Cùng kết nối để khởi nghiệp
Điểm nổi bật trong chương trình gặp mặt trí thức, kiều bào xuân Đinh Dậu và hội thảo “Kết nối, đổi mới sáng tạo Việt Nam 2017” tổ chức ngày 9-2 tại TP.HCM là có nhiều du học sinh về quê hương khởi nghiệp đến tham dự.
Cùng kết nối để khởi nghiệp
Điểm nổi bật trong chương trình gặp mặt trí thức, kiều bào xuân Đinh Dậu và hội thảo “Kết nối, đổi mới sáng tạo Việt Nam 2017” tổ chức ngày 9-2 tại TP.HCM là có nhiều du học sinh về quê hương khởi nghiệp đến tham dự.
Anh Nguyễn Trọng Nhân (Việt kiều Pháp) phát biểu tại hội thảo “Kết nối và đổi mới sáng tạo Việt Nam 2017” do Bộ KH-CN và Bộ Ngoại giao tổ chức – Ảnh: Như Hùng |
Chương trình do Bộ Khoa học – công nghệ, Bộ Ngoại giao, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức.
Những dự án vì cộng đồng
Bạn Nguyễn Trọng Nhân – giám đốc FABLAB Sài Gòn – mang đến hội thảo mô hình khởi nghiệp theo hướng cộng đồng.
FABLAB được tổ chức như một câu lạc bộ dành cho những người đam mê sáng chế mà ở đó có đủ điều kiện hỗ trợ để những người đam mê thực hiện ý tưởng của mình. FABLAB hướng đến xây dựng một cộng đồng đam mê sáng chế, tạo dựng một không gian sáng tạo và kỳ vọng tìm kiếm được sức lan tỏa mạnh từ mô hình khởi nghiệp này trong tương lai.
Trình bày tại hội thảo, bạn Huỳnh Hạnh Phúc – tốt nghiệp cao học chính sách công ĐH Havard (Mỹ), giám đốc điều hành và sáng lập của Teach for Việt Nam (Giảng dạy vì Việt Nam) – đặt tham vọng: “Đến một ngày, tất cả trẻ em Việt Nam sẽ nhận được nền giáo dục hoàn thiện”.Nhóm của Huỳnh Hạnh Phúc đặt kỳ vọng Teach for Việt Nam sẽ góp thêm một chút lực để xoá khoảng cách về giáo dục, tạo ảnh hưởng tích cực lên nền giáo dục, phát triển cộng đồng và nguồn nhân lực…
Với Nguyễn Trọng Nhân, khởi nghiệp chính là làm việc cho mình và tìm kiếm những giá trị mới. Điều cộng đồng khởi nghiệp cần chia sẻ là những bài học thành công từ khởi nghiệp, cho thấy quá trình gầy dựng công ty khởi nghiệp như thế nào.
Chia sẻ sự thành công này không phải để bê nguyên xi mà để những nhà khởi nghiệp thấy mình ở một điểm nào đó trong mỗi kinh nghiệm thành công, làm bài học phát triển cho bản thân.
Những chính sách động viên, khích lệ gần đây từ Chính phủ về khởi nghiệp đã đánh động đến các bạn trẻ. Như nhiều bạn trẻ khác, Nhân cảm nhận rất rõ những tác động tích cực đó. Nhưng Nhân cũng chia sẻ: khởi nghiệp không bao giờ toàn là màu hồng mà còn nhiều gam màu khác…
Bạn cho rằng các dự án khởi nghiệp khi làm trong nước thì khá dễ nhưng khi cần mang sản phẩm ra cạnh tranh quốc tế thì cái cần nhất của các nhà khởi nghiệp trẻ là sự hỗ trợ, tư vấn từ những chuyên gia giàu kinh nghiệm.
Tiếng gọi quê hương
Anh Nguyễn Việt Hùng – giám đốc Công ty TNHH đầu tư và phát triển BSB, cựu du học sinh Nga – cho biết rất nhiều du học sinh đang học tập ở những nước có đầu tư lớn vào Việt Nam như Nhật, Mỹ, Úc, Singapore… Du học sinh học tại các quốc gia này hầu hết được đào tạo trong hệ quy chuẩn hình thành từ rất lâu đời với những vị trí, chức năng, nhiệm vụ, kỹ năng rất rõ nét.
Khi trở về làm việc ở Việt Nam – đang trong giai đoạn hình thành những hệ thống này – sẽ là thách thức với du học sinh. Khó khăn, nhưng theo Hùng: “Điều thu hút du học sinh về quê khởi nghiệp là quê hương, cội rễ người Việt Nam của mình”.
Trong khi đó, David Ngô – cựu du học sinh Mỹ, chuyên gia về công nghệ thông tin, thành viên dự án Saigon Silicon City – giải thích lý do mình về nước khởi nghiệp: “Chính sách của Nhà nước là quốc gia khởi nghiệp, thành phố khởi nghiệp nên về chính sách, sự ưu đãi cũng là một động lực. Bên cạnh đó, nước mình cũng đang phát triển về khoa học công nghệ và giới trẻ nếu được đầu tư sẽ không thua kém so với giới trẻ thế giới”.
Còn bạn Đỗ Văn Thành – cựu du học sinh Singapore – kể trước đây bạn đi du học ngành toán – tin và về nước làm việc trong lĩnh vực giáo dục đã ba năm nay.
“Tổ chức của chúng tôi có nhiều hoạt động giúp cựu du học sinh có thể sớm hòa nhập khi trở về và phát huy nhiều nhất kiến thức đã học được để đóng góp cho đất nước. Có một số khó khăn gặp phải khi khởi nghiệp là chưa cảm thấy chính sách hỗ trợ cho du học sinh nhiều lắm và nhiều khi thông tin hỗ trợ từ Nhà nước chúng tôi không cách nào tiếp cận được” – Thành bày tỏ.
Trở về, làm dự án “Sử dụng năng lượng gió tạo điện năng giúp các hộ gia đình khó khăn và mô hình lọc nước biển tạo nguồn nước sạch”, chị Trần Bảo Trân – giám đốc điều hành Công ty TNHH Sea Media, cựu du học sinh Thụy Sĩ – chia sẻ khi du học sinh trở về nước khởi nghiệp sẽ gặp ba thách thức: tìm nguồn tài chính đầu tư cho dự án, nhân sự giỏi đủ tâm huyết và môi trường đầu tư cho các “doanh nghiệp khởi nghiệp”.
Tại hội thảo “Kết nối, đổi mới sáng tạo Việt Nam 2017” tổ chức ngày 9-2, nhiều bạn trẻ, trong đó có bạn học ở nước ngoài trở về nước lập nghiệp, đã góp nhiều ý kiến hữu ích cho chủ đề kết nối và khởi nghiệp – Ảnh: Như Hùng |
Cần có định hướng: tăng chiều sâu
Anh David Ngô nhìn nhận: tinh thần khởi nghiệp đang lên rất cao ở Việt Nam.
“Tuy nhiên, sự bùng nổ ấy chỉ trong chiều rộng chứ chưa có chiều sâu. Tôi thấy hiện các bạn trẻ khởi nghiệp đi theo trào lưu là chính. Và vì theo trào lưu nên cần có sự định hướng, chỉ dẫn của người đi trước. Bởi nếu không có chỗ dựa về tài chính, không có kỹ năng thì các bạn sẽ dễ phá sản. Do đó, tôi mong có thêm những buổi tập huấn, hướng dẫn các bạn trẻ về khởi nghiệp để tránh những rủi ro không đáng có”.
Trong tham luận của mình, ông Dương Minh Trí – Viện Vật lý TP.HCM, Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam – cho rằng trong hệ sinh thái khởi nghiệp, Nhà nước là một thành phần. Nhưng Nhà nước không cần can thiệp sâu mà chỉ cần tạo môi trường kinh doanh minh bạch.
Đối với các nhà đầu tư trẻ, vốn liếng là quan trọng nhưng điều quan trọng hơn là kiến thức về thị trường, kinh nghiệm rút ra từ những thất bại, sự đổi mới sáng tạo, khả năng cạnh tranh…
Do đó, theo ông Trí, cần tiếp tục nuôi dưỡng ý tưởng start-up (khởi nghiệp) tại các trường đại học, cao đẳng đối với sinh viên ngay trong thời gian còn đi học. Đồng thời thành lập các quỹ hỗ trợ vốn hay cho vay.
“Ưu tiên và tạo thuận lợi cấp kinh phí cho đề tài nghiên cứu tại các đại học, viện nghiên cứu có sự liên kết, hợp tác với các công ty. Chứng minh kết quả nghiên cứu bằng hợp đồng kinh tế cụ thể chứ không bằng các thẩm định của hội đồng khoa học. Nhà nước giảm, miễn thuế, tạo những thuận lợi tối đa, khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân đầu tư nghiên cứu sản xuất, cải tiến sản phẩm, thiết bị mới…” – ông Trí kiến nghị.
Địa chỉ cho bạn trẻ khởi nghiệp: Bộ Khoa học – công nghệ Ông Trần Quốc Thắng, giám đốc ban quản lý dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ (FIRST)” Bộ Khoa học – công nghệ, khẳng định với các bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp, hiện không thiếu cơ hội để tìm kiếm những nhà đầu tư. Bộ Khoa học – công nghệ chủ trì xây dựng và đã được Chính phủ phê duyệt chương trình hỗ trợ khởi nghiệp. Ông Thắng khuyến khích các bạn trẻ chủ động, mạnh dạn liên hệ với bộ. |
Sẽ tạo môi trường thuận lợi Phát biểu tại hội thảo, TS Trần Văn Tùng, thứ trưởng Bộ Khoa học – công nghệ, cho biết trong năm 2017 và các năm tiếp theo, Bộ Khoa học – công nghệ sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành thực hiện tốt chính sách thu hút, trọng dụng, kết nối chuyên gia trí thức kiều bào để tăng cường chia sẻ tri thức hiện đại, kinh nghiệm quản lý tiên tiến, chuyển giao công nghệ và đề xuất các ý tưởng, sáng kiến, chính sách cụ thể thúc đẩy phát triển. “Bộ Khoa học – công nghệ cũng sẽ tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong nước mời chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm giải quyết các nhiệm vụ thiết thực của đất nước” – ông Tùng nói. |
* Bạn HUỲNH HẠNH PHÚC (giám đốc điều hành và sáng lập Teach for Việt Nam): Cần kết nối tốt với chuyên gia Hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam sẽ khởi sắc hơn nữa nếu kết nối được các nhà khởi nghiệp có ý tưởng tốt với các chuyên gia trong lĩnh vực đó. Khởi nghiệp trong lĩnh vực phi lợi nhuận và doanh nghiệp xã hội hiện còn rất mới ở Việt Nam, trong khi tiềm năng của lĩnh vực này trong xã hội rất lớn. Hiện có một số quỹ rất lớn có thể tiếp cận như Echoing Green (Mỹ), Bill Melinda Gates Foundation (Mỹ), Omidyar Network (Mỹ), Wise (Dubai)… * Anh DAVID NGÔ (chuyên gia về công nghệ thông tin, thành viên dự án Saigon Silicon City): Tạo hành lang pháp lý minh bạch Nhà nước phải tạo lập một hành lang pháp lý, thủ tục hải quan thật sự dễ dàng, minh bạch. Ngoài ra, bên cạnh tạo điều kiện cho doanh nghiệp có vốn nước ngoài, cũng nên tạo điều kiện cho người Việt ở nước ngoài về lập nghiệp. * Bạn TRẦN BẢO TRÂN (giám đốc điều hành Công ty TNHH Sea Media): Hỗ trợ kinh phí cho các dự án Để khuyến khích khởi nghiệp hơn nữa, Nhà nước có thể hỗ trợ một phần kinh phí cho các dự án. Thứ hai, hỗ trợ về chính sách thuế trong giai đoạn 3 năm đầu khởi nghiệp. Và cuối cùng, có những thông tin định hướng ngành nghề theo nhu cầu của quốc gia, có các chương trình đào tạo và tư vấn phù hợp với từng doanh nghiệp. |