Ứng dụng hoa văn Đại Việt cho giải trí, du lịch
Các đồ án hoa văn Đại Việt có thể tiếp sức cho các ngành công nghiệp sáng tạo, giải trí như điện ảnh, du lịch, mỹ thuật công nghiệp.
Ứng dụng hoa văn Đại Việt cho giải trí, du lịch
Các đồ án hoa văn Đại Việt có thể tiếp sức cho các ngành công nghiệp sáng tạo, giải trí như điện ảnh, du lịch, mỹ thuật công nghiệp.
Những chiếc đĩa gốm men rạn, đĩa sứ men ngọc mang hoa văn nổi; bao lì xì, móc khóa có hình rồng; đĩa cá hóa rồng đúc đồng… đang được trưng bày trong triển lãm Hoa văn Đại Việt từ nay đến Tết Nguyên đán, tổng kết 2 năm những đồ án đó được nhóm Đại Việt cổ phong sưu tầm, tập hợp. “Tôi xem hoa văn ở trên mạng, sau đó đồ lại trên sản phẩm đúc đồng của mình. Đĩa có đường kính 33 cm, đã bán được với giá 15 triệu đồng”, ông Hoàng Văn Phi chia sẻ về một sản phẩm của mình.
Hoa văn Đại Việt là dự án của nhóm nghiên cứu văn hóa Đại Việt cổ phong, do ông Minh Khôi làm chủ dự án. Câu chuyện bắt đầu từ việc Đại Việt cổ phong thấy rất khó tìm hoa văn, hoạ tiết VN trên mạng để làm tư liệu cho các dự án văn hoá lịch sử của mình. Cuộc kêu gọi đóng góp, tìm kiếm hoa văn Đại Việt bắt đầu như thế cách đây 2 năm. Giờ đây, khi tạm kết thúc bằng việc ra mắt cuốn sách tô màu Hoa văn Đại Việt, dự án đã có trong tay 250 hoa văn truyền thống do các thành viên, nhà nghiên cứu sưu tầm. Hơn thế nữa, nó dường như đã mở ra câu chuyện mới: đưa chúng vào đời sống như thế nào.
“Nhiều sản phẩm bát, đĩa được làm độc bản, là đạo cụ phim cổ trang VN do Yên Tử Studio mang tới triển lãm”, ông Minh Khôi cho biết. Có thể nói các hoa văn Việt cổ chính là một trong những chất liệu quan trọng cho phim cổ trang (thiết kế trang phục, đạo cụ, bối cảnh…) cũng như công nghiệp điện ảnh.
“Khi làm phim chúng tôi rất mất thời gian để tìm kiếm, gặp các nhà nghiên cứu để tìm hiểu về các hoa văn, họa tiết ở thời kỳ mà nhân vật sống. Sau đó, chúng tôi chọn phương án dùng các họa tiết biểu trưng mà chúng tôi gọi là logo văn hóa để đưa vào trang phục, đạo cụ, đồ gỗ…”, đạo diễn Nguyễn Văn Lượng chia sẻ.
Trong khi đó, cộng đồng truyện tranh Comi Cola lại rất thân thiết với các hoa văn này. Nó giúp người làm truyện tranh đi xa hơn trong việc tái hiện các không gian lịch sử, như trong Long thần tướng. Cũng vì thế, Comi Cola cũng là đơn vị đứng ra cùng Đại Việt cổ phong kêu gọi góp vốn cộng đồng để in cuốn sách tô màu Hoa văn Đại Việt. Sách dày 100 trang, khổ 25 x 25 cm. Các hoa văn đã sưu tầm được thể hiện dưới định dạng vector và được ghi chú về nội dung, niên đại hoa văn.
TS Trịnh Lê Anh, Khoa Du lịch, ĐH KHXH-NV Hà Nội, lại đánh giá cao đóng góp gián tiếp cho ngành du lịch của dự án. “Khi sinh viên của tôi làm các công việc liên quan đến du lịch và sự kiện, các bạn nhiều khi bị dừng lại trước văn hoá truyền thống. Hỏi đến con nghê còn nói được nhưng phân biệt mặt con nghê với con thao thiết là các bạn thấy khó rồi. Con tỳ hưu lại càng khó. Dự án đã cung cấp tài liệu để sinh viên của chúng tôi có thể hiểu và yêu văn hóa VN, để có cơ sở giới thiệu văn hóa Việt với khách du lịch”, ông Lê Anh nói.
Bên cạnh đó, xét ở khía cạnh các sản phẩm bát, đĩa… có hoa văn, theo ông Lê Anh, ý nghĩa của dự án còn nằm ở chỗ tạo ra “hướng mở cho công nghiệp sản phẩm du lịch của chúng tôi”. Trên thực tế, các sản phẩm du lịch được đánh giá đậm chất văn hoá VN không nhiều trên thị trường.
Chặng dài phía trước
Tuy nhiên, từ dự án Hoa văn Đại Việt đến những thành tựu công nghiệp sáng tạo cũng còn cả chặng đường dài. Chẳng hạn, trước tiên các hoa văn này cần được xuất bản dưới dạng khảo cứu để các nhóm ngành nghề liên quan có thể ứng dụng.
“Khi tôi đến đây, nhiều bạn hướng dẫn viên bận không tới được dặn anh thấy có cuốn sách nào hay hay anh mua cho em nhé. Các bạn ấy muốn mua sách để tự nhận diện hoa văn, để vào di tích là có cái để nói. Mình nên xuất bản sách và giới thiệu các hoa văn một cách khoa học. Rồi những người trong lĩnh vực khác sẽ đưa các hoa văn vào đời sống”, ông Lê Anh chia sẻ.
Ông Trần Xuân Trà, đại diện một doanh nghiệp chuyên tu bổ di tích, cho rằng: “Nên sắp xếp các hoa văn theo từng thời kỳ và cũng cần nhận diện rõ cái này sử dụng ở cung đình, cái này ứng dụng ở nơi thờ tự, cái này hoa văn trang phục, cái này hoa văn trên bát đĩa… Phải hướng dẫn sử dụng như thế thì khi tôi làm phim cổ trang tôi mới biết cái nào làm binh khí, cái nào làm bàn ghế bát đĩa”.
Ông Nguyễn Đông (thành viên nhóm Đại Việt cổ phong) cho biết về lâu dài nhóm sẽ hướng tới việc làm thế nào để người sử dụng hiểu rõ các nét văn hoá của Hoa văn Đại Việt: nó mang ý nghĩa gì, sử dụng ra sao. “Chẳng hạn nếu biết con rùa là linh vật cõng tri thức, châm ngôn thì không thể sử dụng nó làm chân bàn nước được. Hay như trên sân khấu Gặp nhau cuối năm, có nhân vật quan lại đội mũ có chữ Thọ. Chữ Thọ ý nghĩa cầu tuổi thọ người ta chỉ thêu trên áo mặc cá nhân, chứ không ai lại thêu trên mũ công chức đến công đường như vậy”, ông Đông nói.
Triển lãm Hoa văn Đại Việt vừa được dời từ 50 Đào Duy Từ sang đền Quan Đế – số 28 Hàng Buồm, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ông Minh Khôi, chủ dự án cho biết chiều thứ bảy 21.1, nhóm Đại Việt cổ phong tại Hà Nội sẽ giới thiệu không gian tết xưa của người Việt tại đây.
|
Trinh Nguyễn