10/01/2025

Khát vọng lớn – nền móng yếu – khó đi xa

Mô hình Singapore gần đây được một số thành phố Việt Nam nhắm đến nhiều như một mục tiêu hướng tới cho sự phát triển.

 

Khát vọng lớn – nền móng yếu – khó đi xa

Mô hình Singapore gần đây được một số thành phố Việt Nam nhắm đến nhiều như một mục tiêu hướng tới cho sự phát triển. 

 

 

Khát vọng lớn - nền móng yếu - khó đi xa
TS Vũ Minh Khương (ĐH Quốc gia Singapore) – Ảnh: Quang Định
Mỗi người Việt Nam nên tự suy ngẫm về nhận xét mà nhiều chuyên gia quốc tế trong phân tích Việt Nam thường có cùng chia sẻ: khát vọng lớn – nền móng yếu – khó đi xa

Các đô thị của Việt Nam ở đâu trong mục tiêu đó và cần phải làm những gì để đạt được giấc mơ?

Đầu năm mới, Tuổi Trẻ đối thoại với TS Vũ Minh Khương – giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, ĐH Quốc gia Singapore – về khát vọng vươn lên của một số đô thị Việt Nam.

Đòi hỏi nỗ lực 
phi thường

* Định hướng cho sự phát triển của TP.HCM, Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng đặt ra mục tiêu phải giành lại danh hiệu “Hòn ngọc Viễn Đông”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong một lần thăm TP.HCM gần đây còn nhấn mạnh thêm TP.HCM phải là “Hòn ngọc chiếu sáng Viễn Đông”. Theo ông, những mong mỏi đó có thực hiện được không? Nếu có thì khi nào và cần điều kiện gì?

– Theo tôi, những ước muốn mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng đặt ra là rất ý nghĩa và đúng lúc.

Danh hiệu “Hòn ngọc Viễn Đông” nói tới một vị thế quý giá mà mọi người đều ao ước, ngưỡng mộ. Nó có tính thôi thúc cao vì TP.HCM đã từng được biết tới với danh hiệu đó.

Tiêu thức “Hòn ngọc chiếu sáng Viễn Đông” gợi ý sự tỏa sáng của TP.HCM không chỉ ở mục tiêu đạt tới mà cả ở con đường và cách thức đưa TP.HCM đi đến tương lai.

Trong vòng ba thập kỷ tới, xu thế đô thị hoá sẽ diễn ra rất mạnh mẽ, đặc biệt là ở châu Á. Nhịp độ và đẳng cấp phát triển của một quốc gia, do vậy, tuỳ thuộc rất nhiều vào nhịp độ và đẳng cấp phát triển của các thành phố, đặc biệt là các thành phố siêu lớn (mega-city) như TP.HCM.

Theo tôi, những ước muốn nói trên cho TP.HCM là khả thi, nhưng đòi hỏi những nỗ lực phi thường. Để trở thành “Hòn ngọc chiếu sáng Viễn Đông”, chúng ta phải quả cảm cải cách.

Chúng ta không thể “chiếu sáng Viễn Đông” với tư duy còn tù mù bởi những lý thuyết giáo điều, với tâm thức còn thiếu vắng sự sáng chói những tấm lòng vì dân, và với thể chế và cơ chế còn rất thiếu minh bạch.

* Theo ông, đâu là những vấn đề nguyên lý để một thành phố có thể đi tới những ước vọng lớn của mình?

– Ước muốn là điểm khởi đầu rất quan trọng và đáng quý. Không có nó, không thể đi xa. Tuy nhiên, để biến nó thành hiện thực, ước muốn cần được dựa trên ba động lực nền tảng: xúc cảm trách nhiệm, nhận thức khai sáng và năng lực 
phối thuộc.

Xúc cảm trách nhiệm làm lòng người thôi thúc – đó là nguồn năng lượng tiềm tàng mà mỗi thành phố cần khơi dậy và khai thác.

Cái khó là khơi dậy động lực này đòi hỏi người lãnh đạo phải hết lòng hiến dâng và biết truyền cảm mạnh mẽ tầm nhìn của mình đến cộng sự và người dân.

Nếu thiếu động lực này thì ước vọng, dù có được biểu đạt bằng lời hay ý đẹp đến đâu, cũng dừng lại ở những trang báo chứ không tạo biến chuyển gì trong cuộc sống.

Nhận thức khai sáng đòi hỏi tư duy thực tế và khả năng phân tích chiến lược. Nó giúp hoạch định những bước đi cụ thể để đi đến tầm nhìn trong thời gian ngắn nhất. Bài toán khó ở đây là cần có người tài trong bộ máy công quyền.

Ở Việt Nam, khi đưa ra một dự án lớn, câu hỏi đầu tiên thường là “tiền đâu?” chứ không phải là “mục tiêu bao trùm là gì?”, “đâu là cách làm hay nhất để đạt mục tiêu đó?” và “ai có thể làm việc này xuất sắc nhất?”. Do vậy, người tài khó có cơ hội xuất hiện.

Năng lực phối thuộc tạo sự gắn bó phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước và giữa Nhà nước và doanh nghiệp cũng như người dân trong mọi nỗ lực cải biến và phát triển. Nâng cao năng lực này đòi hỏi cải cách thể chế, gia cường tổ chức và phát triển nguồn lực con người.

Công thức MPH

* Theo cách nhìn của ông từ Singapore, các thành phố lớn ở Việt Nam cần lưu tâm trước hết điều gì trong nỗ lực vươn tới ước muốn vươn lên?

– Xây dựng bộ máy chính quyền chuyên nghiệp, trung thực và tâm huyết với mục tiêu phát triển thôi thúc phải là bước đi đầu tiên.

Singapore dùng công thức MPH trong tư duy chỉ đạo xây dựng bộ máy, trong đó M (Meritocracy) là trọng hiền tài, P (Pragmatism) là tư duy thực tế, H (Honesty) là sự trung thực.

Thành phố có thể tham khảo chuyên gia hoặc đội ngũ cán bộ chủ chốt về chỉ số MPH của mình với thang điểm từ 1-5 (1 là rất yếu, 2 là yếu, 3 là trung bình, 4 là khá và 5 là xuất sắc).

Bộ máy quản lý của thành phố có thể được coi là có hiệu năng tốt nếu điểm tổng hợp bình quân MPH vượt trên 4,0.

Chỉ số MPH cũng có thể hiểu nôm na là Miles Per Hour (dặm trên giờ), nó quyết định tốc độ đi tới mục tiêu khát vọng của thành phố.

Theo tôi, các thành phố lớn của Việt Nam nên có khảo nghiệm với chuyên gia, cán bộ và người dân xem mức điểm MPH của mình đang ở đâu, xu thế đi lên hay đi xuống.

Nếu mức điểm tổng hợp cao hơn 4,0 điểm và có xu thế tăng lên thì tương lai phía trước là tươi sáng.

Nếu mức điểm dưới 3,0 và trong nguy cơ giảm sút thì rất đáng lo ngại. Nó cần được báo động đỏ và có thể cần thay đổi nhân sự ngay để tạo bước ngoặt cải cách.

Việt Nam cũng cần lưu tâm đến hạn chế mà nhiều địa phương đang gặp phải là sự thiên lệch cho đầu tư vào phần cứng (xây dựng công trình, tượng đài, tạo biểu tượng) và các dự án đem lại niềm vui ngắn hạn (lễ hội, trang trí, nhạc nước, pháo hoa).

Trong khi đó chúng ta xem nhẹ nỗ lực nâng cấp các yếu tố phần mềm tạo nên nền tảng cho công cuộc phát triển lâu dài, đặc biệt là nhân cách, ý thức công dân, lòng tự trọng, niềm khát khao học hỏi, năng lực tiếp thu tri thức nhân loại.

* Với Đà Nẵng, thành phố được nhiều người gọi là “Thành phố đáng sống”, xếp hạng đầu PCI trong mấy năm qua, nếu cá nhân ông cho điểm MPH của Đà Nẵng là bao nhiêu?

– Tôi sẽ cho ở khoảng giữa 3,5 và 4,0. Đà Nẵng là thành phố rất đáng trân trọng về nhiều thành tích phát triển. Bộ máy công quyền của thành phố có tiếng tốt về sự trong sạch, tận tâm so với bối cảnh chung.

Đà nẵng chưa tạo ra những đột phá mới. Vị thế hiện nay của Đà Nẵng có được vẫn chủ yếu dựa vào những di sản mà cố bí thư Nguyễn Bá Thanh để lại.

Tuy nhiên, thành phố chưa tạo ra những đột phá mới. Vị thế hiện nay của Đà Nẵng có được vẫn chủ yếu dựa vào những di sản mà cố bí thư Nguyễn Bá Thanh để lại.

* Còn TP.HCM thì sao?

– Tôi nghĩ là cần có sự khảo sát kỹ hơn để có câu trả lời thấu đáo. Với cảm nhận sơ bộ, tôi chỉ cho 3,0 cho cả 3 yếu tố M, P, H.

* Theo nghiên cứu của ông, vì sao chưa có những đổi thay mạnh mẽ ở các thành phố của Việt Nam?

– Đó là do tích lực đổi thay chưa lớn hơn vượt bậc so với tổng lực cản trở. Tích lực đổi thay là tích số của ba yếu tố – áp lực, tầm nhìn và điều kiện khuyến tạo. Tổng lực cản trở là tổng số của hai yếu tố – tư duy cũ và lợi ích nhóm.

Trong nhóm tích lực đổi thay, yếu tố “điều kiện khuyến tạo” đã nâng lên rất nhiều do thành quả của công cuộc đổi mới 30 năm qua và những tiến bộ vượt bậc do công nghệ thông tin và toàn cầu hóa mang lại.

Thế nhưng, yếu tố tầm nhìn còn hạn chế vì nó nếu có, mới dừng ở mức ước muốn chứ chưa biến thành động lực mạnh mẽ thôi thúc cán bộ và người dân. Bên cạnh đó, yếu tố áp lực còn rất nhỏ.

Do nước ta có vị thế mặt tiền, viện trợ và đầu tư nước ngoài chảy vào rất lớn mà không cần cố gắng nhiều, các thành phố chưa thấy hết sự cấp bách phải trỗi dậy để tự thân vươn lên làm động lực phát triển cho cả nước.

Do là tích số của ba yếu tố áp lực, tầm nhìn và điều kiện khuyến tạo làm tích lực đổi thay ở các thành phố Việt Nam có tăng nhưng chưa đủ lớn.

Trong khi đó, tổng lực cản trở không giảm mà có xu thế tăng mạnh. Mặc dù yếu tố tư duy giáo điều đã nhỏ hơn trước rất nhiều, yếu tố lợi ích nhóm lại tăng lên nhanh chóng.

Đặc biệt, lợi ích nhóm từ tham nhũng ở các dự án đầu tư và bổ nhiệm cán bộ đang là trở lực khủng khiếp cản trở sự đổi thay.

* Nhiều người cho rằng chưa có cơ chế phát triển riêng cho các thành phố nên chưa thể phát triển trong tương lai?

– Việc này rất cần nhưng có lẽ không nên coi là điều kiện tiên quyết. Mỗi thành phố nên bắt đầu bằng nỗ lực cao nhất để làm tốt hơn công việc hiện tại; đặc biệt trong việc trọng dụng cán bộ giỏi của mình, áp dụng mạnh mẽ và sâu rộng hơn công nghệ thông tin, và thôi thúc học hỏi kinh nghiệm quốc tế.

Trong nỗ lực này, thành phố nên lập hội đồng hoạch định chiến lược phát triển với sự tham gia sâu rộng của chuyên gia, doanh nghiệp và người dân để đưa ra những mục tiêu và quyết sách đi đến tương lai với lộ trình chi tiết cho từng năm. Trên cơ sở đó, thành phố có thể đề nghị trung ương cho cơ chế thí điểm.

Vì vậy, thành phố hãy coi nâng chỉ số MPH là điều kiện hàng đầu. Đây là yếu tố nền móng. Khi trăn trở trong ước muốn đóng góp đưa đất nước đến phồn vinh, mỗi người Việt Nam nên tự suy ngẫm về nhận xét mà nhiều chuyên gia quốc tế trong phân tích Việt Nam thường có cùng chia sẻ: khát vọng lớn – nền móng yếu – khó đi xa.

3 điểm đáng học từ thành phố thông minh

* Với mong muốn được như Singapore, điểm nào ở quốc đảo này và các thành phố thông minh để Việt Nam có thể áp dụng được để trở thành thành phố thông minh, hiệu quả và đáng sống?

– Có mấy điểm đáng học tập từ các thành phố thông minh. Thứ nhất, khi phải giải quyết bất kể bài toán quản lý nào đều đặt ra câu hỏi đầu tiên là công nghệ thông tin có thể giúp gì để tăng hiệu quả nỗ lực này.

Thứ hai, phát triển phần mềm ứng dụng cho phép người dân phản ảnh kịp thời mọi vấn đề nảy sinh trong quản lý đô thị, từ nắp cống bị mất đến xây dựng trái phép, lên chính quyền thành phố.

Thứ ba, Cục Thống kê có thể khảo sát hằng quý tình hình sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp. Qua đó lãnh đạo thành phố và doanh nghiệp kịp thời nắm bắt động thái tăng trưởng, tạo việc làm và đầu tư của thành phố.


LÊ NAM (Thực hiện từ SINGAPORE)