11/01/2025

Phim nhiều cảnh ‘mát mẻ’ đem chiếu cho trẻ em

Bộ phim Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2, khởi chiếu từ ngày 28.1 tại nhiều hệ thống rạp trên toàn quốc, được dán nhãn P – không hạn chế đối tượng khán giả, kể cả trẻ em. Tuy nhiên, đáng nói là bộ phim có những hình ảnh bạo lực, thậm chí “mát mẻ”.

 

Phim nhiều cảnh ‘mát mẻ’ đem chiếu cho trẻ em

Bộ phim Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2, khởi chiếu từ ngày 28.1 tại nhiều hệ thống rạp trên toàn quốc, được dán nhãn P – không hạn chế đối tượng khán giả, kể cả trẻ em. Tuy nhiên, đáng nói là bộ phim có những hình ảnh bạo lực, thậm chí “mát mẻ”.



Cảnh trong phim Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2  /// Ảnh: tư liệu

Cảnh trong phim Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2ẢNH: TƯ LIỆU

Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2 thuộc thể loại hài, hành động xoay quanh những cuộc chiến đấu với yêu quái trên hành trình Đường Tam Tạng cùng các đồ đệ Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới và Sa Ngộ Tĩnh tới Tây Thiên thỉnh kinh.
Thế giới hạn chế, VN “vô tư”
Trên trang web xếp hạng phim uy tín của thế giới là IMDb, Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2 (tên tiếng Anh: Journey to the West: The Demons Strike Back) được dán nhãn PG-13, nghĩa là không phù hợp với khán giả dưới 13 tuổi. Nhiều trang web điện ảnh cũng ghi bộ phim được dán nhãn PG-13 với khuyến cáo có các pha hành động bạo lực, một số nội dung khêu gợi, lời đùa thô thiển…
Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2 được công chiếu tại VN không có quá nhiều khác biệt với phiên bản gốc. Một số hình ảnh bạo lực xuất hiện ngay trong phần đầu phim khi Đường Tam Tạng yêu cầu các đồ đệ làm trò cho khán giả xem. Sa Ngộ Tĩnh chém bay đầu Tôn Ngộ Không (cái đầu mọc lại liền sau đó). Ngoài ra, một số hình ảnh đánh nhau, chặt đầu, phá huỷ xóm làng được thể hiện có phần rùng rợn. Kỹ xảo phim được đầu tư lớn giúp tạo hiệu ứng cho các cảnh hành động, tạo cảm giác mạnh cho người xem. Chưa hết, một số hình ảnh “mát mẻ” xuất hiện trong đoạn phim Đường Tam Tạng và các đồ đệ gặp yêu tinh nhền nhện dưới hình dạng của những cô gái xinh đẹp. Các cô gái mặc những bộ váy lộ bầu ngực nở nang, để hở những đôi chân thon dài. Trong suốt bộ phim cũng xuất hiện nhiều hình ảnh “nóng mắt” và một số câu thoại có tính chất “người lớn”.
Chị Hoàng Lê (ở đường Lê Trọng Tấn, Hà Nội) cho biết không dám để con trai 6 tuổi đi xem phim bộ phim này sau khi đã đi xem cùng bạn bè. “Tôi thấy nhiều hình ảnh và chi tiết trong phim không phù hợp với lứa tuổi, tâm lý của cháu”, chị Lê bày tỏ. “Theo tôi, bộ phim này mà chiếu cho lứa tuổi thiếu nhi thì không ổn chút nào”, anh Minh Hoàng (ở phố Thái Hà, Hà Nội) nói. Ông Châu Quang Phước, chuyên viên truyền thông trong lĩnh vực phim ảnh, nhìn nhận: “Với nhãn P, Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2 được giới làm phim trong nước ghi nhận là dán nhãn khá thoáng. Phim công chiếu tại Brunei, Trung Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan… vào cùng thời điểm phát hành tại VN, hầu như đều được các nước xếp loại PG-13”.
Siết phim nội ?
Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng có những bộ phim sản xuất trong nước lại đang bị “kiểm duyệt” khắt khe qua… dán nhãn. Nằm trong số các phim Việt phát hành dịp tết, bộ phim hài Rừng xanh kỳ lạ truyện được dán nhãn C13, cấm khán giả dưới 13 tuổi. Bà Bích Liên, Công ty Sen Vàng – đơn vị sản xuất bộ phim, bày tỏ: “Những nhà sản xuất như chúng tôi cảm thấy có phần mông lung về quy định dán nhãn. Các nhà quản lý cần có quy định cụ thể hơn, chẳng hạn như phim dành cho mọi khán giả không được có hình ảnh mặc bikini, không có cảnh vuốt ve, âu yếm… Bởi ngay từ trước khi thực hiện bộ phim, chúng tôi đã hướng đến đối tượng khán giả là gia đình, dành cho mọi đối tượng. Việc dán nhãn như vậy khiến chúng tôi mất đi một lượng khán giả”.
Theo ông Châu Quang Phước, việc nhãn phân loại phim hiệu quả là nhu cầu sống còn với các nhà phát hành phim tại VN, bất kể đó là phim nội hay phim ngoại nhập. “Không khó để nhận ra các phim ngoại nhập mùa tết này chỉ cần được dán nhãn thoáng hơn là xem như cán cân đã lệch lại càng nghiêng hơn, với lợi thế thuộc về các phim ngoại nhập. Đây chỉ mới là năm đầu tiên chính thức triển khai bảng phân loại phim với nhiều cấp độ như hiện có, dễ tạo “sức ép” cho các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, những người có trách nhiệm liên quan cần lắng nghe để điều chỉnh cho hợp lý”, ông Phước nhìn nhận.
Hội đồng duyệt phim nói gì ?
 
Từ thực tế nêu trên, Thanh Niên đã phỏng vấn đạo diễn Vũ Xuân Hưng, Chủ tịch Hội đồng duyệt phim quốc gia, xung quanh việc phân loại phim mới.
Nhiều ý kiến phản ánh bộ phim Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2 có một số hình ảnh khá bạo lực, “mát mẻ”, một số lời thoại cũng khá thô. Trong khi thế giới dán nhãn bộ phim không phù hợp với khán giả dưới 13 tuổi, phải chăng hội đồng duyệt phim đã khá thoáng khi dán nhãn P cho phim này?
Chúng tôi không theo quy định của thế giới mà theo quy định trong nước. Bộ phim này dựa theo tác phẩm Tây du ký của Trung Quốc, tất nhiên không làm theo dạng phim Tây du ký mà đa phần khán giả VN vẫn thường xem mà có thay đổi về nội dung và hình thức thể hiện. Chúng tôi thấy có những nội dung như bạn vừa trao đổi, nhưng khi ngồi thảo luận chúng tôi cho rằng những nội dung này chưa tới mức phải hạn chế độ tuổi. Hội đồng phân loại phim trên cơ sở pháp luật, nếu thấy những yếu tố đó chưa đến mức vi phạm thì có thể phân loại ở mức độ rộng rãi hơn. Hơn nữa, chúng tôi đã cân nhắc kỹ, bởi từ đầu năm đến giờ chưa có phim nào được phổ biến rộng rãi, đây là bộ phim đầu tiên.
Trong đợt phim tết vừa qua, một số nhà sản xuất phim Việt cho rằng hội đồng kiểm duyệt khá “kỹ tính” trong việc xem xét phân loại lứa tuổi với những bộ phim trong nước.
Chúng tôi không phân biệt phim trong nước và nước ngoài mà chỉ căn cứ vào nội dung và hình thức thể hiện phim. Các tác giả hoặc nhà sản xuất trong nước đương nhiên khi làm phim sẽ quan tâm đến tác phẩm của mình nên thấy việc này chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, nhận định như vậy là không chính xác.
Có ý kiến cho rằng một số nhà phát hành đang tìm cách đi “cửa sau” cho việc dán nhãn phim, nhất là khi doanh thu phim có thể bị ảnh hưởng từ việc dán nhãn?
Nhìn nhận như vậy là không đúng. Hội đồng thẩm định không phải một người mà hiện có tới 11 người ở rất nhiều tổ chức khác nhau, nên không có chuyện “chạy cửa trước, cửa sau”. Nếu có “chạy” thì cũng chỉ là ý kiến của một người, còn hội đồng hoạt động, ngồi xem, thẩm định ý kiến của từng cá nhân được ghi vào văn bản sau đó tổng hợp lại. Các ý kiến được trao đổi để đi đến thống nhất. Việc thẩm định phim là ý kiến của một tập thể hội đồng, chứ không phải ý kiến của một cá nhân.

 

Ngọc An