11/01/2025

Phạt nguội vi phạm qua hình ảnh, video

Quá trình phát sinh một vụ kẹt xe, đặc biệt là ở các đô thị đông đúc như TP.HCM, Hà Nội, có nguyên nhân chủ yếu do sự chen lấn, thiếu tôn trọng luật của người tham gia giao thông.

Hiến kế giảm ùn tắc giao thông tại TP.HCM:

Phạt nguội vi phạm qua hình ảnh, video

Quá trình phát sinh một vụ kẹt xe, đặc biệt là ở các đô thị đông đúc như TP.HCM, Hà Nội, có nguyên nhân chủ yếu do sự chen lấn, thiếu tôn trọng luật của người tham gia giao thông.

 

 

 

Người điều khiển phương tiện giao thông “vô tư” lấn làn, lấn tuyếnẢNH: ĐỨC TIẾN
Vì vậy, nhà nước cần có chính sách khuyến khích những người chấp hành tốt pháp luật giao thông và tăng cường xử phạt các hành vi vi phạm.
Xây dựng “ngân hàng và tài khoản điểm”
Kỹ sư Nguyễn Minh Đồng, Việt kiều Đức – chuyên gia giao thông, hiến kế phải xây dựng “ngân hàng và tài khoản điểm” cho mỗi người tham gia giao thông. Trong vòng một năm, một công dân vi phạm giao thông về lỗi vượt quá tốc độ và gây tai nạn, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều sẽ bị trừ điểm vào tài khoản. Đến một giới hạn điểm, công dân ấy sẽ bị tước bằng lái xe và phải đi thi lại. “Hầu như các nước tiên tiến đều đã sử dụng giải pháp này. Ở Mỹ, khi một người bị phạt 30 USD sẽ bị ghi chú vào tài khoản ngân hàng điểm, khi ấy cơ quan bảo hiểm sẽ tăng tiền nộp bảo hiểm của chủ xe. Ý thức là phải đào tạo, giáo dục, chứ không thể kêu gọi suông”, ông Nguyễn Minh Đồng nói.
Theo kỹ sư Đồng, TP.HCM cần trang bị nhiều camera để giám sát, xử phạt. Cần phải cấm quẹo trái một cách vô trật tự và hồ đồ mà không ít người đang vô tư vi phạm vì quẹo trái gây cản trở luồng xe đi thẳng, gây ùn tắc. Để làm được việc này phải có biện pháp kiểm soát qua camera để xử phạt. Ở VN có rất nhiều người cố tình vượt đèn đỏ hoặc chưa sang đèn xanh đã vọt lên, gây nguy hiểm và dễ xảy ra tai nạn, ùn tắc. Vì vậy, cũng cần có camera để giám sát, xử phạt.
Ngoài ra, cần phân làn hợp lý để người tham gia giao thông không thường xuyên đổi làn, gây ùn tắc. Cụ thể, người tham gia giao thông chỉ được phép quẹo trái hoặc quẹo phải khi đã qua sát làn bên trái hay bên phải. Để thực hiện được quy định này, cần cấm đổi làn xe trong khoảng 30 – 50 m trước khi đến giao lộ. Bên cạnh đó, trong cùng một làn thì xe gắn máy hoặc xe hơi không được vượt lên trước xe đang bật đèn xi nhan muốn quẹo phải hoặc quẹo trái. Biện pháp này giúp giải phóng mặt đường nhanh và giảm ùn tắc. Với lượng phương tiện giao thông hiện tại, cặp mắt của CSGT dù có lanh lẹ đến mức nào cũng không kiểm soát được. Để thực hiện được các biện pháp trên không còn cách nào ngoài hệ thống camera.
Tăng cường phạt nguội
 
 
 
Báo Thanh Niên rất mong nhận được ý kiến từ bạn đọc cùng tham gia hiến kế chống ùn tắc giao thông tại TP.HCM. Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về địa chỉ email: [email protected].
 

Theo quan sát của bạn đọc Trương Công Lý (TP.HCM), tình trạng xe buýt, xe taxi, xe con… đỗ đậu không đúng chỗ, chạy sai tuyến, lấn qua làn đường dành cho người đi xe máy là phổ biến. Trường hợp này rõ nhất là trên đường Nguyễn Tất Thành, Q.4 giờ cao điểm từ 7 – 9 giờ sáng. Hôm nào có cảnh sát thì giao thông được thông suốt tuy tốc độ di chuyển có chậm nhưng không tắc. Tương tự, đoạn Nguyễn Hữu Thọ đi về Q.4 qua cầu Kênh Tẻ, khi xe chạy đúng tuyến thì không gây ùn tắc.

Để giải quyết vấn nạn này bạn Trương Công Lý đề nghị thành phố nên cho phép và tăng cường phạt nguội các trường hợp vi phạm luật giao thông qua hình ảnh và đoạn video. Để thực hiện việc này, cần phát huy sự đóng góp tinh thần trách nhiệm của người dân vào việc quản lý giao thông bằng cách khuyến khích họ gửi hình ảnh, đoạn video về cho công an hoặc một địa chỉ nào thuận tiện. Nếu hình ảnh nào khiến người vi phạm không thể chối cãi được thì tiến hành triệu tập chủ phương tiện lên nộp phạt. Cân nhắc nếu có thể và để khuyến khích người dân tham gia thì trích một khoản nhỏ từ 10 – 20% tiền phạt gửi bồi dưỡng cho tác giả bức ảnh hay đoạn video mà công an sử dụng làm bằng chứng để xử phạt.
Việc xử phạt tại văn phòng còn văn minh hơn so với việc ghi chép biên bản của công an ngoài đường, rất mất thời gian của công an, chưa nói cảnh cự cãi với người dân rất khó coi như đã từng xảy ra. Thậm chí thành phố có thể mở một cuộc thi ảnh mang tên: “Bằng chứng tốt nhất” để thu hút các tay nhiếp ảnh nghiệp dư là người đi đường qua bất cứ loại máy chụp ảnh nào.
“Nếu người tham gia giao thông sẵn sàng là một nhiếp ảnh gia, góp phần giám sát người vi phạm, luôn trong tư thế cung cấp bằng chứng về các hành vi vi phạm giao thông cho các cơ quan chức năng thì liệu các bác tài có còn dám coi thường pháp luật hay không? Chắc chắn ý thức người tham gia giao thông sẽ tăng lên, bảo đảm đường sẽ bớt ùn tắc hơn”, bạn Trương Công Lý khẳng định.

 

Đình Mười – Chí Nhân