Karaoke tra tấn láng giềng, chính quyền than ‘rất khó’…
“Nhiều bà con thì viện lý do mấy ngày tết muốn vui chơi, còn những người phải chịu đựng tiếng ồn bất đắc dĩ thì lại nói xã không xử là họ xử.”
Karaoke tra tấn láng giềng, chính quyền than ‘rất khó’…
”Nhiều bà con thì viện lý do mấy ngày tết muốn vui chơi, còn những người phải chịu đựng tiếng ồn bất đắc dĩ thì lại nói xã không xử là họ xử.”
Một dàn âm thanh đang “chạy sô” trên đường phố Long An vào sáng 1-2 – Ảnh: SƠN LÂM |
Chưa năm nào chủ đề về vấn nạn karaoke lại bị kêu nhiều như tết năm nay, đặc biệt là các vùng nông thôn miền Tây – nơi luôn vang dội âm thanh từ những dàn loa “khủng”.
Đã xảy ra tranh chấp, thậm chí xô xát vì nhiều người không chịu nổi những tiếng ồn này.
Nói về việc xử lý ô nhiễm tiếng ồn, ông Nguyễn Tấn Quốc – thanh tra Sở Văn hóa thể thao và du lịch Long An, thừa nhận “rất khó”. Còn ông Trần Hoàng Liêm, chủ tịch UBND xã Tân Phú, cho biết chính quyền cũng mệt mỏi.
Đập loa cho hả giận
Từ ngày đưa ông Táo (tức 23 tháng chạp), nhà ông L.M.Th. (ở ấp Tân Bắc, xã Tân Phú, huyện Châu Thành, Bến Tre) đã đưa nguyên dàn loa về để hát karaoke.
Giờ bật nhạc ở nhà ông Th. cũng “nghiệt ngã”, toàn vào giờ trưa và giờ xem phim buổi chiều, khiến cho hàng xóm ai cũng kêu ca không chịu nổi.
Khi hàng xóm góp ý thì ông Th. lớn tiếng: “Giờ nào rảnh thì tui hát chứ lúc lu bu ai hát được, mà sao mấy nhà khác không nói mà nhè nói tui hoài vậy”.
Đến chiều mùng 1 tết, chịu hết xiết, ông T., nhà cặp vách ông Th. đã đem nguyên cây gỗ to qua đập loa cho hả giận, vậy là xảy ra xô xát, cãi nhau.
Cũng ở xã này, chiều nào bà Nguyễn Thị Thảnh cũng ra đứng đầu cổng lớn tiếng: “Trời ơi là trời, muốn hát thì quay mấy cái loa vô mặt mà hát. Cứ quay qua nhà người ta mà hát mà hò ai chịu nổi!”. Bà Thảnh nói hết nhà này tới nhà khác mở loa hát, không ngày nào được yên cái đầu.
Ông Trần Hoàng Liêm, chủ tịch UBND xã Tân Phú, cho biết mấy năm trước karaoke đâu có dữ dội như năm nay.
“Từ trước tết tới giờ chính quyền cũng mệt mỏi với việc này. Nhiều bà con thì viện lý do mấy ngày tết muốn vui chơi, còn những người phải chịu đựng tiếng ồn bất đắc dĩ thì lại nói xã không xử là họ xử” – ông Liêm lắc đầu.
Không chỉ ở Bến Tre, những ngày này đi dọc con đường Trần Thị Thơm, ấp Mỹ Phong, xã Tân Mỹ Chánh (TP Mỹ Tho, Tiền Giang) cũng nghe rất nhiều âm thanh hát hò hỗn tạp phát ra từ hai bên đường, từ nhà lầu, nhà tường, thậm chí nhà lá cũng có hai ba cái loa để trước sân.
Chị Nguyễn Ngọc Đan Thanh, buôn bán vỏ xe đạp, nói nhà này thuê dàn âm thanh thì nhà khác cũng thuê, có người hát cho vui, nhưng cũng có người muốn trả đũa, nên những người xung quanh suốt ngày phải chịu đựng nhiều âm thanh chát chúa.
Chưa xử phạt trường hợp nào
Dịp tết này, nhiều cơ sở cho thuê dàn âm thanh lại bội thu vì nhu cầu thuê dàn nhạc sống ở các vùng quê khá cao. Từ trưa 28 tết, điện thoại của Nguyễn Văn Linh, một người chuyên phục vụ “karaoke di động” ở TP Tân An (Long An), đã bắt đầu reo liên tục.
“Một dàn nhạc gồm tivi, dàn chỉnh âm và 5 loa đại. Bình thường khoảng 700.000 đồng/suất, đến mùa tết tăng lên cả triệu đồng nhưng cũng cháy suất, chạy sô không kịp” – Linh kể.
Anh Lâm Thanh Vũ (chủ cửa hàng cho thuê nhạc sống Thanh Vũ, xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, Vĩnh Long) cho biết cửa hàng của anh có 3 dàn nhạc, gần tết anh mua thêm 1 dàn gồm loa, micro, màn hình, trống… gần 60 triệu đồng, mới gần một tháng mà đã gần thu hồi vốn.
“Từ đầu tháng chạp đã có nhiều người thuê dàn nhạc về nhà, lịch kín hết tới ra giêng, có nhà thì hát vui mấy ngày tết, có nhà đám cưới, đám giỗ thuê, tụi tui sống nhờ vào mấy dịp này” – anh Vũ cho hay.
Trong khi đó, những người sống cạnh nhà hàng xóm có “tâm hồn âm nhạc” xem như là hết tết. Ông Nguyễn Văn Hai (xã Lợi Bình Nhơn, TP Tân An) than thở: “Từ 28 tết đã rùm beng, hai nhà hai bên đều thuê dàn nhạc sống về. Sợ con nhỏ chịu không thấu, mùng 1 đã phải chạy trốn về phía nhà vợ ở huyện Châu Thành. Thế mà xuống đó hai ngày cũng bị dính dàn loa của hàng xóm kế bên. Tết nhất mà không yên được phút nào”.
Chị Tăng Thị Huế (ở huyện Bình Minh, Vĩnh Long) cũng ngán ngẩm nói: “Đi làm cả năm đến tết mới về nhà mà suốt ngày ồn ào chịu không nổi, hát hay không nói gì, còn đằng này nhạc đã ồn mà toàn tiếng rên tiếng la. Dự định mùng 7 tui mới trở lên nhà trọ đi làm mà nay mới mùng 5 tui phải đi khỏi nhà rồi”.
Tuy nhiên, nói về việc xử lý ô nhiễm tiếng ồn này, ông Nguyễn Tấn Quốc, thanh tra Sở Văn hóa – thể thao và du lịch tỉnh Long An, thừa nhận “rất khó”. Ông Quốc cho biết trong dịp Tết Đinh Dậu vừa qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh Long An vẫn chưa xử phạt trường hợp nào.
“Trên thực tế, để xử phạt chế tài về hành vi ô nhiễm tiếng ồn phải qua rất nhiều thủ tục. Đa số địa phương cũng chỉ nhắc nhở khi có trường hợp phản ảnh, chủ yếu là tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân” – ông Quốc nói.
Trách nhiệm của phường, xã Hơn 150 ý kiến phản hồi bài “Karaoke tra tấn láng giềng” (Tuổi Trẻ ngày 2-2), đã có rất nhiều lời than thở của những người đang phải chịu đựng tiếng ồn và đề xuất cách giải quyết tình trạng này. Đến giờ bên tai tôi vẫn còn vang động bởi dàn nhạc của hàng xóm. Suốt từ 29 tết đến giờ, trừ lúc ngủ, họ mở nhạc hết cỡ làm náo động cả xóm làng. Nhà ấy có mấy con trai đi làm ăn ở TP.HCM nên mua cả dàn âm thanh cực lớn, những ngày tết bạn bè tụ tập thâu đêm suốt sáng, bia vào thì nhạc ra. Phải chi họ hát hay và mở âm thanh vừa đủ nghe thì ai nói gì, đằng này, giọng ca vừa có vị đắng của bia, vị cay của rượu, vị chua của dưa cải, tất cả hòa vào nhau ra cái vị đặc trưng của say xỉn… Thành thật mà nói: Tôi cũng xin lạy trời! Nguyễn Rum (nguyenrum85@…) Tôi ở huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, không phải mấy ngày tết mà ngày thường cũng vậy, nhạc sống kẹo kéo hoành hành cả ngày lẫn đêm. Con cái không thể nào học bài được. Đi làm cả ngày về nhà, chỉ có buổi tối để trò chuyện với gia đình cũng không được. Giải pháp là phải chế tài mạnh với những người gây ra tiếng ồn này. Tôi nghĩ phải giao việc quản lý và xử phạt này cho chính quyền UBND cấp xã, vì giao cho phòng văn hoá thông tin quản lý thì không thích hợp bởi không trực tiếp quản lý địa bàn và thời gian đi thực địa cũng không nhiều. Châu Hoàng Ân (an_ketoan@…) Chính quyền, công an phường khi dân gọi điện cầu cứu thì thường không xuống giải quyết, còn nói là “người ta vui một chút mà…”, có khi còn mắng “sao ông/bà khó tính thế”. Do đó, để xử lý triệt để vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn này, chính quyền cấp quận hay thành phố nên lấy tiêu chuẩn không để xảy ra tình trạng ô nhiễm tiếng ồn làm cơ sở để đánh giá chính quyền phường thì mới mong phường xử lý quyết liệt và người dân sẽ không còn bị tra tấn khổ sở nữa. |