá cuối tuần, tạo điều kiện để các loại hình âm nhạc, văn hóa lành mạnh phát triển. Bà Hường cho biết thêm vị trí con đường âm nhạc mà Q.1 dự kiến chọn gần với Nhà văn hoá Thanh niên TP.HCM và Đường sách TP.HCM, nơi giới trẻ thường xuyên đến sinh hoạt văn hoá. Bên cạnh đó, con đường này cũng gần nhà thờ Đức Bà và dinh Thống Nhất, nơi thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Vì vậy, loại hình dự kiến biểu diễn trên con đường âm nhạc, theo bà Hường, sẽ là âm nhạc truyền thống của VN và các nước để thu hút ngày càng nhiều du khách hơn. Đây cũng là nơi giới trẻ sinh hoạt văn hoá. Tuy nhiên, mọi kế hoạch, từ vị trí đến thể loại âm nhạc vẫn đang trong giai đoạn được khảo sát.
Nhóm nhảy đường phố Ngẫu Hứng – FreakyFunkẢNH: LÝ HUY QUÂN
Nên kết hợp thêm thời trang, hội họa…
Khi thông tin TP.HCM sẽ có con đường âm nhạc, Thế Bảo, quản lý nhóm nhảy Ngẫu Hứng – FreakyFunk, phấn khởi: “Không chỉ FreakyFunk mà em nghĩ các nhóm nhảy đường phố hay nghệ sĩ underground (tạm hiểu là những ca sĩ thuộc dòng nhạc không chính thống, thường hoạt động tự do, trên mạng xã hội. Họ hát và sáng tạo âm nhạc bằng sở thích, không bị ràng buộc về thương mại, cũng không chạy theo thị hiếu của khán giả – NV) đều rất vui khi có con đường dành riêng cho âm nhạc, nơi nghệ sĩ biểu diễn với nhau, với công chúng mà không bị ai đuổi”.
Con đường âm nhạc là nơi để quảng bá du lịch, nói lên cuộc sống giàu có về tâm hồn của người Sài Gòn, hoặc khuyến khích nghệ sĩ underground, tôi nghĩ tất cả nên được đưa vào vì đều là những điều tốt đẹp mà người dân nơi đây chắc chắn sẽ ủng hộ
Ca sĩ Hà Anh Tuấn
Thế Bảo chia sẻ thêm: “Ở Anh, Pháp, Mỹ… đều có những con đường dành cho tất cả nghệ sĩ thể hiện tài năng, họ được khán giả tôn trọng, thích thú diễn cùng. Còn lâu nay ở VN, nếu làm vậy dù cũng có những người thích, thưởng thức, nhưng không ít người nhìn mình như kiểu sơn đông mãi võ, rất thiếu thiện cảm. Nhóm thường biểu diễn nhiều ở Q.1, thu hút các bạn trẻ cùng tham gia, nhưng hay bị bảo vệ không cho và đuổi đi, làm tụi em ôm loa chạy hết hơi. Những nghệ sĩ như tụi em hy vọng sẽ có một nơi để thể hiện văn hóa của mình, đưa nghệ thuật hiphop đường phố của tụi em đến với giới trẻ, với người yêu thích”.
Nhạc sĩ Nguyễn Hà chia sẻ gần đây, tại công viên 30.4 và phố đi bộ Nguyễn Huệ, các bạn trẻ đàn hát, nhảy múa thu hút sự quan tâm của nhiều người. Chính anh cũng thường tham dự ngẫu nhiên và cảm được niềm say mê, vui thích của các nghệ sĩ đường phố này. Cho nên, anh cho rằng: “Nên có một con đường âm nhạc để định rõ nơi chốn, thời gian, các công cụ hỗ trợ, giúp các bạn trẻ yêu thích trình diễn có cơ hội trình diễn tốt hơn. Những người yêu nhạc có thêm một hình thức thưởng ngoạn và thư giãn mới mẻ. Nên có thêm hoạt động phối hợp trên con đường âm nhạc như thời trang, hội hoạ, nhiếp ảnh… Âm nhạc là kết nối tất cả nên sẽ rộn ràng hơn khi có nhiều loại hình cùng xuất hiện, dĩ nhiên phải được phối hợp sao cho khoa học, thẩm mỹ”.
Nơi quảng bá du lịch
Ca sĩ Hà Anh Tuấn nêu ý kiến: “Việc Q.1 có con đường âm nhạc chứng tỏ chính quyền rất ủng hộ tinh thần yêu âm nhạc của người dân thành phố. Song điều quan trọng hơn là sau khi có con đường âm nhạc thì cái gì sẽ diễn ra trên đó? Tôi nghĩ người tổ chức nên khuyến khích các thể loại âm nhạc mang tính chất thư giãn, ai nghe cũng thấy thư thả, nhất là khách du lịch dù có thể không hiểu tiếng Việt nhưng nghe nhạc sẽ cảm thấy yêu hơn cuộc sống này. Tôi không biết sự can thiệp đến đâu nhưng những nghệ sĩ biểu diễn trên con đường này nên chọn thể loại âm nhạc không biên giới, vì đây là không gian văn hóa chung, tài sản chung. Bên cạnh đó, thông điệp cũng là điều cần được chú trọng. Con đường âm nhạc là nơi để quảng bá du lịch, nói lên cuộc sống giàu có về tâm hồn của người Sài Gòn, hoặc khuyến khích nghệ sĩ underground, tôi nghĩ tất cả nên được đưa vào vì đều là những điều tốt đẹp mà người dân nơi đây chắc chắn sẽ ủng hộ”.
Ủng hộ tính đa dạng các thể loại trên con đường âm nhạc, nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn lý giải: “Con đường âm nhạc không chỉ mang lại nét văn hoá cho người dân thành phố, mà còn là dấu ấn cho du khách, khách quốc tế của các đoàn ngoại giao khi đến TP.HCM. Vì thế, nếu đặt nặng yếu tố truyền thống thì chỉ mang tính giới thiệu mà thiếu tính giao thoa và đa sắc”. Anh và nhiều nghệ sĩ đề xuất nên tổ chức biểu diễn theo chủ đề, hoặc mỗi tháng có một buổi nhiều màu sắc âm nhạc để du khách đến TP.HCM dù ngang qua con đường này chỉ một đêm cũng có thể thấy được sự phong phú của đời sống tinh thần của người dân thành phố.
Nhà phê bình âm nhạc Minh Đức ủng hộ mô hình một con đường âm nhạc, nơi khuyến khích các hoạt động biểu diễn còn ít tính thị trường như: nhạc dân ca cổ truyền, nhạc thiếu nhi, nhạc cổ điển, các hoạt động giao lưu nâng cao kiến thức và thẩm mỹ âm nhạc cho người dân… Bởi theo anh, các hình thức âm nhạc thị trường đã có thị trường tự đáp ứng. Tuy nhiên vấn đề anh và nhiều người hoạt động âm nhạc khác quan tâm là nên tìm những địa điểm có tính khả thi và lâu dài. “Những hoạt động có tính biểu diễn, như kiểu con đường âm nhạc, cần những không gian kiểu quảng trường, điều đó chỉ đường Nguyễn Huệ hoặc khu vực trước Nhà hát Thành phố đáp ứng được. Đường Hàn Thuyên và Alexandre de Rhodes vừa hẹp, lại là trục giao thông ở khu trung tâm, mỗi lần biểu diễn sẽ phải cấm đường, ảnh hưởng tới sự đi lại bình thường và không cho người dân thấy một sinh hoạt có tính thường xuyên”, Minh Đức đề xuất.