11/01/2025

Đọc sách để biết cách ăn lành

Nhiều người nói vui thời đói kém cũng khổ, đến lúc no đủ cũng khổ vì phải chọn lựa ăn cái mình thích hay ăn cái mình nên ăn? Nhưng nếu có thể tập thích những gì nên ăn và ăn trong thư thái cũng là điều đáng làm lắm chứ!

 

Đọc sách để biết cách ăn lành

 Nhiều người nói vui thời đói kém cũng khổ, đến lúc no đủ cũng khổ vì phải chọn lựa ăn cái mình thích hay ăn cái mình nên ăn? Nhưng nếu có thể tập thích những gì nên ăn và ăn trong thư thái cũng là điều đáng làm lắm chứ!

 

 

 

Đọc sách để biết cách ăn lành
Ảnh: Trần Thanh

Đó là những điều các tác giả có chuyên môn y học, sinh học và cả triết học chuyển tải qua một số quyển sách mới xuất bản hoặc tái bản gần đây như Nhân tố enzyme, Thức ăn vì thế giới hoà bình, Minh triết trong ăn uống phương Đông

Một cách yêu 
lấy chính mình

Cuộc sống và cả túi tiền kéo nhiều người rơi vào tình trạng ăn cho qua bữa gần hết đoạn đường tuổi thanh xuân. Hầu hết chuyện ăn gì, ăn nhanh hay ăn chậm ít nằm trong sự sắp xếp của não bộ, chúng ta dành nhiều chất xám cho công việc.

Những bữa ăn vội vàng, thậm chí bỏ bữa (nhất là bữa sáng) và cả khi ăn cũng chìm đắm trong suy nghĩ về công việc, để rồi cái dạ dày biểu tình vì stress, vì ăn không đúng cách. Cái giá đó có đáng phải trả không?…

Nhân tố enzyme của bác sĩ Hiromi Shinya (ThaiHaBooks và NXB Thế Giới, một trong các đầu sách bán chạy nhất tại đường sách Hà Nội và TP.HCM xuân Đinh Dậu) không mang đến những kiến thức lạ lẫm, nhưng lại đánh động người đọc bởi muốn khoẻ thì trước tiên hệ tiêu hoá phải khoẻ.

Và chìa khoá cho sức khoẻ không ở đâu xa, chính là cách chúng ta thưởng thức bữa ăn của mình: điềm đạm thôi, từ tốn thôi để thực phẩm được hấp thu tốt nhất.

Bằng lối viết súc tích, đơn giản, điều quan trọng nhất mà bác sĩ Hiromi Shinya – từng là người đầu tiên thành công trong việc phẫu thuật nội soi cắt bỏ polyp đại tràng – mang đến cho người đọc chính là việc khám phá ra “enzyme diệu kỳ”.

Cuốn sách chỉ hơn 200 trang đủ khiến người đọc giật mình trước những dẫn chứng thuyết phục của bác sĩ Hiromi: cấu tạo hàm răng con người vốn chỉ dành cho chế độ ăn 85% thực vật và chỉ 15% động vật.

“Nhai kỹ, khí huyết trong đầu được lưu thông, do vậy não hoạt động hữu hiệu hơn. Động tác nhai còn kích thích hệ thần kinh giao cảm điều hoà, đẩy mạnh hoạt động của các tạng phủ, các tuyến nội tiết, nhịp tim…

TS Ngô Đức Vượng

Càng ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, chúng ta càng chuốc lấy gánh nặng cho ngũ tạng, từ đó những căn bệnh thời đại có cớ xuất hiện trong bản tầm soát sức khoẻ của chúng ta. Thay vào đó, nguồn enzyme được cơ thể tạo ra khi hấp thu những thực phẩm có nguồn gốc thực vật.

Trong khi đó, từng là người ốm yếu và mắc bệnh ung thư, TS Ngô Đức Vượng cũng mang đến gần 400 trang viết trong Minh triết trong ăn uống của phương Đông (First News và NXB Tổng Hợp TP.HCM) về chuyện ăn uống hợp lý để làm nền móng cho một cuộc sống ít hoặc không mang bệnh tật.

Những gì chúng ta ăn đều tác động đến tuổi thọ, đến tính tình, giới tính và cả dáng vẻ bên ngoài. Chọn chế độ ăn chú trọng tính cân bằng âm dương trong các thực phẩm có nguồn gốc thực vật, tác giả giải thích cặn kẽ nguồn gốc nhiều chứng bệnh mọi người mắc phải dù đã ăn thuần chay và cách để lướt qua.

Chuyện ăn ít thịt (hoặc có khi là loại bỏ hẳn thịt) là một sự lựa chọn nếu ai đó thông suốt những dưỡng chất con người cần đều có thể được đáp ứng đủ từ ngũ cốc. Quan trọng nữa là việc buông bỏ ham muốn ăn nhiều thịt sẽ mang đến một trạng thái nhẹ nhõm vì bớt tích lũy độc tố, sự đớn đau của động vật khi bị làm thịt thông qua miếng ăn…

Ngoài ra, cũng như bác sĩ Hiromi, TS Ngô Đức Vượng nhấn mạnh đến cách ăn, “điều vô cùng quan trọng là nhai kỹ sẽ làm tăng cường tiềm thức và tư duy thẳm sâu”. Ăn bằng một tâm hồn thư thái là dịp luyện tập tính kiên trì, buông xả.

Ăn không chỉ 
cho trăm năm

Có thể chúng ta sẽ đạt tới 100 năm tuổi thọ và có thể truyền thừa cho con cháu một bộ gen khỏe mạnh với phương thức sống lành mạnh như các tác giả trên đã viết, nhưng còn một lý do khác rất đáng suy ngẫm khi quyết định thực đơn mỗi ngày của mình.

Trong quyển Con đường thoát hạn – Giải pháp Israel cho một thế giới khát nước (Alphabooks và NXB Thế Giới), tác giả Seth M. Siegel – một luật sư, nhà hoạt động xã hội và doanh nhân – đã dẫn nhập bằng cuộc khủng hoảng thiếu nước toàn cầu, trong đó có một nguyên nhân rất phổ biến: “người trung lưu hầu hết có chế độ ăn giàu protein, để có được 1 cân (kg) thịt bò cần sử dụng lượng nước gấp 17 lần so với trồng được một cân ngô (bắp)”. Và ông dự báo đến năm 2020, trên thế giới số người thuộc tầng lớp trung lưu sẽ tăng đến 3,25 tỉ người!

Bác sĩ Hiromi đã đánh động “thói quen sẽ viết lại gen di truyền cho thế hệ sau”. Và ăn uống là một thói quen được khởi nguồn từ cái bếp của gia đình.

TS triết học Will Tuttle trong Thức ăn vì thế giới hòa bình (NXB Tổng Hợp TP.HCM) cũng dành nhiều trang sách nói về vấn đề môi trường – điều mà thế hệ tương lai sẽ nhận lãnh từ tiền nhân hôm nay. Đất, nước và nhiên liệu hóa thạch đang bị vắt kiệt bởi ngành chăn nuôi công nghiệp, trong khi ba yếu tố này lại quyết định sự tồn vong của con người.

Một ví dụ được trích dẫn cho thấy ở đất nước rộng lớn như Mỹ, “một ngày sản xuất thực phẩm cho một người ăn tạp cần đến hơn 15.000 lít nước so với lượng nước chưa đến 1.100 lít cho một người ăn thuần chay”.

Nên những gì chúng ta ăn đâu chỉ tạo ra sức khoẻ thân – tâm của chúng ta, mà còn làm nên diện mạo của Trái đất này. Chúng ta đâu chỉ ăn để đạt đến cuộc sống khoẻ, sống thọ 100 năm khi thực phẩm chúng ta đang dung nạp nằm trong vòng tròn sinh tồn của tạo hoá.

Tuy những quyển sách chỉ bày cho chúng ta phương thức sống lành mạnh khởi đầu từ thói quen ăn uống không phải dễ dàng áp dụng cho số đông, nhưng đó là loại sách chúng ta đừng nên tiếc thời gian để tìm kiếm, chọn lọc và đọc – bởi sức khoẻ là vốn quý được chắt chiu trong từng phút giây sống của mỗi người.

BÍCH DẬU