14/01/2025

Dự án chống ngập sẽ hoàn thành vượt tiến độ 14 tháng

Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) sẽ rút ngắn thời gian hoàn thành được 14 tháng so với kế hoạch.

 

Dự án chống ngập sẽ hoàn thành vượt tiến độ 14 tháng

Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) sẽ rút ngắn thời gian hoàn thành được 14 tháng so với kế hoạch.



Toàn cảnh thi công hạng mục cống kiểm soát triều Mương Chuối ngày 4.2ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Chiều 4.2, Uỷ viên Bộ Chính trị – Bí thư Thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng đến thăm và kiểm tra tiến độ thực hiện dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1).
Báo cáo với Bí thư và đoàn công tác, ông Nguyễn Tâm Thịnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) – nhà đầu tư dự án cho biết khối lượng thi công và giải ngân dự án đến nay đã đạt 1.425 tỉ đồng (tổng vốn đầu tư dự án gần 10.000 tỉ đồng). Các cống ngăn triều đã thi công đạt khoảng 24 – 30%, mặt bằng thi công đã được giải quyết xong, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ. Nhà đầu tư kiến nghị TP giải quyết phần đất thuộc diện đối ứng trong hợp đồng BT.

Ông Thịnh cam kết Trung Nam sẽ hoàn thành, bàn giao 7,8 km đê kè và hạng mục cống kiểm soát triều Bến Nghé ngay trong năm 2017. Các hạng mục cống kiểm soát triều còn lại sẽ bàn giao và hoàn thành lần lượt cho đến ngày 30.4.2018. Như vậy dự án sẽ rút ngắn thời gian hoàn thành được 14 tháng so với kế hoạch.

Phó chủ tịch Lê Văn Khoa cho biết đã nhiều lần đi kiểm tra thực tế dự án và lần này thấy diễn biến rất tốt. Ông Khoa ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của nhà đầu tư, đơn vị thi công đã làm việc suốt tết nhưng lưu ý phải đảm bảo công trình đạt chất lượng tốt. Ông Khoa cũng đề nghị khen thưởng những hộ gia đình dù chưa nhận tiền bồi thường nhưng đã bàn giao mặt bằng thi công kè dự án.
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Đinh La Thăng đánh giá cao nỗ lực của chủ đầu tư và các cơ quan liên quan, nhất là việc giải quyết xong yếu tố mặt bằng và nguồn tài chính cho dự án, vì đây là khâu khó nhất. Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu các cơ quan chức năng của TP khẩn trương tính toán kết nối dự án này và dự án giải quyết ngập do mưa do Sở NN-PTNT làm chủ đầu tư. Khi đó, hiệu quả giải quyết ngập sẽ tăng.
Ông Thăng chốt mốc cuối cùng để hoàn thành dự án là ngày 30.4.2018, đồng thời lưu ý phải đảm bảo chất lượng và an toàn tuyệt đối, nhất là hệ thống điện trong thi công. Yêu cầu rà soát và tăng cường giám sát việc thi công 24/24; tạo cơ chế để người dân giám sát như công bố số điện thoại nóng tại công trường… Sở GTVT cần tổ chức điều tiết giao thông trên bộ cũng như dưới nước nhằm đảo bảo sự đi lại của người dân. UBND TP, các sở ngành và nhà đầu tư cần phối hợp làm ngay 2 cây cầu kết nối để công trình được khai thác đồng bộ.
Tìm mọi cách giảm giá thành nước sạch
Trong buổi làm việc về dự án chống ngập với các sở ngành của TP.HCM, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng cho biết sắp tới sẽ làm việc với Tổng công ty cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên (Sawaco) để tìm cách giảm giá thành nước sạch cho người dân.
Ông Thăng khẳng định dứt khoát không thể để giá thành nước sạch cao như hiện nay và không thể chấp nhận việc thất thoát nước lại tính vào giá thành; việc thất thoát nước do yếu kém về quản lý mà nhà nước phải chịu. Ông Thăng yêu cầu lãnh đạo Sở Tài chính xem xét và báo cáo lại cơ cấu giá thành nước hiện nay thế nào; phải thay đổi cơ cấu giá nước cho phù hợp, phải làm rõ thất thoát nước nằm trong giá thành bao nhiêu.
Theo ông Thăng, không thể chấp nhận việc hiện nay thất thoát nước khoảng 30%. Nhà nước phải thay đổi lại cơ cấu, cách làm để giảm giá nước sạch cho người dân. Ông Thăng cũng cho biết tiến tới TP sẽ không còn nhân viên ghi chỉ số nước theo cách thủ công mà tất cả phải sử dụng công nghệ. Người dân chỉ cần mở máy điện thoại sẽ biết hôm nay sử dụng bao nhiêu nước.
Theo tính toán của Sawaco, với lượng thất thoát như hiện nay, mỗi ngày TP mất hơn 565.000 m3 nước. Với mức giá thấp nhất trong định mức của đối tượng sinh hoạt hiện nay là 5.300 đồng/m3 (chưa VAT) thì mỗi ngày TP mất gần 3 tỉ đồng vì thất thoát nước sạch.
Trung Hiếu


 

Đình Mười