11/01/2025

‘Đừng biến phố cổ Hội An thành cái chợ’

Đó là bức xúc của ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành uỷ Hội An, trước tình trạng kinh doanh nhếch nhác trong khu di sản văn hoá thế giới.

 

‘Đừng biến phố cổ Hội An thành cái chợ’

Đó là bức xúc của ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành uỷ Hội An, trước tình trạng kinh doanh nhếch nhác trong khu di sản văn hoá thế giới.



Cảnh nhếch nhác trong khu phố cổ hôm mùng 5 tết	 /// Ảnh: Ông Nguyễn Sự cung cấp

Cảnh nhếch nhác trong khu phố cổ hôm mùng 5 tếtẢNH: ÔNG NGUYỄN SỰ CUNG CẤP

“Quá nhếch nhác”
Mùng 5 tết, ông Nguyễn Sự đi vào khu phố cổ và chứng kiến cảnh hàng quán mở bán thâu đêm suốt sáng, xe đẩy bán hàng rong tràn ngập, rác rến từ các ghe thuyền vứt nổi lềnh bềnh trên sông Hoài… Ông ngán ngẩm: “Không thể hình dung nổi! Tết mà dạo phố cổ chỉ thấy toàn mùi thịt nướng. Tôi đã bức xúc bảo, các anh biến Hội An thành cái chợ từ hồi nào vậy?”.
 
 
Quy trách nhiệm quản lý địa bàn
Trong đợt xử lý này, TP.Hội An huy động nhiều lực lượng để xử lý các hộ kinh doanh lấn chiếm mặt tiền và hàng rong bát nháo, tăng cường thêm cán bộ cho Đội quy tắc P.Minh An; sau khi trật tự vãn hồi sẽ bàn giao cho UBND P.Minh An quản lý. Để ngăn ngừa tình trạng buông lỏng quản lý, chính quyền TP.Hội An gắn trách nhiệm quản lý địa bàn. “Nếu để tái diễn, Bí thư và Chủ tịch UBND P.Minh An phải chịu trách nhiệm”, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND TP.Hội An, khẳng định.
 

Từ tối 8.2 và trọn ngày hôm qua 9.2, trực tiếp chỉ đạo các lực lượng chức năng vào cuộc kiểm soát hoạt động kinh doanh ở phố cổ, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND TP.Hội An, cũng khẳng định đã đến lúc trả lại trật tự cảnh quan khu di sản văn hóa thế giới. “Bước đầu chúng tôi chỉ nhắc nhở chứ chưa xử lý các hộ kinh doanh che chắn mặt tiền, nhưng cũng thu giữ 20 xe đẩy bán hàng rong không đúng quy định. Dịp tết này nhiều hộ “xòa” ra, quá nhếch nhác! Nhưng việc làm này không mới mẻ gì, Hội An đã có quy chế từ nhiều năm trước, giờ phải quyết liệt hơn”, ông Sơn nói.

Trên thực tế, từ năm 1995 – 1996, giai đoạn ông Nguyễn Sự giữ chức Chủ tịch UBND TX.Hội An, các quy định liên quan đến quản lý di tích, quản lý kinh doanh trong khu phố cổ được đưa ra lấy ý kiến và người dân đã đồng thuận cao. Lúc đó, để thuyết phục người dân, chính quyền Hội An cùng lúc giải bài toán kinh tế (việc làm cho người nghèo, nhu cầu kinh doanh của hộ mặt tiền) và bài toán văn hoá. “Chúng tôi đặt ra câu hỏi: khách đến Hội An vì các hàng quán dọc đường hay cần một không gian tĩnh lặng, yên bình, sạch sẽ? Họ muốn nghe thoảng mùi hương trầm hay sực mùi thịt nướng? Nhưng cũng phải tính việc làm cho người nghèo, nên một số giờ buổi sáng và buổi chiều tối các hàng quán được xếp chỗ bán cụ thể. Hội An phải có chỗ để khách dạo chơi, ngắm nhìn đầu hồi, mái ngói mà không bị chèo kéo ăn uống hay mua hàng”, ông Sự nhớ lại.
Các quy chế mà TP.Hội An ban hành đã buộc các chủ hộ kinh doanh trong khu phố cổ không được đưa hàng ra trưng bày bên ngoài bậc cửa, ảnh hưởng đến không gian chung của quần thể di tích, che cả cửa và các chi tiết kiến trúc khác.
Anh Trương Bách Tường, hộ kinh doanh ở số 46 Nguyễn Thái Học, cũng tỏ ra ngán ngẩm trước cảnh nhếch nhác ở một vài nơi bên trong khu phố cổ, khi nhiều tiệm bán quần áo treo cả hàng hoá lên cửa sổ. Anh bảo: “Việc dọn dẹp lại mặt tiền là đúng. Thực ra quy định này đã có từ lâu, hàng h phải đặt sau bậc cửa với khoảng cách bao nhiêu đã có quy định rõ”, anh Tường nói.
 
Một số chủ kinh doanh đã “không nhớ” mình ký cam kết với TP.Hội An hay chưa, dù có người buôn bán trong khu phố cổ ngót 6 năm. Tuy nhiên, theo ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND P.Minh An (ở vùng lõi di tích) thì: “Để thụ lý hồ sơ kinh doanh, có 2 bản cam kết phải ký dành cho chủ nhà cổ và chủ hiệu kinh doanh trong phố cổ. Nếu thiếu hồ sơ, bộ phận một cửa của TP.Hội An sẽ trả lại ngay”.
Ông Nguyễn Văn Sơn nói thêm: “Hộ kinh doanh đã cam kết chấp hành các quy định khi được cấp phép kinh doanh. Tôi trực tiếp giám sát tại hiện trường mấy ngày nay, chỉ nhắc nhở chứ chưa xử lý trường hợp nào. Vì đây là khu di sản thế giới, mọi người phải có trách nhiệm giữ gìn. Các quy định do thành phố soạn ra được cụ thể hóa từ luật Di sản”.
Sắp xếp lại hàng rong
Mặc dù đã siết tình trạng kinh doanh trong khu phố cổ từ nhiều năm, nhưng lãnh đạo TP.Hội An nhìn nhận mỗi khi rút bớt lực lượng túc trực thì tình trạng “cơi nới” tái diễn, hoặc mất kiểm soát với các loại hình hàng rong, trong đó có xe đẩy bán trái cây, tranh 3D, chim tre… Lượng du khách tăng, cùng với chủ trương “xả cửa” mấy ngày tết vừa qua càng khiến cho tình hình thêm phức tạp. Nếu như năm 1996, mỗi ngày đêm chỉ có vài ngàn lượt khách đến phố cổ thì cuối năm 2016, con số này đã tăng lên 10 lần! Nhu cầu ăn uống đã kéo theo nhu cầu kinh doanh, buôn bán tăng nhanh.
Một cuộc “giải phẫu” đối với hàng rong phố cổ đang được TP.Hội An xúc tiến, dự kiến đến ngày 13.2 chính thức vào cuộc. Theo quy hoạch đã được UBND TP.Hội An phê duyệt, trong 124 hộ kinh doanh loại hình hàng rong, chỉ có 48 hộ bán các món đặc trưng phố Hội như cao lầu, đậu hũ, xí mà, mì Quảng… Những gánh hàng rong truyền thống này sẽ được tái bố trí kinh doanh trong phố cổ, với điều kiện phải có trang phục phù hợp, đảm bảo vệ sinh môi trường (không vứt rác, đổ nước ra đường), ngồi đúng vị trí. Các hàng rong khác phải dời sang khu Đồng Hiệp ở bờ nam sông Hoài, nơi TP.Hội An vừa đầu tư 9 tỉ đồng hoàn thiện khu ẩm thực đêm, hoặc bố trí ở phố đi bộ sắp mở rộng. Ủng hộ chủ trương của thế hệ lãnh đạo kế tiếp, ông Nguyễn Sự quả quyết rằng lâu nay Hội An không hề “dẹp sạch” hàng rong hay cấm cản hộ kinh doanh mặt tiền, mà sắp xếp lại và yêu cầu thực hiện đúng quy định. “Trong quá trình làm, có thể phải điều chỉnh phương pháp, nhưng phải kiên quyết bảo vệ lợi ích chung của thành phố”, ông Sự nói.

 

Hứa Xuyên Huỳnh