29/11/2024

Xe buýt ‘chặt chém’, hành khách bất bình

Những ngày tết vừa qua, hành khách di chuyển trên tuyến xe buýt 601 (bến xe Miền Tây, Q.Bình Tân, TP.HCM – bến xe Biên Hoà, Đồng Nai) đã bị một số nhà xe “chặt chém”.

 

Xe buýt ‘chặt chém’, hành khách bất bình

Những ngày tết vừa qua, hành khách di chuyển trên tuyến xe buýt 601 (bến xe Miền Tây, Q.Bình Tân, TP.HCM – bến xe Biên Hoà, Đồng Nai) đã bị một số nhà xe “chặt chém”. 

 

 

Xe buýt 'chặt chém', hành khách bất bình 
Ông M. và những tấm vé xe buýt in giá 400.000 đồng khiến nhiều hành khách bức xúc – Ảnh: Gia Minh

Dù gần 1 tuần đã trôi qua, nhưng ông N.H.M. (ngụ TP Biên H) vẫn còn bức xúc sau chuyến đi chúc tết đầu năm bằng xe buýt từ TP Biên Hoà tới vòng xoay An Lạc, Q.Bình Tân, TP.HCM.

Ông M. cho biết: “Sáng mùng 2 tết, tôi cùng vợ con lên xe từ trạm xe buýt ở P.Tân Hiệp, TP Biên Hòa để tới nhà người thân tại Q.Bình Tân. Ban đầu, tôi không chú ý, nhưng sau đó thấy bà xã trả hơn 100.000 đồng cho ba người, tôi mới thắc mắc sao giá xe buýt mà đắt vậy”.

In chồng giá để “chém”

Ông M. kể: chiều hôm đó, khi ông đón xe buýt theo đúng điểm ngược lại với buổi sáng thì lại thấy nhà xe chỉ thu 24.000 đồng/vé nên ông nghi ngờ, mang vé cũ ra đối chiếu. Nhìn kỹ lại, ông thấy trên vé ngoài các thông tin như bình thường, có giá vé 24.000 đồng, phía trên nhà xe lại in giá 400.000 đồng chồng lên.

Khoảng 8h30 sáng 3-2, chúng tôi gặp bà N.T.K.L. (ngụ H.Dĩ An, Bình Dương) khi bà vừa bước chân xuống khỏi chiếc xe buýt chạy tuyến 601, mang biển số 53N-5646 hướng từ Biên H về TP.HCM tại trước cửa Công ty giày da Thái Bình (H.Dĩ An).

Bà L. bức xúc nói: “Hồi sáng, tôi đưa con từ đây xuống bệnh viện ở Biên H khám bệnh, nhà xe thu có 15.000 đồng/người. Vậy mà giờ về thu tới 24.000 đồng/người.

Tôi nghèo, hai mẹ con thường xuyên phải đi xe buýt tới bệnh viện khám định kỳ. Nhà xe thu tiền quá giá quy định, không đưa vé nên tôi thắc mắc: Tại sao sáng sớm cô đi giá khác, giờ về lại giá khác?

Vậy mà họ còn hù tôi: Thu vậy đó, đi thì đi mà không đi thì xuống. Con tôi bệnh, tôi yếu thế này, đuổi tôi xuống đường thì tôi biết đi đâu, về đâu?”.

Vừa nói xong, bà L. liền mượn điện thoại gọi tới đường dây nóng của Sở GTVT tỉnh Đồng Nai để trình bày về sự việc của mình.

Xe buýt 'chặt chém', hành khách bất bình 
Nhân viên xe buýt biển số 53N-5646 thu 40.000 đồng cho đoạn đường từ ngã tư Gò Mây tới cầu vượt Linh Xuân (TP.HCM), trong khi theo quy định chỉ có 10.000 đồng – Ảnh: cắt từ video clip

Cũng trên chuyến xe buýt mà bà L. vừa xuống còn có chị N.T.H. (ngụ TP Biên H), di chuyển từ bến xe Biên Hòa tới ngã tư Ga (Q.12, TP.HCM) cũng cho biết: “Tôi đi xe thường xuyên, bình thường họ chỉ thu 15.000 đồng cho chặng này thôi, nhưng bữa nay nhà xe thu tới 25.000 đồng mà không đưa vé gì hết. Có cô L. vừa rồi bức xúc phản ảnh, chứ khách khác ai cũng ngại, sợ họ đuổi xuống xe nên không ai dám thắc mắc gì”.

40.000 đồng/20km

4h20 sáng 3-2, hành khách lên xe mang biển số 53N-5649 tại bến xe Miền Tây. Dù mới hơn 4h nhưng khoảng 50-60 người, hầu hết từ các tỉnh miền Tây, vừa đi xe đường dài về tới bến đã chen chúc nhau để lên xe.

Trên xe, ngoài những người nhanh chân lên trước, tìm được ghế ngồi thì những người còn lại phải đứng.

Xe chạy ra tới quốc lộ 1, nhân viên kiểm soát, bán vé là một thanh niên còn khá trẻ bắt đầu đi thu tiền khách và giao vé. Hầu hết khách lên xe, dù đi bất kỳ chặng nào, nhân viên này đều thu 25.000 đồng/khách.

Ông Đ. – một hành khách đi từ bến xe tới cầu vượt Tân Thới Hiệp (Q.12) – cũng bị thu 25.000 đồng, ông liền thắc mắc: “Tôi đi tới cầu vượt Tân Thới Hiệp, chưa tới nửa đường mà sao thu nguyên giá vậy?”, nam thanh niên chỉ gật đầu, đưa vé và đi thu tiếp của những người khác mà không trả lời. Tới ngã tư Gò Mây là hơn 4h40, ông Đ. xuống xe.

Khoảng 5h cùng ngày, ông Đ. tiếp tục lên xe mang biển số 53N- 5646. Khách đông, chật đến nỗi nhân viên nhà xe không thể di chuyển để thu tiền, mà chỉ thu tiền khi khách xuống xe.

Hầu hết hành khách đều bị thu 40.000 đồng, dù xuống bất cứ đâu, nếu có thêm hành lý gửi ở hầm thì tiền còn cao hơn.

Ông Đ. lên xe từ ngã tư Gò Mây, xuống xe tại cầu vượt Linh Xuân, chiều dài đoạn đường khoảng 20km nhưng nữ nhân viên thu tiền nói giá 40.000 đồng.

Khi ông Đ. vừa lấy tiền từ trong túi ra, nữ nhân viên này không cần hỏi lại, thò tay rút ngay hai tờ 20.000 đồng mà không hề đưa vé cho ông theo quy định.

Vừa xuống xe, chị H.T.H. (22 tuổi, quê An Giang) cũng bức xúc nói: “Tôi đi từ miền Tây lên, theo quy định, hai cô cháu mất một vé. Vậy mà xe này lấy của tôi 40.000 đồng, nghĩa là họ lấy hai vé chứ đâu phải một. Mà hai vé cũng sai nữa, vì đoạn đường này thông thường tôi đi chỉ mất 15.000 đồng/người thôi”.

Còn trên chuyến xe khác mang biển số 53N-5653, vào lúc 5h30 cùng ngày, một khách nói với tiếp viên đi tới ngã ba Vũng Tàu, đoạn đường chưa tới 10km, nam nhân viên của xe này cũng thông báo giá 25.000 đồng và xé vé có giá 24.000 đồng đưa cho khách.

Trên đường quay ngược trở về bến xe Miền Tây, khách lên xe 53N-5646 vào lúc 8h15 ngày 3-2 tại trạm Suối Tiên, nữ nhân viên của xe này vẫn thu 25.000 đồng và không đưa vé.

Trước đó, trong các ngày 29, mùng 2 tết, chúng tôi đã ghi nhận các xe mang biển số 53N-5647, 53N-4103, 53N-4165, 53N-5653 liên tục thu tiền với giá 30.000-40.000 đồng/khách, có khi đưa vé, có khi không.

Đang kiểm tra, xử lý

Tuyến xe buýt 601 (bến xe Miền Tây, Q.Bình Tân, TP.HCM – bến xe Biên Hòa, Đồng Nai) dài 62km, giá vé cho toàn tuyến là 24.000 đồng/khách. Mỗi chặng khoảng 12km sẽ thu giá 5.000 đồng/khách.

Ông Nguyễn Văn Lèo, tổng giám đốc Công ty TNHH Vận tải TP.HCM (Citranco), khẳng định: “Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, không thể dung túng các hành động gây ảnh hưởng tới hình ảnh xe buýt”.

Theo Citranco, sau khi nắm thông tin sơ bộ, công ty đã làm việc với một số nhà xe bị phản ảnh, một số đã thừa nhận vi phạm, số khác yêu cầu đối chất.

Riêng với nhà xe nghi vấn in chồng giá vé với mệnh giá 400.000 đồng và thu 40.000 đồng đã bị tạm đình chỉ chờ kết luận.

GIA MINH