Gia đình bà thứ trưởng có gì ở Công ty Điện Quang?
Với thị giá cổ phiếu DQC vào cuối tuần này là khoảng 52.000 đồng/cổ phiếu, tính ra trị giá cổ phiếu mà gia đình bà Hồ Thị Kim Thoa – thứ trưởng Bộ Công thương nắm giữ ước khoảng trên 600 tỉ đồng.
Gia đình bà thứ trưởng có gì ở Công ty Điện Quang?
Với thị giá cổ phiếu DQC vào cuối tuần này là khoảng 52.000 đồng/cổ phiếu, tính ra trị giá cổ phiếu mà gia đình bà Hồ Thị Kim Thoa – thứ trưởng Bộ Công thương nắm giữ ước khoảng trên 600 tỉ đồng.
Sau khi Công ty bóng đèn Điện Quang cổ phần hoá và niêm yết trên sàn chứng khoán, gia đình Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa sở hữu lượng lớn cổ phiếu cùng những vị trí chủ chốt ở doanh nghiệp này.
Bà Hồ Thị Kim Thoa khi đang đảm nhiệm chức vụ chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc của Công ty Cổ phần bóng đèn Điện Quang, đã được bổ nhiệm thứ trưởng Bộ Công thương vào ngày 12-5-2010.
Chỉ sau 5 ngày (ngày 18-5), ông Hồ Quỳnh Hưng – em trai bà Thoa – đã được bổ nhiệm chức vụ chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc.
Liên tục mua cổ phiếu Điện Quang
Tháng 2-2008, Công ty Điện Quang chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán (mã cổ phiếu DQC).
Tại thời điểm này, cổ đông ngoài công ty chiếm tỉ lệ chi phối với 60,71%, cổ đông trong công ty giữ tỉ lệ 18,52%, vốn đầu tư của Nhà nước do Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) nắm giữ 20,77%.
Tháng 8-2008 bà Thoa đã nắm giữ 874.220 cổ phiếu, sau khi đăng ký mua 200.000 cổ phiếu, tương ứng 2,31% số cổ phiếu của công ty. Nhiều thành viên khác trong gia đình bà Thoa cũng liên tục mua vào cổ phiếu của DQC.
Con gái lớn của bà Thoa là Nguyễn Thái Nga trong tháng 3-2012 đã mua 883.343 cổ phiếu, nâng số cổ phiếu sở hữu lên 1.937.345 cổ phiếu, tỉ lệ cổ phần nắm giữ là 7,93%, trở thành cổ đông lớn tại Điện Quang.
Tháng 9-2012 bà Nga tiếp tục mua thêm 904.000 cổ phiếu, nâng tỉ lệ nắm giữ lên 2.841.345. Bà Nga là cổ đông nắm giữ tỉ lệ cổ phiếu DQC lớn nhất trong số các thành viên trong gia đình bà Thoa. Theo bản cáo bạch mới đây, bà Nga đã sở hữu 4,1 triệu cổ phiếu DQC(tương ứng trên 12%).
Được biết, bà Nga công tác tại Điện Quang từ tháng 2-2012 và đến tháng 4-2013 tham gia thành viên hội đồng quản trị. Trải qua các chức vụ như phó giám đốc bán hàng khu vực miền Bắc, phó giám đốc xuất nhập khẩu, đến tháng 11-2015 bà Nga được bổ nhiệm phó tổng giám đốc.
Con gái thứ hai của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa là Nguyễn Thái Quỳnh Lê cũng liên tục mua vào cổ phiếu của DQC.
Ngày 26-6-2013, bà Lê đã mua 20.000 cổ phiếu, nâng tỉ lệ sở hữu lên 5,05%, tương ứng với 1.111.040 cổ phiếu. Sau đó bà Lê nhiều lần mua vào cổ phiếu DQC, nâng tỉ lệ sở hữu đến thời điểm hiện nay là 2.230.417 cổ phiếu (6,49%).
Ngày 24-8-2014, SCIC công bố thoái toàn bộ vốn nhà nước tại DQC với 3,9 triệu cổ phiếu, tương đương 17,7%, giá trị thoái vốn là 179 tỉ đồng.
Tuy nhiên, một trong hai cổ đông lớn mua vào 1.170.000 cổ phần là ông Hồ Đức Dũng (con trai ông Hồ Đức Lam – chủ tịch Công ty nhựa Rạng Đông - cũng là em trai của bà Thoa).
Hơn một năm sau, ông Hồ Đức Dũng đã bán 1,5 triệu cổ phiếu DQC vào ngày 15-9-2015. Cũng tại thời điểm này ông Hưng đăng ký mua vào lượng cổ phiếu tương đương như trên.
Đến nay, ông Hưng nắm giữ tại DQC 2.517.993 cổ phiếu, với tỉ lệ sở hữu là 7,33%. Ngoài ra, mẹ bà Thoa cũng có cổ phiếu DQC…
Hiện Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đang nắm giữ 1,68 triệu cổ phiếu DQC. Như vậy, tính chung các thành viên trong gia đình bà Thoa nắm giữ khoảng 33% cổ phiếu của DQC.
Với thị giá cổ phiếu này vào cuối tuần này là khoảng 52.000 đồng/cổ phiếu, tính ra trị giá cổ phiếu mà gia đình bà Thoa nắm giữ ước khoảng trên 600 tỉ đồng.
Từ lỗ thành lãi
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, hoạt động sản xuất kinh doanh của DQC từ thời điểm niêm yết trên sàn chứng khoán đến trước khi bà Thoa về làm thứ trưởng Bộ Công thương đã không mấy khả quan.
Riêng trong quý 4-2008 doanh thu của DQC đã giảm 30% so với quý 2, nguyên nhân chủ yếu là do tiêu thụ khó khăn.
Tính chung cả năm này, doanh thu đạt 410 tỉ đồng, chỉ bằng 1/3 của năm 2007. Hàng tồn kho tăng 41 tỉ đồng, lên 340 tỉ đồng. Các khoản nợ chiếm 56% tổng nguồn vốn công ty, chủ yếu là vay ngắn hạn ngân hàng.
Theo đó, lợi nhuận công ty cũng giảm mạnh từ 203 tỉ năm 2007 xuống còn 4,4 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 1,6 tỉ đồng. Mặc dù đặt ra chỉ tiêu cho năm 2009 là doanh thu thuần 438 tỉ đồng và lợi nhuận khiêm tốn là 4,05 tỉ đồng, nhưng kết quả kinh doanh đã không được như kỳ vọng.
Cụ thể, báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2009, DQC lỗ hơn 16 tỉ đồng. Tính đến hết quý 3, lợi nhuận sau thuế lỗ 12,1 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 13,9 tỉ đồng.
Trong quý 4 lợi nhuận sau thuế của DQC tăng trở lại với gần 26 tỉ đồng, bù đắp cho khoản lỗ 9 tháng đầu năm nên tổng lợi nhuận sau thuế trong năm 2009 đạt 9,5 tỉ đồng.
Tuy nhiên, sau khi kiểm toán thì lợi nhuận trước thuế năm 2009 giảm hơn một nửa, chỉ còn 6,62 tỉ đồng; lợi nhuận sau thuế giảm 4,23 tỉ đồng xuống còn 5,255 tỉ đồng. Công ty Điện Quang ghi nhận mức lợi nhuận tăng mạnh trở lại từ năm 2010 và duy trì tốt lợi nhuận cho đến thời điểm hiện nay.