11/01/2025

Karaoke tra tấn láng giềng, bó tay vì thiếu thiết bị đo tiếng ồn!?

Bàn giải pháp chấn chỉnh tình trạng karaoke tra tấn láng giềng, nhiều ý kiến từ cơ quan chức năng ở TP.HCM cho rằng hiện nay chính quyền rất khó xử lý vi phạm này vì thiếu thiết bị đo tiếng ồn.

 

Karaoke tra tấn láng giềng, bó tay vì thiếu thiết bị đo tiếng ồn!?

Bàn giải pháp chấn chỉnh tình trạng karaoke tra tấn láng giềng, nhiều ý kiến từ cơ quan chức năng ở TP.HCM cho rằng hiện nay chính quyền rất khó xử lý vi phạm này vì thiếu thiết bị đo tiếng ồn.

 

 

 

Karaoke tra tấn láng giềng, bó tay vì thiếu thiết bị đo tiếng ồn!?
Một chiếc loa công suất lớn được sử dụng để hát trên đường Phạm Văn Đồng, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

* Ông Lương Văn Phương (đội trưởng đội điều tra tổng hợp Công an Q.12, TP.HCM):

Nhắc nhở là chủ yếu

Tôi từng có thời gian làm trưởng công an phường, trực tiếp quản lý các vấn đề an ninh trật tự địa bàn một phường ở Q.12. Trong quá trình công tác, có thể thấy vào những dịp tất niên, lễ tết, ma chay, cưới hỏi… người dân thường tự trang bị hoặc thuê mướn những dàn âm thanh có âm lượng lớn để hát hò với nhau.

Nhiều hộ gia đình có ý tứ thì bày biện loa hát hò trong nhà nhưng cũng có nhiều gia đình bày cả bàn tiệc, loa công suất lớn lấn chiếm lề đường thỏa sức vui vẻ. Tình trạng này theo tôi là khá phổ biến và gây không ít phiền toái, đau đầu cho những người xung quanh và cả cán bộ xử lý.

Để có cơ sở xử phạt đối với hành vi ô nhiễm tiếng ồn phải có sự phối hợp của cơ quan chuyên môn tiến hành đo đạc xác định mức độ tiếng ồn, tính chất từng điểm gây ồn, do đó rất mất thời gian.

Thông thường để hạn chế tình trạng này, mỗi khi gần đến dịp cuối năm chúng tôi đều bố trí lực lượng bám sát địa bàn, nếu phát hiện hộ nào tổ chức hát hò gây mất trật tự thì cán bộ sẽ đến nhắc nhở một cách tế nhị để họ tự giải tỏa là chủ yếu, chưa có trường hợp nào bị xử phạt.

Đối với những trường hợp người dân yêu cầu công an giải quyết thì chúng tôi cử người xuống tìm cách khuyên nhủ họ dẹp hoặc mở nhỏ lại. Tuy nhiên, thực tế cũng khổ lắm vì mấy ông uống bia rượu thường hát “dai” lắm.

Một lãnh đạo công an phường ở Q.3, TP.HCM:

Khó xử lý

Trên địa bàn tôi quản lý cũng từng có một hộ gia đình thường xuyên mở loa đài hát hò gây ồn ào trong khu phố. Mặc dù bị nhiều hộ dân xung quanh phản ảnh và chúng tôi cũng nhiều lần xuống nhắc nhở nhưng hộ này vẫn “cứng đầu”.

Mới đây, qua nhiều lần thuyết phục, rất may hộ này đã dẹp hệ thống loa đài, không còn “chọc tức” bà con. Người dân trong khu phố như trút đi một gánh nặng lâu năm.

Ngoài hộ này, chúng tôi cũng ghi nhận một số hộ đưa loa đài ra ngoài đường hẻm để hát hò vào các dịp tổng kết, tất niên, cưới hỏi… Với các trường hợp này, chúng tôi bố trí lực lượng cảnh sát khu vực phối hợp với tổ dân phố đến nhắc nhở, khuyên nhủ thì cơ bản họ đều tuân thủ chấp hành.

Từ trước đến nay, chúng tôi chủ yếu nhắc nhở là chính, còn việc xử lý khá khó khăn, phức tạp vì phải có thiết bị đo tiếng ồn và phải có nhiều ban ngành tham gia chứ phường không có thiết bị, chuyên môn để xử lý.

* Ông Đỗ Đình Thiện (phó chủ tịch UBND Q.Bình Tân, TP.HCM):

Cần hỗ trợ thiết bị 
đo tiếng ồn 
cho phường, xã

Khi nhận phản ảnh về việc người dân kéo dàn loa máy hát ồn ào gây ảnh hưởng đến đời sống dân cư, quận sẽ triển khai lực lượng phường xuống lập biên bản nhắc nhở ngay, nếu tái phạm sẽ xử phạt. Thường khi được nhắc nhở, người dân đều có ý thức giảm âm thanh hoặc dẹp ngay.

Trên địa bàn Q.Bình Tân, tình trạng người dân hát karaoke gây ồn thường tập trung ở ba phường có số lượng dân nhập cư đông là P.Bình Hưng H, P.Bình Hưng H A, P.Bình Hưng Hoà B. Còn các phường khác tình trạng này diễn ra ít hơn, vì ở đây các khu dân cư đã sinh sống ổn định lâu dài, ý thức cộng đồng của người dân cao hơn.

Dù luật đã có quy định xử phạt chi tiết, tuy nhiên từ trước tới nay, lực lượng phường, công an khu vực, tổ trưởng khu phố chỉ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhắc nhở người dân giảm âm lượng là chính chứ rất ít xử phạt. Bởi muốn xử phạt phải đo được mức độ ồn vượt ngưỡng cho phép, trong khi các phường không có công cụ đo đạc.

Thực tế là tiếng ồn karaoke tự phát này không mang tính phổ biến, nên việc trang bị thiết bị đo đạc cho các phường, xã không mấy hiệu quả. Tuy nhiên, nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên, UBND quận, huyện cần có phương án hỗ trợ trang thiết bị đo đạc cho phường, xã để tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt.

Phản ảnh tiếng ồn: gọi 08.38293653

Lãnh đạo thanh tra Sở Tài nguyên và môi trường (TN&MT) TP.HCM cho biết cơ quan này đã công bố số điện thoại nóng 08.38293653 để tiếp nhận và giải quyết kịp thời phản ảnh của người dân về tiếng ồn, trong đó có nguồn gây ồn từ karaoke. Trong thời gian vừa qua, sở đã tiếp nhận nhiều phản ảnh của người dân về tiếng ồn, đồng thời đã chuyển nhiều phản ảnh đến phòng TN&MT các quận, huyện để kiểm tra.

Trả lời đề nghị của Tuổi Trẻ cho biết kết quả kiểm tra, xử lý các phản ảnh của người dân về tiếng ồn mà sở đã tiếp nhận, lãnh đạo thanh tra sở nói việc này cần có thời gian để tổng hợp thông tin, kết quả kiểm tra, xử lý.

Ngoài đường dây nóng nói trên của sở, người dân có thể phản ảnh về tiếng ồn tại UBND phường, xã hoặc phòng TN&MT quận, huyện. Để có thể giải quyết các phản ảnh được chính xác, kịp thời, trong nội dung phản ảnh cần nêu rõ tên hoặc địa chỉ gây ồn, khoảng thời gian gây ồn…

Việc xử lý các vi phạm về tiếng ồn trước đây được áp dụng tại điều 17 nghị định 179 (năm 2013), nay đã được thay thế bằng nghị định 155 (năm 2016) mới có hiệu lực từ 1-2-2017. Nghị định mới có thêm quy định phạt cảnh cáo đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn dưới 2 dBA; các mức phạt tiền vẫn giữ như cũ (thấp nhất là 1 triệu đồng và cao nhất là 160 triệu đồng). (QUỐC THANH)

* Luật sư Võ Xuân Trung (Đoàn luật sư TP.HCM):

Dùng sức mạnh cộng đồng

Để giải quyết tình trạng karaoke tự phát gây ồn không nên đặt nặng vấn đề xử phạt. Mức phạt nặng nhẹ không quan trọng bằng việc giáo dục, tuyên truyền, sử dụng sức mạnh tiếng nói cộng đồng. Một hành vi ảnh hưởng đến cả cộng đồng, không ai giải quyết tốt bằng chính người dân sống trong khu vực.

Nếu một người nói ra sợ xích mích, mất lòng thì nhiều người cùng nhau lên tiếng. Tổ dân phố, khu phố nên đưa ra cộng đồng giải quyết bằng cách tổ chức họp, góp ý, đưa ra kiểm điểm trong cộng đồng. Trừ trường hợp người quá chây ì, còn người có tự trọng nếu được góp ý, kiểm điểm một vài lần cũng phải tự ý thức thay đổi.

Tụng kinh, đừng để loa to

Đó là gửi gắm của hai vị hoà thượng, đại đức khi nói về việc tụng kinh ở một số chùa đã sử dụng loa công suất lớn, âm thanh quá to, gây ảnh hưởng tới người dân xung quanh.

* Hoà thượng Thích Thiện Tâm (phó chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam):

Giữ gìn sự thanh tịnh

Chùa mở loa quá to để tụng kinh, thuyết giảng là đã vi phạm luật pháp về vấn đề môi trường – quy định âm lượng tối đa đối với còi xe, quán xá, sinh hoạt thường ngày. Nếu địa phương nào có trường hợp này, tôi nghĩ chính quyền nơi đó cùng các ban trị sự Phật giáo sở tại phải phối hợp để có ý kiến nhắc nhở, làm cho hoạt động tâm linh của chùa đúng tinh thần nhà Phật, theo pháp luật hiện hành, không gây ảnh hưởng tới cộng đồng dân cư xung quanh.

Tụng kinh, niệm Phật, giảng pháp trong khuôn viên chùa để địa điểm tâm linh đó được thanh tịnh, nên nếu điều đó lại gây phiền hà cho người khác thì không có lý do gì nhà chùa không điều chỉnh cả.

Do vậy, ở đây tôi khuyên các chùa, các thầy trụ trì cần lắng nghe ý kiến người dân xung quanh để không vô tình gây mất lòng họ, khiến họ có suy nghĩ không hay về chùa chiền; đặc biệt tránh vi phạm quy định về tiếng ồn, ảnh hưởng sức khoẻ, sinh hoạt của quần chúng.

* Đại đức Thích Lệ Minh (phó Ban văn hoá Phật giáo TP.HCM):

Sử dụng âm thanh vừa đủ

Mỗi chùa có kiến trúc, diện tích khác nhau, nằm ở những vị trí không giống nhau, nên việc thiết kế âm thanh cho sinh hoạt của chùa phải phù hợp với diện tích, kiến trúc, đặc thù nơi ngôi chùa tọa lạc. Theo đó, điều cần thiết nên tránh là sinh hoạt của chùa (vốn thanh tịnh, trang nghiêm) phải không gây ảnh hưởng tới người dân xung quanh.

Thực tế có những chùa để âm lượng hơi lớn, giọng tụng kinh của người chủ lễ không hay khiến người nghe khó chịu. Để khắc phục, nhà chùa nên nghiên cứu sử dụng âm thanh vừa đủ để những người tham gia tụng niệm, lắng nghe trong khuôn viên chùa mình là đủ, tránh gây phiền hà cho hàng xóm, người dân xung quanh.

Ở chùa Thiện Mỹ (đường Cao Đạt, Q.5, TP.HCM) do tôi trụ trì, khi sử dụng âm thanh trong sinh hoạt tôn giáo đều tuân theo quy định của Nhà nước (không quá 22h, và thường các chùa cũng chỉ có thời kinh tối lúc 7h là sử dụng loa). Dù vậy, tôi vẫn đi hỏi thăm các nhà xung quanh về việc tụng kinh có gây ảnh hưởng đến họ không. Thực tế là xin phép để họ hoan hỉ với những sinh hoạt tâm linh của chùa. (TẤN KHÔI ghi)

HOÀNG LỘC – TIẾN LONG GHI