29/11/2024

Bỏ tục treo cổ trâu đến chết ở Yên Bái

Bà Phạm Thị Thanh Trà, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, khẳng định tỉnh đã chỉ đạo và tuyên truyền người dân khu vực đền Đông Cuông, huyện Văn Yên không tổ chức nghi thức treo cổ trâu đến chết.

 

Bỏ tục treo cổ trâu đến chết ở Yên Bái

 Bà Phạm Thị Thanh Trà, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, khẳng định tỉnh đã chỉ đạo và tuyên truyền người dân khu vực đền Đông Cuông, huyện Văn Yên không tổ chức nghi thức treo cổ trâu đến chết.

 

 

Bà Trà cũng cho biết những clip treo cổ trâu ở đền Đông Cuông được đăng tải trên mạng xã hội thời gian gần đây là của những năm trước.

“Chúng tôi đã chỉ đạo sẽ không làm việc đó nữa nhưng cần phải tuyên truyền để người dân đồng thuận thay đổi, vì ở đây đều là đồng bào các dân tộc thiểu số” – bà Trà cho biết.

Bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở (Bộ VH-TT&DL), cũng xác nhận đơn vị này đã nắm được sự việc qua clip treo cổ trâu ở Yên Bái được lan truyền trên mạng xã hội.

“Quan điểm của chúng tôi đã được thể hiện rõ trong Thông tư 15/2015 của Bộ VH-TT&DL là các địa phương không được thực hiện các nghi thức trong lễ hội mô tả cảnh bạo lực, đâm chém phản cảm… Các nghi thức này cần phải thay đổi hình thức thực hiện.

Chúng tôi không yêu cầu người dân bỏ lễ hội nhưng nhưng trong lễ hội có một số nghi thức không còn phù hợp với thời hiện đại nên cần phải điều chỉnh. Như lễ hội làng Ném Thượng (Bắc Ninh) đã điều chỉnh hình thức từ chém lợn giữa sân đình chuyển sang làm trong nhà bạt quây kín.

Còn với lễ hội đền Đông Cuông, cộng đồng địa phương sẽ thảo luận và phối hợp với chính quyền địa phương để đưa ra phương án điều chỉnh phù hợp nhất”.

Chỉ trong một vài ngày, clip quay cảnh người dân treo cổ trâu đến chết ở Yên Bái đã lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Trong đó phần lớn các ý kiến đều thể hiện quan điểm là nghi thức dã man, tàn bạo đến rùng rợn, không còn phù hợp với thời hiện đại hôm nay.

Tuy nhiên, PGS. TS Bùi Quang Thắng (Viện văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam) lại cho rằng, các nghi lễ chém lợn, giết trâu… làm nhiều người văn minh cảm thấy rùng rợn, ghê tởm là chuyện có thật.

“Nhưng nhu cầu lễ nghi để phục vụ cho những niềm tin có tính cách nguyên thuỷ của dân ta cũng là một thực tế có thật. Chửi rủa những nghi lễ ấy bừa phứa, mà nhiều người chửi để chứng tỏ mình là người nhân văn hơn, thì đâu phải là cách tốt. 

Vấn đề là phải làm sao dung hòa được hai phía khi giải quyết một vấn đề, đừng bên nào áp chế, sỉ nhục bên nào.


Trường hợp như thế này, theo thiển ý của tôi nên để cộng đồng tự lựa chọn, nếu họ vẫn muốn giữ nghi lễ này hãy để họ làm, tuy nhiên nên có những biện pháp văn hoá để “che” cho những người tham dự lễ hội không thấy được cảnh này, cấm truyền hình, báo chí đưa tin những cảnh này” – ông Thắng nói.

Thông tư 15/2015 – Bộ VH-TT&DL nêu rõ, các địa phương không tổ chức các lễ hội có nội dung: kích động bạo lực, truyền bá các hành vi tội ác bao gồm những hoạt động trong đó có thể hiện cảnh trái với truyền thống yêu hoà bình và nhân ái của dân tộc VN. Cụ thể: mô tả cảnh đâm chém, đấm đá, đánh đập tàn bạo; mô tả cảnh rùng rợn, kinh dị; mô tả cảnh thoả mãn, khoái trá của kẻ gây tội ác; mô tả các hành động tội ác khác…

V.V.TUÂN