11/01/2025

Gần dân để giữ cội rễ của Đảng

“Dân có tin Đảng, yêu Đảng hay không, trước hết thông qua hình ảnh của người đảng viên tại từng khu phố, ấp; hình ảnh của người cán bộ, công chức của từng phường, xã, thị trấn”.

 

Gần dân để giữ cội rễ của Đảng 

“Dân có tin Đảng, yêu Đảng hay không, trước hết thông qua hình ảnh của người đảng viên tại từng khu phố, ấp; hình ảnh của người cán bộ, công chức của từng phường, xã, thị trấn”.

 

 

 

Gần dân để giữ cội rễ của Đảng 
Bí thư Thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng và các bí thư đảng uỷ phường, xã, thị trấn sáng 3-2 – Ảnh: Q.ĐỊNH

Ông Đinh La Thăng – uỷ viên Bộ Chính trị, bí thư Thành uỷ TP.HCM – nói như vậy trong buổi gặp gỡ giữa Thường trực Thành ủy với bí thư phường, xã, thị trấn năm 2017, tổ chức sáng 3-2.

322 bí thư phường, xã, thị trấn đã đến dự cuộc gặp gỡ, đối thoại cởi mở với Thường trực Thành uỷ. Những câu chuyện về dân, những bức xúc từ dân từ cách nhìn của những bí thư cấp cơ sở được thẳng thắn nêu lên.

Nói thay tiếng nói 
người dân

Cuộc gặp gỡ diễn ra sôi nổi ngay từ đầu, khi phát biểu các bí thư xã, phường, thị trấn đều tận dụng thời gian để trình bày thêm nhiều vấn đề mà người dân địa bàn mình quan tâm.

Nhắc đến câu chuyện về chương trình chỉnh trang đô thị của TP, bí thư P.8 (Q.8) Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết có thực tế đặt ra là nhiều hộ ở nhà trên và ven kênh rạch có diện tích rất nhỏ, có khi chỉ 2,7m2 mà có tới 6 nhân khẩu.

“Với diện tích như vậy, nếu tính giá đền bù thì họ không thể tìm được chỗ ở mới” – ông Nghĩa kiến nghị TP có cơ chế đặc biệt với các hộ nghèo, khó khăn thuộc diện tái định cư.

Bí thư P.Bến Nghé (Q.1) Thái Thị Kim Thanh nói P.Bến Nghé là địa bàn trung tâm, khối lượng công việc nhiều, kiến nghị TP xem xét cơ chế khoán biên chế và chi phí hành chính cho phù hợp với tình hình.

Bà Thanh cho biết trên địa bàn phường có rất nhiều đơn vị trú đóng, khó để quán xuyến công việc nếu không có biên chế đặc thù.

Cũng bài toán biên chế, bí thư P.Hiệp Bình Chánh (Thủ Đức) Phạm Hoàng Minh Tân và bí thư P.2 (Q.6) Nguyễn Quốc Dương cho rằng quy định hiện nay khiến phường thiếu biên chế trầm trọng, thậm chí phải thuê khoán thêm nhân sự bên ngoài để làm quản lý trật tự xây dựng.

Gần dân để giữ cội rễ của Đảng 
Ông Nguyễn Văn Sử – bí thư Đảng uỷ phường Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân, TP.HCM – tại buổi Thường trực Thành ủy gặp bí thư đảng uỷ phường, xã, thị trấn – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bí thư P.Bình Hưng Hòa B (Q.Bình Tân) Nguyễn Văn Sử làm xôn xao hội trường với 12 kiến nghị trình bày liên tục trong gần 15 phút.

Ông Sử nói ở P.Bình Hưng Hoà B có 3 dự án đang gây bức xúc, trong đó có dự án khu công nghiệp Vĩnh Lộc. Sau hơn 19 năm, từ chỗ 43 hộ chưa đền bù giải tỏa, đến nay dự án này lên tới hơn 100 hộ.

Mấy năm qua, nhiều hộ dân đồng ý nhận đền bù, chuyển đi nơi khác nhưng khu công nghiệp vẫn chưa có kế hoạch cụ thể nào.

“Có đất mà khổ, có đất mà nghèo, người dân đồng ý đi nơi khác rồi mà chủ đầu tư vẫn không đền bù đó là điều vô lý” – bí thư P.Bình Hưng Hòa B thẳng thắn.

Phải là những cầu nối liền mạch

Thay mặt Thường trực Thành uỷ, Bí thư Đinh La Thăng đánh giá rất cao sự sát sao, gần dân, hiểu chuyện của dân trong mỗi ý kiến. Bí thư Thành uỷ nói sự gần dân đó chính là để giữ cội rễ của Đảng.

Ông Thăng cho rằng trong năm 2016, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP đã chung sức đồng lòng, nỗ lực vượt qua những trở ngại, tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng.

“Sở dĩ có được điều đó, trước hết vì chúng ta biết đồng lòng, đoàn kết, giữ nghiêm kỷ luật Đảng. Mà những nhân tố tiền đề đó trước hết đều phải bắt nguồn từ cơ sở” – ông Đinh La Thăng khẳng định.

Cũng theo bí thư Thành uỷ, đảng bộ phường, xã, thị trấn là lãnh đạo cấp chính quyền cuối cùng gần dân nhất của bộ máy nhà nước. Đảng bộ phường, xã, thị trấn là rất quan trọng trong việc làm cầu nối giữa dân với Đảng.

“Cầu nối ấy chỉ liền mạch khi những vấn đề bức xúc của dân được giải quyết. Khi người dân được củng cố niềm tin với Đảng, đồng thuận với chủ trương, đường lối của Đảng đề ra” – ông Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Bí thư Thành uỷ yêu cầu các bí thư phường, xã, thị trấn phải bắt tay ngay vào việc tháo gỡ khó khăn với tinh thần quyết liệt.

Trong đó lấy việc xây dựng cơ sở Đảng vững mạnh là nhiệm vụ trọng tâm. Về những vấn đề còn vướng mắc, bí thư Thành uỷ hứa sẽ tập trung giải quyết, vấn đề nào vượt quyền cơ sở thì Thành uỷ sẽ nghiên cứu, tiếp thu và kiên trì kiến nghị trung ương tháo gỡ.

Với những vấn đề thuộc thẩm quyền của địa phương, TP sẽ xem xét nghiên cứu giải quyết theo lộ trình phù hợp.

“Chắc chắn chúng ta không thể cùng một lúc giải quyết được tất cả những vấn đề đưa ra ở đây. Không thể vội vã, hấp tấp nhưng một điều chúng ta cần nhớ là nhân dân cũng không có nhiều thời gian để chờ đợi” – Bí thư Đinh La Thăng nêu rõ.

Dân bức xúc, bí thư phải đi kêu

Bí thư P.Bình Hưng Hòa B (Q.Bình Tân) Nguyễn Văn Sử: “Bình Tân có gần 20 điểm ngập nhưng tôi chưa thấy lãnh đạo Trung tâm chống ngập TP về ngồi làm việc với lãnh đạo của Q.Bình Tân để tháo gỡ.

Phải chăng do tôi chỉ làm lãnh đạo phường, cấp nhỏ quá nên không biết? TP giao bao nhiêu tiền thì Trung tâm chống ngập cố gắng làm cho hết chừng đó tiền, chứ chưa thực sự nghiên cứu căn cơ. Chúng tôi kiến nghị xem xét”.

Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng: “Bí thư phường bức xúc khi đường ngập mà không thấy Trung tâm chống ngập là đúng rồi, tôi rất chia sẻ. Tôi hỏi thêm anh Sử, Trung tâm chống ngập không xuống nhưng anh có lên Trung tâm chống ngập để hỏi chưa?”.

Bí thư P.Bình Hưng Hoà B (Q.Bình Tân) Nguyễn Văn Sử: “Dạ, thưa bí thư tôi có biết địa chỉ, nhưng chưa bao giờ tới”.

Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng: “Đấy! Tôi đồng tình với anh là Trung tâm chống ngập phải xuống, phải có kế hoạch căn cơ chứ không phải chi cho hết tiền.

Nhưng bí thư, chủ tịch phường thấy ngập thì phải chạy lên kêu. Phải gặp Trung tâm chống ngập, các sở ngành, đấu tranh cho được! Thống nhất là mai lên Trung tâm chống ngập hỏi cho ra nhé!”.

Nông dân 
phải làm chủ công nghệ cao

Đây là yêu cầu Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng đặt ra khi đến thăm một số doanh nghiệp tại Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM ở Củ Chi chiều 3-2.

Tại đây, khi nghe báo cáo là nông dân chỉ mới dần áp dụng từng công đoạn chứ chưa làm chủ toàn bộ quy trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, bí thư Thành uỷ tỏ ra chưa hài lòng.

Ông yêu cầu phải giúp nông dân làm chủ nông nghiệp công nghệ cao trên đất của mình. Bí thư Thành uỷ khẳng định việc TP hình thành Khu nông nghiệp công nghệ cao là để giúp nông dân. Ngoài việc tăng doanh thu cho TP thì quan trọng hơn là việc giúp người nông dân giàu lên trên mảnh đất của họ bằng nông nghiệp công nghệ cao.

Ông Đinh La Thăng cũng chỉ đạo Khu nông nghiệp công nghệ cao cần nghiên cứu, giúp đỡ, chuyển giao công nghệ nông nghiệp sạch đến bà con nông dân, hướng đến một nền nông nghiệp hữu cơ. (VIỄN SỰ)

VIỄN SỰ – MAI HOA