16/01/2025

Nhiều người nước ngoài nói ‘tiếng ồn làm phiền chúng tôi’

Câu chuyện “Karaoke tra tấn láng giềng” thu hút sự quan tâm, chia sẻ từ rất nhiều bạn đọc là nạn nhân tiếng ồn. Nhiều người nước ngoài đến làm việc, sinh sống ở Việt Nam cũng lên tiếng về vấn đề này.

 

Nhiều người nước ngoài nói ‘tiếng ồn làm phiền chúng tôi’

Câu chuyện “Karaoke tra tấn láng giềng” thu hút sự quan tâm, chia sẻ từ rất nhiều bạn đọc là nạn nhân tiếng ồn. Nhiều người nước ngoài đến làm việc, sinh sống ở Việt Nam cũng lên tiếng về vấn đề này.

 

 

 

Nhiều người nước ngoài nói 'tiếng ồn làm phiền chúng tôi'
Loa công suất lớn đặt ngay quán nhậu trên vỉa hè đường Phạm Văn Đồng (TP.HCM) để mọi người vừa nhậu, vừa hát – Ảnh: Quang Định

Ông Neil McGinness (người Scotland – Vương quốc Anh):

Tiếng ồn phát ra khắp nơi

Nhiều người nước ngoài nói 'tiếng ồn làm phiền chúng tôi'
Ông Neil McGinness  - Ảnh: NVCC

Tính đến nay, tôi mới sống và làm việc ở Việt Nam được 2 tháng, nhưng ô nhiễm tiếng ồn mức độ cao tại Việt Nam khiến tôi khó chịu và thấy mình bị làm phiền.

Phòng trọ nơi tôi ở tại thủ đô Hà Nội phía bên kia đường có một gia đình hát karaoke rất lớn, đến 10h mỗi đêm. Phòng trọ này cũng nằm kế một công trường xây dựng ầm ĩ tiếng xe cộ chạy ra chạy vào mỗi đêm.

Ở Anh, nếu chuyện này xảy ra, chúng tôi sẽ yêu cầu những người liên quan phải giảm âm lượng. Nếu họ phớt lờ, chúng tôi sẽ báo cảnh sát ngay và có khả năng họ bị phạt hành chính theo quy định của luật pháp.

Ở Scotland, một số hộp đêm có dịch vụ karaoke, nhưng thường mọi người hát karaoke trong quán bar có hệ thống cách âm tốt nên âm thanh không thoát ra đường phố.

Chúng tôi không tổ chức hát karaoke trên đường phố. Thỉnh thoảng mọi người hát karaoke ở nhà, nhưng điều này không thường xảy ra. Và khi hát karaoke tại nhà, mọi người hát rất nhỏ.

Trong thời gian ở Việt Nam, theo tôi quan sát, không chỉ có karaoke gây ô nhiễm tiếng ồn, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân mà còn có nhiều yếu tố khác.

Khi đi bộ trên đường, tôi thường nghe những âm thanh chát chúa phát ra từ các nhà hàng, quán bar với những cánh cửa chính và cửa sổ được mở rộng, hay từ một ai đó có các nhạc cụ hay mang theo dàn âm thanh trên đường phố. Âm thanh này rất lớn, lớn hơn nhiều so với ở Anh.

Ngoài ra, người dân tại những nơi công cộng ở Việt Nam thường nghe nhạc hay xem phim qua điện thoại với âm lượng lớn mà không dùng tai nghe. Tài xế thỉnh thoảng mở nhạc trên những chuyến xe đêm trong khi hành khách đang cố gắng ngủ.

Nhiều hành khách đi xe cũng mở nhạc, xem tivi mà không mang theo tai nghe. Điều này cũng thường xảy ra ở các phòng chờ, bến xe buýt, các sảnh khách sạn. Những hành vi như thế này chắc chắn không xảy ra ở Anh, vì đó là hành vi khiếm nhã và thường bị mọi người phản đối.

Tôi cũng quan sát thấy trong các quán cà phê ở Việt Nam phát nhạc khá lớn. Điều này khiến tôi thấy rất lạ vì tại Anh chúng tôi thường bật nhạc nhỏ, bởi mọi người đến quán cà phê chỉ để thư giãn hoặc làm việc.

Một câu chuyện khác cũng liên quan đến ô nhiễm tiếng ồn ở Việt Nam là gần đây khi vào rạp chiếu phim, tôi thấy một người đàn ông ngồi phía sau tôi trả lời điện thoại đến ba lần!

Ở Anh, chúng tôi có luật lệ về ô nhiễm tiếng ồn. Ví dụ, các công trường xây dựng chỉ được phép hoạt động trong một số giờ cụ thể ở những khu dân cư để tránh làm phiền cư dân (thường từ 8-9h sáng đến 6h tối).

Ông Stivi Cooke 
(giáo viên người Úc):

Cha mẹ 
phải làm gương

Nhiều người nước ngoài nói 'tiếng ồn làm phiền chúng tôi'
Ông Stivi Cooke –  Ảnh: NVCC

Tôi sống ở Hội An, Quảng Nam và tại đây cũng có tình trạng ồn ào do người ta dùng loa ca hát. Tôi rất ghét những chiếc loa lớn mà người ta dựng ngoài đường, vì tiếng ồn làm tôi bị đau tai.

Tôi nghĩ các bác sĩ ở Việt Nam cũng đã cảnh báo tiếng ồn có khả năng gây ra những tổn thương vĩnh viễn cho tai người. Ngoài ra, đó còn là một hiểm hoạ giao thông bởi người đi đường thường đi chậm lại để xem những chỗ đó đang làm gì.

Cá nhân tôi nghĩ việc bật nhạc ngoài trời không ai phản đối, nhưng âm thanh không được quá lớn để không gây bực bội và khó chịu cho người khác.

Ở Úc và nhiều quốc gia khác, người ta rất nghiêm khi nếu gây ra tiếng ồn, cảnh sát thậm chí có thể dẹp luôn các bữa tiệc nếu chủ nhà không chịu ngừng mở nhạc to. Tại các quán rượu, việc mở nhạc cũng phải tuân thủ theo quy định và những nơi đó bắt buộc phải có tường cách âm.

Tôi từng có thời gian sống tại Nhật và Hàn Quốc. Ở các nước này, người dân sống rất gần nhau nên họ cũng thận trọng trong việc xử lý tiếng ồn. Ngoài ra, luật cũng quy định rất nghiêm ngặt, cảnh sát có quyền thu thiết bị và phạt nặng những hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn.

Tôi nghĩ chuyện gây ô nhiễm tiếng ồn cũng giống như xả rác nơi công cộng, là vấn đề liên quan đến cách hành xử của người lớn và nề nếp mà trẻ con nhìn thấy trong gia đình chúng.

Tôi chắc rằng nhiều người Việt Nam không thấy ô nhiễm tiếng ồn là vấn đề to tát, bởi vì nó đã trở thành một phần cuộc sống rồi. Do vậy sẽ không có nhiều thay đổi nếu xã hội không có cái nhìn rộng hơn về việc tôn trọng người khác.

Tôi thấy ở Việt Nam người ta thường có ý thức tôn trọng người khác trong phạm vi gia đình hay hội nhóm, nhưng khi ở một phạm vi lớn hơn như ngoài xã hội, người ta lại ít có ý thức tôn trọng cộng đồng. Ví dụ cho nhận định này của tôi là việc bóp còi xe inh ỏi trên đường phố.

Tôi nghĩ giáo dục trẻ em từ nhỏ để lớn lên chúng có ý thức tôn trọng người khác là điều tốt.

Như chúng ta biết, nhà trường là nơi dạy các em điều hay lẽ phải, còn gia đình là nơi các em thực hành nhiều nhất, nên nếu cha mẹ chúng không tôn trọng người khác thì việc dạy dỗ ở trường cũng hoài công vô ích.

Khi cha mẹ làm trái với các chuẩn mực của xã hội, thì trẻ em nhiều khả năng sẽ làm theo những gì cha mẹ làm. Do vậy công tác giáo dục phải được triển khai cả với cha mẹ và trẻ con.

Với người lớn, các chiến dịch quảng cáo công khai hay thông qua phim ảnh là một cách tuyên truyền ý thức tôn trọng người khác. Hãy thử xem một bảng quảng cáo có nội dung thế này “Nếu bạn vượt đèn đỏ, bạn nghĩ con bạn sẽ làm gì?” liệu có tác động đến họ không?

Ông Hiroyuki Morisue (người Nhật, giảng viên Trường ĐH Thăng Long, Hà Nội):

Nhiều người nước ngoài nói 'tiếng ồn làm phiền chúng tôi'
Ông Hiroyuki Morisue – Ảnh: NVCC

 

Văn hóa Nhật Bản hạn chế làm phiền người khác

Tôi đã sống ở Việt Nam được 3 năm. Lúc mới đến Việt Nam, tôi sống tại đường Trần Thái Tông, Hà Nội. Đường này có rất nhiều quán karaoke với âm thanh inh ỏi khiến tôi không thể ngủ được.

Ngoài ra, những lúc tôi đi mua sắm hoặc đi bộ, âm nhạc mà người xung quanh phát ra quá lớn khiến tôi không thể nói chuyện với bạn bè được.

Ở Nhật Bản có nhiều quán karaoke tại các khu vực ít dân cư, nhưng hầu hết các quán karaoke này có trang bị hệ thống cách âm hiện đại để âm thanh không phát ra bên ngoài, gây ảnh hưởng cho người dân sống xung quanh. Trong khi đó ở Việt Nam, không chỉ quán karaoke mà các cửa hàng cũng phát nhạc rất lớn.

Đối với người Nhật chúng tôi, mỗi người nghe nhạc cho riêng mình chứ không phải để người khác nghe, do vậy mỗi khi đi dạo hoặc ở những nơi công cộng, muốn nghe nhạc thì chúng tôi thường đeo tai nghe để không làm phiền đến người khác.

Văn hóa Nhật Bản hạn chế làm phiền người khác đến hết mức có thể, do đó bên ngoài các quán karaoke thường rất yên tĩnh.

Tuy vậy, thỉnh thoảng cũng có những mâu thuẫn nhỏ xảy ra do tiếng ồn. Ví dụ, có một quán bar nhỏ ở Tokyo hoạt động ban đêm nhưng quán quá cũ, không trang bị hệ thống cách âm khiến hàng xóm giận dữ vì tiếng ồn phát ra từ đây và họ gọi cảnh sát đến giải quyết…

Tôi nghĩ để ngăn chặn những xung đột như thế xảy ra, mọi người phải nghĩ về nhau, tôn trọng nhau nhiều hơn.

QUỲNH TRUNG ghi

Đoàn ca nhạc tạp kỹ gây ồn khu dân cư

Người dân sống tại P.15, Q.8 (TP.HCM) phản ảnh từ ngày 28 tháng chạp đến nay, tại khu vực cầu Kênh Ngang số 3 có một đoàn hội chợ, lô tô, ca nhạc hoạt động gây ồn ào khiến nhiều người khó chịu.

“Việc mở nhạc với công suất lớn suốt từ đầu tối đến khuya gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân tại khu vực” – một người dân ở khu vực cầu Kênh Ngang số 3 cho biết.

Trao đổi về vấn đề này, bà Ngô Thị Trúc Giang, phó chủ tịch UBND P.15 (Q.8), cho biết trước Tết Nguyên đán phường có nhận hồ sơ xin tổ chức biểu diễn tại địa bàn phường của chủ đoàn ca nhạc nói trên.

Trong đó, chủ đoàn có trình giấy phép biểu diễn do Sở Văn hoá – thể thao TP.HCM cấp, một giấy phép đăng ký hoạt động của đoàn và một đơn xin được hoạt động trên địa bàn P.15. Sau khi xem xét, phường đã chuyển hồ sơ lên Phòng Văn hóa – thông tin Q.8 để được phê duyệt.

Theo bà Giang, đoàn ca nhạc trên xin được hoạt động từ ngày 25-1 đến 5-2 và hoạt động trong khung giờ từ 19h-22h mỗi ngày. Phường đã cho chủ đoàn viết cam kết về việc hoạt động này.

Trong thời gian đoàn này hoạt động vào dịp tết, phường đã thường xuyên kiểm tra khung giờ hoạt động xem có đảm bảo như đã cam kết hay không và nhận thấy đoàn không có vi phạm.

“Do vào dịp tết nên phường cho đoàn này đến biểu diễn trên địa bàn để tạo điều kiện vui chơi giải trí cho người dân. Về việc mở nhạc công suất lớn, phường sẽ cho kiểm tra, giám sát ngay và xử lý nghiêm nếu đoàn này vi phạm” – bà Giang khẳng định.

LÊ PHAN

QUỲNH TRUNG – NGỌC ĐÔNG Ghi